Cảnh báo nguy cơ châu Phi rơi vào chu kỳ tăng trưởng chậm

Châu Phi có nguy cơ rơi vào chu kỳ tăng trưởng chậm và lạm phát tăng cao do tác động kéo dài của đại dịch COVID-19 và giá nhiên liệu, lương thực tăng liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine. Trên đây là cảnh báo của Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB) đưa ra trong báo cáo 'Triển vọng kinh tế châu Phi 2022' công bố ngày 25/5.

Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn Kebribeyah, miền đông Ethiopia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Phụ nữ và trẻ em tại trại tị nạn Kebribeyah, miền đông Ethiopia. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Theo báo cáo, đại dịch COVID-19 đang tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế châu Phi mặc dù châu lục này ghi nhận tỷ lệ tử vong ở mức khá thấp so với các khu vực phát triển hơn. Năm 2021, châu Phi chứng kiến kinh tế phục hồi, với tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) dự kiến ở mức 6,9% sau mức giảm 1,6% trong năm 2020 do tác động của dịch COVID-19. AfDB dự báo tăng trưởng GDP thực của châu Phi sẽ giảm xuống 4,1% trong năm nay.

Báo cáo của AfDB nêu rõ: "Tốc độ tăng trưởng giảm cho thấy tác động nghiêm trọng của cuộc xung đột Ukraine đối với nền kinh tế châu Phi. Nếu xung đột vẫn tiếp diễn, tăng trưởng của khu vực này có thể đình trệ ở mức khoảng 4% trong năm 2023." Trong khi đó, AfDB dự báo tỷ lệ lạm phát sẽ tăng lên tới 13,5% trong năm nay so với mức 13% năm 2021 do giá năng lượng và lương thực tăng vọt liên quan tới cuộc xung đột ở Ukraine.

Theo dự báo của AfDB, trong năm 2021, đại dịch COVID-19 đã đẩy khoảng 30 triệu người châu Phi vào cảnh đói nghèo cùng cực và khiến 22 triệu người mất việc làm. Những nhóm dân cư dễ bị tổn thương, nhất là ở vùng đô thị, chịu tác động mạnh của giá cả gia tăng. Cuộc xung đột ở Ukraine cũng làm đình trệ hoạt động kinh tế của châu lục, có thể đẩy gần 4 triệu người vào cảnh đói nghèo cùng cực trong năm nay và năm tới. Báo cáo nêu rõ: "Do thiếu các biện pháp nhằm giảm bớt tác động, việc này có thể gây ra căng thẳng xã hội trên toàn châu lục".

AfDB dự báo tỷ lệ nợ tính trên GDP của châu lục này là vào khoảng 70%, giảm nhẹ so với 71,4% năm 2020 do sự phục hồi tăng trưởng vào năm ngoái và các biện pháp miễn trừ nợ. Tuy nhiên, tỉ lệ này vẫn cao hơn so với mức trước đại dịch.

Minh Châu (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/canh-bao-nguy-co-chau-phi-roi-vao-chu-ky-tang-truong-cham-20220526113225193.htm