Cảnh báo 'nhóm lợi ích' từ dự án Luật Đặc khu

Câu chuyện cho thuê đất 99 năm và yếu tố Trung quốc trên mạng xã hội là sự thể hiện người dân lo lắng về chủ quyền,an ninh đất nước.

(Nguồn clip: VTC)

Với diễn biến qua hơn một tuần bùng phát thông tin dày đặc trên mạng xã hội về câu chuyện dự án luật đặc khu, chúng ta nhận thấy có sự xung đột về mặt nhận thức giữa một bên là những người có trách nhiệm được giao đồng tác giả của dự luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt, còn một bên là cộng đồng xã hội, những người có những góc nhìn khác.

Một bên cho rằng tương lai tươi sáng của đặc khu tạo được đột phá, cú huých mới cho đất nước với nhiều dòng tiền của nước ngoài sẽ chảy về đây do những chính sách,cơ chế, thể chế ưu đãi vượt trội. Còn một bên lo lắng, bức xúc vì tương lai, viễn cảnh được phác họa nhằm đẻ ra một dự luật tiềm ẩn nhiều bất ổn.

Có thể nhận thấy, loại trừ những thông tin gây sự hiểu lầm và những nội dung bị xuyên tạc, cường điệu làm phức tạp thêm diễn biến của cuộc khủng hoảng truyền thông hiếm có này, thì việc trình và lý giải luật đặc khu trước Quốc hội cho thấy cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm định dự luật và nhiều đại biểu Quốc hội đã tiếp cận dự thảo luật từ trước không thấy hết, hoặc chưa nhận thức đầy đủ về thực trạng tình hình chính trị, kinh tế, an ninh của đất nước hiện nay .

Đặc biệt là không nhận diện sâu về hiểm họa ngoại xâm và sức công phá của "giăc nội xâm" hoặc vì lý do khác mà những người có trách nhiệm đã "lướt" qua sự phản biện đầy tâm huyết trên báo chí và mạng xã hội về những vấn đề hệ trọng.

Thành công của Đặc khu?

Cần nhận thức rằng, thành công trong triển khai xây dựng đặc khu là thành công toàn diện cả về chính trị, quốc phòng, an ninh, văn hóa, xã hội, đối ngoại, chứ không chỉ là vấn đề kinh tế.

Cơ quan soạn thảo luật và cơ quan thẩm định có thể đã dày công đánh giá sự tác động sau khi dự án luật có hiệu lực. Tuy nhiên với lịch sử quá trình đổi mới trong hơn 30 năm qua, trong đó có việc xây dựng các khu kinh tế được triển khai trên nhiều tỉnh, thành phố, cùng với những tham khảo tử mô hình đặc khu kinh tế của nhiều nước thì xây dựng 3 đặc khu kinh tế Vân đồn, Vân phong và Phú quốc có thành công hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Dù có đưa ra nhiều luận chứng để cho ra đời luật đặc khu, nhưng niềm tin về sự thành công của xây dựng đặc khu chưa thể có như là một niềm tin chân lý.

Ảnh minh họa (Zing.vn).

Ảnh minh họa (Zing.vn).

Nếu chỉ nghiên cứu mô hình, kinh nghiệm về sự thành công của khu kinh tế Thẩm Quyến, Trung Quốc để rồi cho rằng Việt Nam sẽ thành công trong xây dựng 3 đặc khu nói trên là một sai lầm. Được biết Trung Quốc có khoảng 4000 đặc khu kinh tế trên toàn thế giới, nhưng số lượng thành công lại chiếm tỷ lệ rất thấp.

Trong đó có nhiều nơi thất bại nghiêm trọng và để lại hậu quả không nặng nề. Hơn nữa điều kiện và nguyên nhân, kinh nghiệm thành công ở Thẩm Quyến có nhiều vấn đề không giống Việt Nam chúng ta, như vị trí địa lý, thời điểm và môi trường mở cửa thu hút đầu tư...

Câu chuyện cho thuê đất 99 năm và yếu tố Trung quốc trên mạng xã hội là sự thể hiện người dân lo lắng về chủ quyền,an ninh đất nước. Cho thuê đất 99 năm hay 70 năm, 50 năm là vấn đề quan trọng và nhạy cảm nhưng không phải là nội dung mấu chốt trong Luật Đặc khu.

Tuy "bão tố" truyền thông trong tuần qua cuốn theo thời hạn thuê đất. Nhưng sự lý giải về sự thành công của xây dựng đặc khu Quốc hội phải đặt lên hàng đầu. Cần phải dừng lại sự tranh cãi về chuyện thời hạn thuê đất, vì càng tranh cãi càng gây bất bình cho dân chúng và gây bất lợi trong xây dựng môi trường hòa bình,ổn định trong khu vực.

