Cảnh báo nguy hiểm từ bụi mịn

Nồng độ bụi trong môi trường không khí của Thủ đô trong thời gian gần đây đang có những biến động đáng kể, đặc biệt là sự gia tăng nồng độ bụi mịn PM2.5. Điều này đã ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và cuộc sống của người dân nhưng đến nay vẫn chưa có biện pháp nào hiệu quả để giảm thiểu tình trạng này.

Theo kết quả quan trắc từ các Trạm quan trắc không khí tự động đặt tại đường Nguyễn Văn Cừ do Tổng cục Môi trường quản lý và 10 trạm quan trắc không khí tự động do Sở TN&MT Hà Nội quản lý, tham chiếu số liệu của Trạm quan trắc không khí tự động tại Đại sứ quán Mỹ trong Quý I năm 2019, nồng độ bụi PM2.5 trung bình 24 giờ của một số ngày đã vượt giới hạn cho phép.

Thực tế, người dân khi tham gia giao thông cũng luôn cảm thấy ngột ngạt, bí bách.

Anh Nguyễn Như Chung Đức – Quận Đống Đa, Hà Nội: “Hàng ngày lưu thông trên đường chất lượng không khí rất tệ, bụi nhiều mặc dù đeo khẩu trang nhưng không hiệu quả tôi lo cho sức khỏe của mình.”

Chị Dương Thu Hà – Phố Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội.

“Rất chi là bụi đường xá lúc nào cũng bẩn khói bụi bẩn luôn thậm chí trong nhà lúc nào cũng đeo khẩu trang, hàng ngày lau chùi vài chục lần không hết, cực kì bẩn…”

Bụi mịn, hay bụi PM2.5 là những hạt bụi li ti trong không khí có kích thước 2,5 micron trở xuống (nhỏ hơn khoảng 30 lần so với sợi tóc người). Loại bụi này hình thành từ các chất như Cacbon, Sunphua, Nitơ và các hợp chất kim loại khác, lơ lửng trong không khí.

Sự gia tăng nồng độ bụi mịn PM 2,5 là hiện tượng thường gặp, mang tính quy luật vào thời gian mùa đông và đầu xuân.

Khi nồng độ bụi trong không khí càng lớn, đường kính hạt bụi càng nhỏ và càng có nguy cơ gây nguy hiểm đối với sức khỏe con người. Điều đáng nói là những loại khẩu trang bình thường không thể cản được loại bụi này đi vào cơ thể.

Bác sĩ Vũ Văn Thành – Bệnh viện Phổi Trung Ương: “Nếu môi trường o nhiễm quá khác năng bảo vê không đủ, như vậy gây nên bệnh lí về phổi như viêm phổi, mãn tính lâu dài…”

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, hiện nguồn gây ra bụi mịn là từ hoạt động xây dựng, khí của các sản phẩm sau đốt cháy, khí thải từ phương tiện giao thông, hoạt động sản xuất công nghiệp… Vì vậy, để giảm thiểu tác hại của bụi mịn cũng như ô nhiễm không khí thì cần nhiều giải pháp.

Bà Vũ Thị Kim Tuyến – Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam: “Các nhà nghiên cứu giảm thải khí thải xăng dầu và bụi xăng dầu thì cần đưa ra thiết bị lọc bụi thì hy vọng giảm khí thải do xăng dầu, bụi silicat thì chỉ có thể mặt đường phải sạch, được làm ẩm, có vận tải quy định về rơi vật liệu… trước hết đường sạch tạo độ ẩm tốt hơn, đấy là biện pháp thiết thực và dễ nhất với điều kiện thực tế ở Việt Nam.”

TS Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam: “Cùng với bộ ngành giảm thiểu kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm từ nhà máy thép nhà máy xi măng, nhiệt điệt… Đồng bộ nhiều đừng hy vọng làm hôm nay mai tốt mà phải làm dần dần và không chỉ các cấp chính quyên từng người dân từng bộ phận phải tham gia.”

Theo dự báo diễn biến xu hướng thời tiết, trong thời gian tới, tại Hà Nội tình trạng ô nhiễm bụi PM2.5 tiếp tục diễn ra như những ngày vừa qua và sẽ giảm dần khi thời tiết chuyển dần sang mùa hè. Vì vậy, người dân cần thường xuyên theo dõi chỉ số chất lượng không khí qua các trang web hay ứng dụng như: moitruongthudo, Air Quality, Pam Air, để nắm được thông tin và có biện pháp bảo vệ tốt nhất./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/canh-bao-nguy-hiem-tu-bui-min