Cảnh báo nuốt dị vật khi ăn uống

Do ăn, uống vội vàng, không tập trung, hoặc bất cẩn nên nhiều bệnh nhân nuốt phải các dị vật làm ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa của cơ thể. Tình trạng này có thể xảy ra ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên, thường gặp ở người già, trẻ nhỏ.

Bác sĩ Khoa Nội soi (Bệnh viện Bà Rịa) nội soi cho một trường hợp nuốt dị vật vào đường tiêu hóa.

Bác sĩ Khoa Nội soi (Bệnh viện Bà Rịa) nội soi cho một trường hợp nuốt dị vật vào đường tiêu hóa.

Không hiếm người nuốt dị vật

Tối 24/3, trong khi ăn quả thanh trà, ông Đ.V.C., (60 tuổi, ở xã Suối Nghệ, huyện Châu Đức) không may nuốt cả hạt. Sáng ngày hôm sau, ông thấy buồn nôn, bụng đau quặn từng cơn nhưng người bệnh vẫn chưa đến bệnh viện thăm khám. Đến chiều cùng ngày, khi triệu chứng kể trên trở nên nặng hơn thì người nhà mới đưa ông C. nhập viện tại Bệnh viện Bà Rịa.

Bệnh nhân được chụp CT vùng bụng và cho kết quả có cản quang khối tròn tại vị trí van hồi - manh tràng, các quai ruột giãn ứ dịch và hơi. Người bệnh được bác sĩ của Khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện Bà Rịa) chẩn đoán tắc ruột non đoạn hồi - manh tràng do dị vật. Sau đó người bệnh được phẫu thuật lấy hạt thanh trà. Ông C. nói: “Hạt thanh trà hình tròn và trơn. Khi ăn tôi đã sơ ý nên nuốt cả hạt. Đây cũng bài học cho tôi và người khác, nên cẩn thận và tập trung lúc ăn, uống”.

Trường hợp này không phải hi hữu, cùng ngày 24/3, Khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện Bà Rịa) cũng đã phẫu thuật thành công cho bệnh nhân L.V.A., (83 tuổi, ở xã Xuyên Mộc, huyện Xuyên Mộc) cũng nuốt hạt thanh trà dẫn đến hoại tử ruột non. Bệnh nhân này vào viện trong tình trạng đau bụng dữ dội, gồng cứng bụng. Qua chụp CT, bác sĩ chẩn đoán ông A. hoại tử ruột non do tắc viêm dị vật. Các bác sĩ đã cắt phần ruột non bị hoại tử, lấy ra di vật là hạt thanh trà và lập lại lưu thông ruột non cho người bệnh. Bác sĩ Trần Anh Đức, Phụ trách Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Bà Rịa) cho rằng, bệnh nhân A. lớn tuổi, sức khỏe yếu nên khi nuốt dị vật có nguy cơ cao gây ra các biến chứng, trong đó có hoại tử ruột.

Không chỉ nuốt hạt trái cây, thời gian qua, Khoa Nội soi (Bệnh viện Bà Rịa) đã tiếp nhận nhiều ca bệnh như: Nuốt xương cá, tăm tre, răng giả, viên thuốc còn vỉ….gây tổn thương cho đường tiêu hóa. Chỉ riêng từ tháng 10/2022 - tháng 3/2023, Khoa Nội noi đã gắp dị vật thực quản và dạ dày cho 40 trường hợp, trong đó có nhiều người uống thuốc nuốt luôn cả vỏ.

Đơn cử như ngày 11/3, em T.Đ.B. (13 tuổi, ở xã Hắc Dịch, TX.Phú Mỹ) vào cấp cứu ở Bệnh viện Bà Rịa khi nuốt khó, đau vùng cổ và họng. Qua nội soi, bác sĩ phát hiện có 1 viên thuốc còn vỏ bọc, với 4 cạnh nhọn bị mắc tại thực quản nên đã gây xước niêm mạc thực quản. Bác sĩ đã sử dụng các dụng cụ y tế để gắp viên thuốc. Rất may người bệnh đến bệnh viện kịp thời nên không gây ra các tổn thương nặng như lở loét hay thủng thực quản.

Không tự ý gắp dị vật

Theo bác sĩ, nguy cơ mắc dị vật có thể xảy ra ở bất kỳ đối tượng nào, không phân biệt tuổi tác và giới tính. Trong đó, những người có bệnh lý tâm thần, người già, trẻ nhỏ… là những đối tượng hay bị nuốt dị vật vào hệ tiêu hóa. Khi nuốt dị vật nếu không được gắp hoặc phẫu thuật kịp thời sẽ gây nhiều tổn thương cho hệ tiêu hóa, thậm chí gây ra các biến chứng nguy hại cho sức khỏe.

Bác sĩ Dương Tấn Quân, Trưởng Khoa Nội soi (Bệnh viện Bà Rịa) bày tỏ lo ngại về tình trạng người bệnh nuốt thuốc còn vỉ bọc. Bởi đây là dị vật có các góc cạnh sắc nhọn dễ gây tổn thương cho ống tiêu hóa như thủng hoặc chảy máu. Chỉ tính từ đầu năm 2023 đến nay, Khoa Nội soi của Bệnh viện Bà Rịa đã tiếp nhận 8 trường hợp nuốn viên thuốc còn nguyên vỉ bọc. Theo tìm hiểu, những bệnh nhân này thường mua thuốc tại các quầy thuốc tây, phân thành liều, bỏ vào các túi ni lông nhỏ, một số viên thuốc không bóc vỉ được cắt rời tạo thành 3-4 góc sắc nhọn. Khi uống thuốc, người bệnh vội vàng hoặc bất cẩn nên nuốt phải các thuốc còn nguyên vỉ.

Theo bác sĩ Quân, khi nuốt dị vật nếu bệnh nhân nhập viện muộn, có thể có thêm các triệu chứng như: ốt, ho, đau ở vị trí vùng cổ, hai bên xương ức hay chướng hơi, đau nhiều vùng bụng cũng có thể gây ra biến chứng thủng hay áp xe. “Khi không may bị nuốt phải dị vật vào thực quản, dạ dày, người bệnh nên đến bệnh viện ngay để được bác sĩ chẩn đoán, nội soi và gắp dị vật ra, hạn chế các biến chứng xảy ra. Người bệnh không nên cố nuốt vào hoặc dùng tay, các dụng cụ thông thường để lấy dị vật vì những cách này có thể gây tổn thương thực quản, dạ dày nhiều hơn”, bác sĩ Quân khuyến cáo.

Bác sĩ Trần Anh Đức, Phụ trách Khoa Ngoại tổng hợp (Bệnh viện Bà Rịa) cho hay, người dân cần chủ động có các biện pháp phòng ngừa việc nuốt dị vật. Đặc biệt đối với các đối tượng nguy cơ cao như người già, trẻ em hay nuốt phải dị vật thì người lớn cần phải chú ý trong ăn uống và sinh hoạt. Đối với người cao tuổi, trẻ nhỏ nên chọn những thức ăn và trái cây mềm, dễ tiêu hóa để cho việc ăn uống của đối tượng này dễ dàng hơn. Riêng trẻ nhỏ, phụ huynh cần theo dõi sát sao khi trẻ ăn và chơi các đồ vật nhằm hạn chế các em nuốt dị vật như hạt trái cây, viên bị, đồng xu...

Bài, ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Nguồn Bà Rịa - Vũng Tàu: http://www.baobariavungtau.com.vn/xa-hoi/202304/canh-bao-nuot-di-vat-khi-an-uong-975262/