Cảnh báo người dân về rủi ro khi đầu tư bất động sản

Trong bối cảnh tín dụng bất động sản bị thắt chặt, vướng mắc về pháp lý, thiếu nguồn cung, giá cả tăng cao… các chuyên gia đã đưa ra những cảnh báo rủi ro khi 'đổ tiền' vào kênh đầu tư này.

Tại một tọa đàm về thị trường bất động sản mới đây, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cấp cao CBRE cho biết nguồn cung căn hộ vẫn thấp trong nửa đầu năm 2022. Đại diện CBRE ước tính thị trường Hà Nội có khoảng 8.000 căn, TPHCM có chừng 16.000 căn. Căn hộ cao cấp hoàn toàn áp đảo, sự xuất hiện của căn hộ bình dân ngày càng thưa thớt.

Tại Hà Nội, năm nay không còn căn hộ bình dân. Riêng ở TPHCM, căn hộ bình dân đã biến mất trong 3 năm trở lại đây và dự báo trong 3 năm tới cũng không xuất hiện trở lại.

Theo CBRE, giá bán các dự án mới ngày càng được đẩy lên cao hơn. Trong giai đoạn từ năm 2017 đến tháng 6/2022, giá bất động sản được chào bán mới ở Hà Nội tăng bình quân 14%/năm, còn tại TP.HCM là 21%/năm.

Trên thị trường thứ cấp, mức giá cũng tăng cao liên tục, tại Hà Nội mức tăng trung bình trong 5 năm qua là 17%/năm cho sản phẩm biệt thự và 9% cho sản phẩm liền kề. Tại một số dự án “hot”, mức tăng có thể gấp đôi. Tại TP.HCM, con số này là 19%.

Mặc dù các dự án mới hầu hết tập trung ở vùng ven nhưng giá bán lại liên tục bị đẩy lên cao và lập đỉnh mới. Giá căn hộ của các dự án mới ở TP.HCM hiện trung bình là 58tr/m2 trong khi Hà Nội thấp hơn, vào khoảng 43tr/m2 và đang tăng dần, tiệm cận giá tại TP.HCM.

“Các sản phẩm định vị cao cấp, giá quá cao, có thể “chưa tương xứng” với vị trí của dự án cũng là nguyên nhân khiến tỷ lệ hấp thụ sụt giảm”, bà Dung nhận định.

Với các thách thức đặt ra trên thị trường bất động sản, đại diện CBRE cho rằng vấn đề cần quan tâm là những thay đổi về quy định, thuế, đất đai; chi phí tăng cao, các vấn đề về giấy phép và rủi ro mất cân đối cung cầu.

Theo đó, bà Dung nhận định, trong đầu tư bất động sản, rủi ro nghiêng về người mua nhiều hơn chủ đầu tư. Khi gặp một số lý do mà các sản phẩm không tiếp tục xây dựng được, người mua không nhận được nhà, số vốn đã đầu tư cũng không rút ra được mà chủ đầu tư thì không chịu đền bù.

Tuy nhiên, cũng theo bà Dung , đầu tư bất động sản nhìn chung vẫn là kênh đầu tư an toàn và lợi nhuận cao so với các kênh khác. Về phía người mua nhà, cần quan tâm tới dự án có khả năng kết nối tốt tại các huyện ngoại thành hoặc các tỉnh lân cận TP.HCM và Hà Nội, các rủi ro về lãi suất và pháp lý.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thọ Tuyển – Chủ tịch BHS Group đã chỉ ra 4 thách thức đối với thị trường bất động sản trong giai đoạn hiện nay gồm: nguồn cung khan hiếm do yếu tố phá lý; nguồn cung thực rất cao nhưng sau 2 năm tăng nóng, giá bất động sản neo cao, người mua nhà khó có cơ hội; nhu cầu đầu tư bị bão hòa; loạn giá.

“Bức tranh bất động sản hiện tại như mớ tơ vò, không thể khẳng định là tốt hay xấu. Trong bối cảnh như vậy đòi hỏi những ai đang tham gia vào thị trường lúc này sẽ cần phải am hiểu hơn, mất nhiều thời gian nghiên cứu hơn để có những quyết định chính xác hơn”, ông Tuyển nói.

Minh Châu

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kinh-doanh/hoa-binh-canh-bao-rui-ro-khi-dau-tu-tai-bat-dong-san-nhat-nam-1747579.html