Thiết nghĩ, là người Việt Nam yêu nước,đặc biệt là các vị gánh vác trọng trách, được nhân dân giao cho sứ mệnh cai quản sơn hà, xã tắc, ai cũng muốn cho đất nước mình phồn thịnh, văn minh, nhân dân được sống một cuộc sống hạnh phúc, yên vui. Suy nghĩ về xây dựng đặc khu âu cũng là khát vọng và trách nhiệm của người lãnh đạo vì dân, vì tương lai đất nước.

Nhưng nếu xây dựng đặc khu không thành công thì từ khát vọng, ý chí, sáng tạo của người lãnh đạo hôm nay có khi ngày mai lại là một sai lầm nghiêm trọng để người đời phỉ báng. Không những thế mà con cháu mai sau phải chịu những hệ lụy vô cùng khó khăn phức tạp do thất bại của ông cha trong xây dựng đặc khu để lại.

Bộ máy chưa trong sạch chưa thể xây đặc khu?

Điều không được lý giải thỏa đáng ở đây là tại sao Chính phủ quyết tâm xây dựng đặc khu. Trong khi Chính thể của ta đang bị suy yếu so với trước (không còn được lòng dân như trước) thể chế còn nhiều bất cập, việc kiểm soát quyền lực đã được chuyển động, nhưng vẫn là văn bản Nghị quyết, chuyển tải thực thi trên thực tế chưa được là bao, tham nhũng tuy có giảm nhưng vẫn còn rất nhức nhối.

Suy thoái, tha hóa đạo đức và quyền lực trong bộ máy còn ở cấp độ cao. Ngân khố Quốc gia cạn kiệt, tài nguyên đất nước, tài sản công bị thất thoát quá lớn. Trình độ quản lý nhà nước, quản trị đặc khu chưa được kiểm nghiệm thực tiễn...

Trong lúc việc xây dựng đặc khu lại nằm trong toan tính của những người nhiều tiền, có dấu hiệu lợi ích nhóm, có cả yếu tố nước ngoài. Vậy tại sao không tập trung cải cách thể chế, chống lợi ích nhóm, chống thất thoát lãng phí trước đã mà lại triển khai đặc khu trong lúc này.

Có đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng nói nay ta triển khai đặc khu là chậm. Đúng là chậm, nhưng không có nghĩa là phải làm vì chậm trễ. Nếu ta làm đặc khu khi “giặc nội xâm“ mới chỉ là mầm mống, cách đây hơn vài thập kỷ, tôi nghĩ thuận lợi hơn bây giờ rất nhiều,thành công là điều có thể.

Nhưng bây giờ trên đất nước ta,” giặc nội xâm” tuy đã bị đánh những đòn chí mạng, nhưng vẫn hiện hữu, càn quấy khắp nơi. Khi thể chế chưa được cải cách, luật pháp còn sơ hở, cơ chế xin cho còn tồn tại, nhóm lợi ích còn có môi trương dung dưỡng, đang tranh tối tranh sáng tung hoành ngang dọc tìm kiếm siêu lợi nhuận từ sự suy thoái của các cơ quan công quyền và sơ hở của pháp luật thì việc thành công trong triển khai xây dựng đặc khu là điều không tưởng.

Cần phải khẳng định rằng, có nhiều yếu tố làm nên sự thành công của đặc khu, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là nguồn lực con người. Vậy nên, khi mà một bộ phận không nhỏ cán bộ đảng viên còn suy thoái, ”tự diễn biến, tự chuyển hóa” hãy gác lại câu chuyện xây dựng đặc khu.

"Hiểm họa ngoại xâm" và lối thoát của "giặc nội xâm"

Trung quốc là một nước có nhiều xung đột về chủ quyền lãnh thổ với các nước láng giềng, là nước đã bộc lộ rất rõ tham vọng độc chiểm biển Đông.

Nước ta là một nước có lịch sử hàng nghìn năm quan hệ thăng trầm với Trung quốc. Đảng và nhà nước ta rất hiểu Trung quốc. Tuy có nhiều đau thương, tàn khốc làm tổn hại tình cảm của nhân dân hai nước Việt - Trung, nhưng chúng ta không còn sự lựa chọn khác mà phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa đối tác và đối tượng.

Chúng ta tôn trọng sự thật nhưng không khoét sâu những xung đột, hận thù trong lịch sử. Chúng ta nổ lực để phát huy những tình cảm hữu nghị lâu đời của nhân dân hại nước. Cho dù từ lý do nào thì sự nóng giận trong quan hệ với láng giềng đều là bất lợi, kể cả đối với nước nhỏ hơn.

