Cảnh báo những dấu hiệu của ung thư tuyến tụy

Theo các bác sĩ, ung thư tụy là một căn bệnh ác tính có tỷ lệ tử vong cao, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Ung thư tụy thường được phát hiện muộn do tụy nằm sâu trong ổ bụng, các triệu chứng lâm sàng ở giai đoạn sớm khá nghèo nàn làm người bệnh dễ nhầm với các bệnh khác.

Theo các bác sĩ, ung thư tụy là một căn bệnh ác tính có tỷ lệ tử vong cao, nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.

Khi bệnh lan tràn, triệu chứng lâm sàng đa dạng hơn, thay đổi tùy theo vị trí khối u và mức độ lan rộng. Lúc này bệnh đã ở giai đoạn muộn và đáp ứng kém với các phương pháp điều trị.

Theo bác sĩ của Khoa Gan- Mật - Tụy, Viện điều trị các bệnh tiêu hóa, Bệnh viện Trung ương quân đội 108, ung thư tụy thường gặp ở những người có yếu tố nguy cơ như nam giới tuổi trên 40; người mắc viêm tụy mạn tính, người út thuốc lá; béo phì; đái tháo đường

Bên cạnh đó, người mắc ung thư tuyến tụy thường có những bất thường về gen di truyền (Những người bị viêm tụy di truyền; ≥ 2 thành viên trong gia đình bậc 1 bị ung thư tuyến tụy, hội chứng Peutz-Jeghers, hội chứng Lynch đột biến HNPCC hoặc đột biến BRCA2).

Ngoài ra, một số dấu hiệu lâm sàng có thể gặp như đau bụng âm ỉ hoặc từng cơn vùng thượng vị hoặc hạ sườn trái, cơn đau có thể lan ra sau lưng. Triệu chứng kéo dài và dễ nhầm với viêm dạ dày.

Người bệnh còn bị vàng da, vàng mắt, nước tiểu vàng sẫm, ngứa lòng bàn tay bàn chân do tình trạng tắc mật khi u gây tắc ống mật chính, thường gặp với khối u vùng đầu tụy. Suy nhược cơ thể, tiêu hóa kém do ung thư tụy có thể gây trở ngại cho việc sản sinh enzym tiêu hóa .

Các dấu hiệu khác như tiêu chảy, chướng bụng, đầy hơi, đi ngoài ra phân lỏng lẫn nhày/ mùi hôi bất thường; sụt cân, thiếu hụt vitamin do kém hấp thu dinh dưỡng; mệt mỏi, trầm cảm; xuất huyết tiêu hóa do u tụy xâm lấn chèn ép mạch máu gây giãn tĩnh mạch dạ dày, giãn tĩnh mạch thực quản; kiểm soát đường máu không tốt trong thời gian dài

Ung thư tụy được chia thành các giai đoạn từ I ( giai đoạn đầu) đến IV (giai đoạn muộn). Để chẩn đoán ung thư tụy cần dựa vào triệu chứng lâm sàng kể trên kết hợp với chẩn đoán hình ảnh và mô bệnh học.

Dựa trên tình trạng sức khỏe, độ tuổi và giai đoạn bệnh cụ thể của mỗi bệnh nhân, bác sĩ sẽ đưa ra phương pháp điều trị phù hợp.

Người bệnh có thể được chỉ định như phẫu thuật: Tiến hành cắt bỏ phần ung thư xâm lấn. Tùy thuộc vào vị trí của khối u, phẫu thuật được chọn để cắt bỏ ung thư thường là thủ thuật Whipple (cắt khối tá tụy)

Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc hóa chất điều trị ung thư nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại. Xạ trị: Là biện pháp sử dụng tia X và các tia năng lượng cao khác để tiêu diệt tế bào ung thư.

Liệu pháp xâm lấn: Đây là phương pháp được sử dụng để điều trị ung thư thần kinh nội tiết tuyến tụy đã di căn đến gan hoặc các cơ quan khác.

Phương pháp khác như thuyên tắc khối u, phẫu thuật lạnh, liệu pháp nội tiết, phương pháp nhắm mục tiêu, liệu pháp miễn dịch, liệu pháp dinh dưỡng, cắt bỏ tần số vô tuyến điện,…

Các điều trị bổ sung khác: Thuốc giảm đau, thường là nhóm opioid; Thủ thuật duy trì lưu thông đường mật (ERCP đặt stent đường mật); Bổ sung enzym tụy ngoại tiết và kiểm soát đường huyết

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, ung thư tụy đặc biệt nguy hiểm. Do đó, người bệnh cần thường xuyên thăm khám sức khỏe định kì hoặc đi khám ngay nếu có dấu hiệu bất thường để phát hiện và điều trị bệnh kịp thời.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/canh-bao-nhung-dau-hieu-cua-ung-thu-tuyen-tuy-d207734.html