Cảnh báo ngộ độc thuốc đông y

Dù đã được các chuyên gia y tế cảnh báo rất nhiều bằng các trường hợp thực tế, thế nhưng, tình trạng người dân tự ý sử dụng thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc, xuất xứ dẫn tới ngộ độc vẫn liên tiếp xảy ra.

Bệnh nhân ngộ độc thuốc nam được điều trị tại cơ sở y tế.

Bệnh nhân ngộ độc thuốc nam được điều trị tại cơ sở y tế.

Thông tin từ Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị bệnh nhân nữ (40 tuổi), bị ung thư tuyến giáp đã phẫu thuật cách đây 1 năm, chưa phát hiện bệnh khác, chưa từng bị dị ứng thức ăn hay thuốc. Bệnh nhân nhập viện vì các dát thâm hoại tử trên da.

Khi khởi phát, bệnh nhân xuất hiện các dát đỏ ngứa nhiều ở lòng bàn tay hai bên, sau 3 ngày, thương tổn tiến triển thành mụn nước, bọng nước nông, dễ vỡ, khi vỡ để lại các vết trợt. Theo thời gian, các thương tổn có tính chất tương tự xuất hiện thêm ở lòng bàn chân hai bên, thân mình, tay, chân, hoại tử da lan rộng. Các niêm mạc không có thương tổn. Bệnh nhân đau rát nhiều. Khám thấy bệnh nhân tỉnh táo, sốt cao, thay đổi mạch, huyết áp; xét nghiệm có tăng nhẹ men gan, rối loạn chức năng gan…

Khai thác tiền sử cho thấy, 1 tháng trước khi vào viện, bệnh nhân có uống thuốc đông y để nâng cao sức khỏe. Sau khi uống thuốc được 3 tuần, bệnh nhân bắt đầu có các triệu chứng như trên.

Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu kèm chăm sóc hỗ trợ. Sau 10 ngày điều trị, thương tổn da khô, bắt đầu tái tạo thượng bì, không có bọng nước mới.

Một trường hợp khác, bệnh nhân nữ, (55 tuổi) nhập viện Bệnh viện Da liễu trung ương vì các dát thâm hoại tử và vết trợt da. Trước ngày nhập viện, bệnh nhân xuất hiện dát đỏ thẫm, sưng nề vùng môi, sau đó các dát đỏ lan nhanh ra tay, chân, thân mình, hình thành thêm mụn nước, bọng nước, sốt cao. Khám lúc vào viện thấy dát đỏ thẫm, liên kết với nhau thành mảng, bọng nước, hoại tử da lan tỏa... Các xét nghiệm của bệnh nhân có hạ bạch cầu và tăng men gan.

Người bệnh cho biết, trước khi bị bệnh 2 tháng, bệnh nhân có uống thuốc nam điều trị đau khớp, sau đó có uống thuốc nam (dạng sắc), điều trị viêm dạ dày trong 3 tuần. Bệnh nhân được chẩn đoán hoại tử thượng bì nhiễm độc và điều trị tích cực tại khoa, dùng các thuốc đặc hiệu kèm chăm sóc hỗ trợ.

BSCKII Nguyễn Thị Thanh Thùy - Trưởng Khoa điều trị bệnh da phụ nữ và trẻ em, Bệnh viện Da liễu trung ương cho biết: Ở cả 2 trường hợp bệnh này, chúng tôi xác định nguyên nhân gây ra hoại tử thượng bì nhiễm độc là do thuốc nam gây dị ứng. Đây là những phản ứng nặng, thường do thuốc, có biểu hiện ở da, niêm mạc, tuy ít gặp nhưng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh.

Đáng báo động hơn khi ở nước ta, các bệnh nhân thường dùng thuốc không kê đơn, dùng nhiều loại thuốc và dùng các thuốc đông y, dân gian không rõ thành phần làm cho việc xác định thuốc gây dị ứng gặp khó khăn. Mặt khác, thời gian từ khi dùng thuốc tới khi khởi phát có thể kéo dài từ vài ngày tới 2 tháng. Nhiều bệnh nhân không nhớ rõ các thuốc họ đã dùng.

Một trường hợp khác, bệnh nhân 63 tuổi, ở Thanh Trì, TP Hà Nội có tiền sử đái tháo đường. Sau khi nghe quảng cáo từ người quen có thuốc chữa đái tháo đường rất tốt, đã có người nhà sử dụng. Đó là loại thuốc nam dạng viên, bán 20 gói với giá 10 triệu đồng. Sau khi mua và sử dụng thuốc được gần 20 ngày, bệnh nhân xuất hiện tình trạng: Đau bụng, nôn mửa, nên được người nhà đưa đến Bệnh viện Bạch Mai, sau đó nhập viện vào Trung tâm Chống độc.

TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng tỉnh, đau bụng, khó thở, nhiễm toan chuyển hóa nặng. Kết quả xét nghiệm viên thuốc y học cổ truyền bệnh nhân uống đã tìm thấy thành phần thuốc là phenformin. Đây là loại thuốc chữa đái tháo đường cũ, vì độc tính rất cao, gây tử vong cho nhiều người nên thế giới đã thu hồi và cấm sử dụng từ những năm 1970.

Tuy nhiên, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, nhiều người đã trộn loại chất bị cấm này vào trong các thuốc chữa đái tháo đường dởm, mạo danh các thuốc y học cổ truyền, thuốc nam, thực phẩm chức năng để bán ra thị trường gây ra ngộ độc.

Việc sử dụng thuốc nam điều trị bệnh phải theo đúng chỉ định của bác sĩ, không tự ý mua và sử dụng thuốc để tránh nguy cơ dị ứng với các thành phần của thuốc, đặc biệt cảnh giác với các loại thuốc không rõ thành phần, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có cơ sở khoa học. Ngay khi có hoặc nghi ngờ có bất kỳ dấu hiệu bất thường sau khi sử dụng thuốc, cần phải ngay lập tức đến khám chuyên khoa Da liễu hoặc các cơ sở y tế chuyên khoa gần nhất để theo dõi hoặc nhập viện điều trị.

Đức Trân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/canh-bao-ngo-doc-thuoc-dong-y-5717483.html