Cảnh báo ngộ độc thuốc ở trẻ nhỏ

Việc cho trẻ uống thuốc nếu không cẩn thận có thể gây tác hại xấu đến sức khỏe. Nghiêm trọng nhất là tình trạng ngộ độc thuốc ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và xử trí kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Để thuốc ngoài tầm với của trẻ, tốt nhất là nên cất giữ tất cả các loại thuốc trong tủ có khóa an toàn

Để thuốc ngoài tầm với của trẻ, tốt nhất là nên cất giữ tất cả các loại thuốc trong tủ có khóa an toàn

Trẻ ngộ độc thuốc: Lỗi của người lớn

Một số loại thuốc thường gây ngộ độc cho trẻ là thuốc kháng histamine (thuốc chống dị ứng), thuốc á phiện, thuốc ngủ, thuốc nhỏ mũi (Naptazoline), thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau nhức các loại…

Nguyên nhân là do người nhà tự ý mua thuốc về nhà điều trị cho trẻ mà chưa có chỉ định của bác sĩ, vì không rõ liều dùng an toàn nên phụ huynh cho trẻ uống quá liều có thể làm cho trẻ bị ngộ độc. Một số phụ huynh muốn trẻ mau chóng hết bệnh nên tự ý tăng liều thuốc cho trẻ cũng dễ dẫn đến ngộ độc, cũng không ít cha mẹ sử dụng toa thuốc cũ cho trẻ uống cũng gây hại cho trẻ.

Nhiều người thấy con biếng ăn thường xuyên, người gầy nên khi nghe mách bảo có những loại thuốc thần dược giúp trẻ ham ăn chóng lớn là tìm mua cho trẻ uống. Cũng đã có nhiều trường hợp ngộ độc thuốc xảy ra do cha mẹ cho trẻ uống những loại thuốc không rõ nguồn gốc, không rõ thành phần rất nguy hiểm cho sức khỏe của trẻ.

Thận trọng thuốc bôi ngoài da

Theo các bác sĩ, không nên xem thường việc dùng thuốc bôi ngoài da cho trẻ nhỏ vì nếu dùng không đúng dễ gây ngộ độc toàn thân, nguy hiểm cho trẻ... Đối với thuốc bôi ngoài da dạng kem thuốc (crème) hoặc thuốc mỡ (pommade) có chứa dược chất glucocorticoid (gọi tắt corticoid) như: cortibion, celestoderme, synalar, halog, hydrocortisone, flucinar... là những thuốc bôi ngoài da chứa dược chất chống viêm có thể chữa khỏi một số bệnh ngoài da khó trị. Tuy nhiên nếu dùng sai chỉ định, như dùng để chữa các vết lở loét, dùng trị mụn trứng cá có thể gây nhiều biến chứng như: teo da, rạn da, da dễ bị nhiễm trùng do mất sự đề kháng. Thậm chí nếu bôi lên da mặt lâu ngày sẽ thấy bị trứng cá đỏ, phát mụn khắp mặt. Không những thế, thuốc có thể thấm qua da vào máu gây tác dụng toàn thân. Đặc biệt nếu bôi ngoài da cho trẻ, thuốc chứa corticoid sẽ làm giảm sức đề kháng ở nơi bôi làm bùng phát hiện tượng nhiễm khuẩn.

Một loại thuốc bôi ngoài da khác cũng không được dùng cho trẻ sơ sinh là dung dịch chứa iod có tên povidon-iod (betadine) dùng ngoài da sát trùng. Dùng ở trẻ còn quá nhỏ mà lại dùng thường xuyên, iod sẽ thấm qua da vào máu gây rối loạn hoạt động tuyến giáp của trẻ.

Cha mẹ cũng tuyệt đối không được dùng dầu gió cho trẻ sơ sinh, nhất là không bôi lên mũi trẻ. Một nghiên cứu ở Mỹ đã báo cáo nhiều trường hợp trẻ bị ngộ độc do được bôi vùng da ở mũi dầu gió có chứa tinh dầu bạc hà (menthol), tinh dầu long não (camphor) và methyl salicylat bị kích ứng mạnh làm ngưng hô hấp...

Phòng ngừa tình trạng ngộ độc thuốc ở trẻ em

Để đảm bảo an toàn cho trẻ trước nguy cơ ngộ độc thuốc có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của trẻ, phụ huynh cần chú ý những nguyên tắc phòng ngừa sau đây:

- Không tự ý mua thuốc cho trẻ uống khi chưa được bác sĩ khám và kê đơn. Cần cho trẻ uống thuốc đúng và đủ liều theo hướng dẫn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý giảm hoặc tăng liều thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.

- Để thuốc ngoài tầm với của trẻ, tốt nhất là nên cất giữ tất cả các loại thuốc trong tủ có khóa an toàn. Không nên uống thuốc trước mặt trẻ, trẻ sẽ để ý và bắt chước lấy thuốc uống một cách vô tình.

- Không để thuốc trong các chai nước uống (các loại thuốc nước), hộp kẹo, hộp đựng thức ăn đề phòng trẻ nhầm tưởng là nước ngọt hoặc bánh/kẹo sẽ lấy uống. Không lấy các loại thuốc viên có màu xanh, màu đỏ cho trẻ chơi để dỗ trẻ ăn.

- Với các bà mẹ đang cho con bú, khi dùng thuốc phải có sự tư vấn kỹ lưỡng của bác sĩ điều trị, vì có một số loại thuốc có thể truyền qua sữa mẹ gây ngộ độc cho trẻ khi bú sữa mẹ. Không cho trẻ uống những loại thuốc không rõ loại, thuốc không rõ nguồn gốc xuất xứ, đặc biệt là các loại thuốc Đông y bán dạo.

Trúc Linh (Tổng hợp)

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/canh-bao-ngo-doc-thuoc-o-tre-nho/823724.antd