Cảnh báo những trường hợp không nên ăn rươi

Rươi là một trong những đặc sản ở miền Bắc và xuất hiện chỉ trong thời gian ngắn. Loài hải trùng này rất giàu đạm và bổ dưỡng. Tuy nhiên, với một số trường hợp dưới đây thì không nên ăn rươi.

Rươi thuộc bộ giun đốt, sống ở khu vực tiếp giáp giữa vùng nước ngọt và nước lợ. Mỗi năm, rươi thường xuất hiện tập trung vào ngày 20 tháng chín và mùng 5 tháng mười âm lịch.

Thịt rươi thơm ngon, bổ dưỡng và có nhiều chất đạm hơn cả cua, tôm, ghẹ. Tuy nhiên, với một số trường hợp, không nên ăn rươi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe.

Một số trường hợp, không nên ăn rươi để đảm bảo an toàn cho sức khỏe - Ảnh minh họa: Internet

Những người có bệnh hen không nên ăn rươi

Rươi là loài hải trùng rất giàu đạm. Tuy nhiên, rươi có chất gây nên cơn hen; đồng thời phần đạm trong thịt rươi khác với đạm trong heo, bò, gà và rất dễ gây dị ứng.

Khi ăn rươi, lượng đạm này ngấm vào ruột, máu và gây ra những phản ứng xấu đối với cơ thể. Do đó, người bệnh hen không nên ăn rươi để đảm bảo sức khỏe ổn định.

Những người có tiền sử dị ứng với một số thức ăn giàu đạm cũng nên tránh ăn rươi. Đồng thời, nếu bạn đã từng bị dị ứng khi ăn rươi thì không nên thử lại lần thứ 2. Vì cơ thể phản ứng mạnh với dị nguyên gây ngộ độc sẽ làm lần ngộ độc sau nặng và nguy hiểm hơn.

Người bệnh hen không nên ăn rươi để đảm bảo sức khỏe ổn định - Ảnh minh họa: Internet

Bà bầu không nên ăn rươi

Rươi sống ở đáy nước nên thường bị nhiễm độc từ chính môi trường chúng sinh sống. Đặc biệt, những nơi môi trường nước bị ô nhiễm thì khả năng rươi bị nhiễm độc càng cao.

Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu của cả nước, rươi tươi thường được cấp đông để vận chuyển đến các vùng miền. Việc cấp đông không đảm bảo vệ sinh và lưu trữ trong tủ lạnh quá lâu cũng khiến rươi dễ bị nhiễm độc tố của vi khuẩn gây ra tiêu chảy.

Do đó, phụ nữ có thai phải cẩn thận khi ăn rươi. Do dễ bị nhiễm độc và giàu đạm nên rươi có thể gây nên nhiều vấn đề về tiêu hóa như: chướng bụng, đầy hơi, tiêu chảy cấp,... và ảnh hưởng không tốt đến thai nhi.

Bà bầu không nên ăn rươi - Ảnh minh họa: Internet

Trẻ nhỏ không nên ăn rươi

Rươi dễ bị nhiễm độc từ môi trường chúng sinh sống. Đồng thời, cũng như các loài nhuyễn thể khác, rươi thường chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh như: Salmonella, E.coli. Những loại vi khuẩn này là tác nhân gây ra chướng bụng, ngộ độc, tiêu chảy cấp.

Hệ tiêu hóa của trẻ em rất non nớt nên rất dễ bị bệnh về đường ruột. Nếu muốn ăn rươi, trẻ nhỏ phải ăn từng chút một để thử phản ứng của cơ thể. Nếu cơ thể không có phản ứng dị ứng hay ngộ độc, trẻ nhỏ cũng không nên ăn quá nhiều rươi để đảm bảo sức khỏe tốt.

Do có hệ tiêu hóa yếu, trẻ em không nên ăn rươi - Ảnh minh họa: Internet

Người có hệ tiêu hóa yếu tuyệt đối không ăn rươi

Không chỉ dễ bị nhiễm độc từ môi trường sống, rươi còn chứa nhiều vi khuẩn gây bệnh. Đặc biệt, những con rươi chết thường sinh ra nhiều độc tố nên rất có hại cho sức khỏe, thậm chí gây ngộ độc ảnh hưởng đến tính mạng.

Người có hệ tiêu hóa yếu, mới bệnh dậy, sức đề kháng yếu thì ăn rươi sẽ dễ bị ngộ độc, nguy kịch đến tính mạng. Do đó, những người này tuyệt đối không được ăn rươi.

Người có hệ tiêu hóa yếu, mới bệnh dậy, sức đề kháng yếu thì ăn rươi sẽ dễ bị ngộ độc - Ảnh minh họa: Internet

Trăm Nguyễn (T.H)

Nguồn PNSK: http://phunusuckhoe.vn/canh-bao-nhung-truong-hop-khong-nen-an-ruoi-c26a302221.html