Tuy nhiên, một vấn đề dặt ra có tính nguyên tắc đó là không được nhân nhượng,mất cảnh giác về lãnh thổ và chủ quyền,an ninh quốc gia trong bật kỳ hoàn cảnh nào. Ai vi phạm nguyên tắc này sẽ là tội đồ của dân tộc, tội lỗi với tổ tông.

Một câu hỏi được đặt ra ở đây là việc triển khai xây dựng 3 đặc khu liệu có tạo thêm thuận lợi cho Trung Quốc thực hiện tham vọng độc chiếm biển Đông?

Trả lời câu hỏi này dành cho các nhà quân sự, an ninh và ngoại giao. Ở đây xin nêu lại một thông tin mới, kết hợp với nhiều thông tin về sự hiện diện của Trung quốc trên biển đông để chúng ta suy ngẫm: Ngày 22/5, phát biểu tại phiên họp tổ của Quốc hội, thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cho biết tình hình an ninh trên biển trong những tháng đầu năm 2018 diễn biến tương đối phức tạp. “Đặc biệt dưới sự hỗ trợ của lực lượng chuyên trách, ngư dân Trung Quốc đánh bắt sâu trong vùng biển của Việt Nam, cách đảo Lý Sơn chỉ 40-50 hải lý"

Thiết nghĩ, trong khi chưa có bộ COC để vấn đề trên biển đông có sự ràng buộc pháp lý,cam kết quốc tế thì triển khai xây dựng đặc khu là mất cảnh giác. Câu chuyện “ngoài sân,ngoài vườn“ đang nóng, chưa có điều kiện để giải quyết thỏa đáng nay lại cho đối phương đặt chân lên “hiên” lên “nhà“ tạo thế chân kiềng dễ bề thực hiện ý đồ di dân, tìm kiếm lợi ích, kiểm soát và quân sự hóa biển đồng.

Vấn đề ngoại xâm nói trên là những cảnh báo, dự báo còn “giặc nội xâm“ đang là mối nguy hiểm khôn lường. Tính nguy hiểm của giặc nội xâm các tầng lớp nhân dân đều biết rõ. Riêng việc việc ra đời của luật đặc khu, nhiều ý kiên cho rằng dự luật này đang tiếp sức cho nhóm lợi ich, đang như là hòn đá tảng thách thức cuộc đấu tranh chống tham nhũng của toàn dân.

Có ý kiến cho rằng thông qua xây dựng đặc khu các doanh nghiệp thân hữu quan chức có quyền lực và những doanh nghiệp có vốn nước ngoài làm ăn ở đặc khu sẽ được hưởng các ưu đãi vượt trội. Theo đó người nhà, người thân của các quan chức có quyền lực sẽ trở thành đối tác của các nhà đầu tư chiến lược, làm ăn tư do ở đặc khu mà không bị các rào cản như ở đơn vị hành chính khác. Ưu đãi vượt trội không chỉ cho nhà đầu tư chiến lược mà còn chia sẻ cho những tổ chức, cá nhân thân hữu trong nước.

Có người ví đặc khu như là “sân chơi” của nhóm lợi ích. Không những thế, kẻ tham nhũng có tài sản lớn lợi dụng cơ chế đặc khu để chuyển hóa tài sản tham nhũng hợp pháp. Tuy là nhận định này chưa đủ sức thuyết phục, nhưng vấn đề sốt đất, thống kê các chủ đất hiện nay cùng các động thái mua bán, chuyển nhượng đất thời gian gân đây ở Vân đồn, Vân phong, Phú quốc thì nhận định trên không phải là sự võ đoán thiếu cơ sở mà là một dấu hiệu thực tế.

(Nguồn clip: VTC)

Ở đây cũng không loại trừ có những cơn sóng ngầm từ các tập đoàn, đại gia bất động sản đã tác động tới nghị trường Quốc hội. Còn người dân ở các đặc khu đang mong Quốc hội bấm nút thông qua vì họ sẽ đổi đời, sẽ trở nên giàu do giá chuyển nhượng đất tăng và tổ chức kinh doanh dịch vụ có nhiều thuận lợi khi luật Đặc khu ra đời.

Chính vì sự nhìn nhận nêu trên mà trong tuần qua đã có nhiều bài viết phản biện sâu về luật đặc khu. Nhiều bài viết phản ánh ý chí, nghị lực, trí tuệ, bản lĩnh của nhân dân trước những mối hiểm nguy khôn lường đe dọa chủ quyền và an ninh đất nước.

Thông điệp của bài viết này muốn gửi đến Quốc hội là: Hãy gác lại chuyện đặc khu khi chưa làm trong sạch được bộ máy nhà nước và chưa có COC về biển đông.

Nguyễn Hòa Văn

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/chinh-tri-xa-hoi/canh-bao-nhom-loi-ich-tu-du-an-luat-dac-khu-d99228.html