Cảnh báo 'Ô nhiễm trắng': Thảm họa mới của môi trường

Đây là cảnh báo của của GS.TS Đặng Kim Chi thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường VN tại Hội thảo khoa học Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lon khó phân hủy do Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức ngày 4/6 tại Bình Định.

Cảnh báo "Ô nhiễm trắng"

Thời điểm hiện nay, các chuyên gia môi trường cảnh báo “ô nhiễm trắng” - cụm từ các nhà khoa học dùng để gọi về một loại ô nhiễm do túi ni lông gây ra - đang là nhân tố gây thảm họa môi trường nghiêm trọng. Ô nhiễm trắng xảy ra khi con người xử lý túi ni lông đã qua sử dụng không đúng cách, với hàng loạt hệ lụy khôn lường…

Túi ni lông đã trở thành vật dụng không thể thiếu trong cuộc sống thường ngày. Nó gắn với thói quen cố hữu của không ít người dân. Với ưu điểm bền, chắc, tiện dụng và giá thành thấp, túi ni lông được sử dụng phổ biến và hầu như có mặt ở mọi nơi, từ cửa hàng nhỏ lẻ đến các siêu thị và những trung tâm thương mại lớn.

Hội thảo khoa học Kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni lon khó phân hủy

Theo các nhà khoa học, túi ni lông được làm từ những chất khó phân hủy. Sự tồn tại của túi ni lông trong môi trường còn gây ô nhiễm thứ cấp, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đất và nước bởi túi ni lông lẫn vào đất sẽ ngăn cản ôxi đi qua đất, gây xói mòn đất, làm cho đất bạc màu, không tơi xốp, kém chất dinh dưỡng, từ đó làm cho cây trồng chậm tăng trưởng. Nghiêm trọng hơn các nhà khoa học còn phát hiện ra rằng, từ đất và nước bị ô nhiễm bởi túi ni lông sẽ ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp tới sức khỏe con người. Điều đáng tiếc, việc xử lý túi ni lông hiện nay chủ yếu bằng thu gom đốt, tạo thành chất rất độc hại. Dù được cảnh báo rất nhiều nhưng túi ni lông vẫn được thải ra môi trường với khối lượng và tần suất nhiều hơn.

GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Vitj Nam

Đề phòng thảm họa mới của môi trường từ "ô nhiễm trắng"

Phát biểu tại Hội thảo, GS.TS Đặng Kim Chi, Chủ tịch Hội đồng Khoa học kỹ thuật thuộc Hội Bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Vitj Nam cho biết, nhựa là sản phẩm từ dầu mỏ, được tìm ra từ giữa thế kỷ 20 với nhiều ưu điểm: bền, nhẹ, dễ chế tạo... Do vậy, nhựa nhanh chóng đi vào đời sống con người trong nhiều ngành nghề, sinh hoạt.

Tuy nhiên, khối lượng sản phẩm nhựa sản xuất hàng năm đã tăng gấp 20 lần trong 50 năm qua, dự kiến tăng gấp đôi trong 20 năm tới. Năm 2014 toàn thế giới đã sản xuất khoảng 314 triệu tấn nhựa để phục vụ nhu cầu của con người và con số đó sẽ ngày càng tăng theo đà tăng dân số và nhu cầu cao trong đời sống. Dự báo tới 2050 toàn cầu có thể sản xuất tới gần 1.124 triệu tấn nhựa... “Nếu lạm dụng quá mức nhưng thu gom, tái chế, tái sử dụng không tương thích sẽ xuất hiện một loại chất thải nhựa tràn lan trong môi trường, gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường do nhựa, giới khoa học gọi là “ô nhiễm trắng” mà Việt Nam khó tránh khỏi nếu không có biện pháp lâu dài”, GS.TS Đặng Kim Chi cảnh báo.

Cũng theo GS.TS Đặng Kim Chi, nhựa được sử dụng nhiều, nhưng phần lớn chỉ dùng một lần rồi thải bỏ, nhất là các sản phẩm nhựa dùng trong sinh hoạt nên lượng rác thải từ nhựa cũng tăng lên không ngừng. Trong khi đó, tỉ lệ thu gom, xử lý chất thải ở nước ta còn rất thấp. Nhận thức của người dân trong thu gom, phân loại, vận chuyển và xử lý chất thải sinh hoạt, đặc biệt là chất thải nhựa còn nhiều hạn chế, thói quen sử dụng túi ni lông còn phổ biến do giá rẻ, thuận tiện.

GS.TS Đặng Kim Chi cho biết, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước châu Á phát sinh nhiều chất thải nhựa, sau Trung Quốc, Indonesia, Phillippines. Đây là một thách thức lớn cho môi trường bởi vì với đặc tính ưu việt bền trong môi trường tự nhiên, phải mất một thời gian rất lâu, có thể lên tới hàng trăm năm, những rác thải nhựa này mới có thể phân hủy được. Do đó, có thể gây tác động xấu cho môi trường, sức khỏe cộng đồng và là nguyên nhân chủ yếu gây ô nhiễm đất, nước, đại dương.

GS.TS Đặng Kim Chi cũng lo lắng về lượng rác thải khổng lồ được đổ ra đại dương mỗi năm. Trong đó, có tới hàng triệu tấn là rác thải nhựa. “Theo ước tính, hiện tại lượng rác thải nhựa trên biển vào khoảng 140 triệu tấn, mỗi năm có thêm 10 triệu tấn. Rác thải nhựa khi trôi ra đến biển có thể tồn tại hàng trăm năm. Bị cọ xát, dưới tác động của nước biển, tia cực tím rác, nhựa sẽ rã thành những mảnh nhỏ và có thể bị các loài hải sản ăn vào để rồi lại có mặt trong chuỗi thức ăn của con người. Do đó, ngành thủy sản và du lịch bị ảnh hưởng rất lớn bởi lượng rác thải này và phải mất rất nhiều chi phí để khắc phục” GS.TS Đặng Kim Chi nói.

Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định

Ông Trần Châu - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phát biểu tại Hội thảo: Theo thống kê, mỗi hộ gia đình Việt Nam thường sử dụng 5-7 túi nilon/ngày. Như vậy hàng triệu túi nilon được sử dụng và thải ra môi trường hàng ngày. Chỉ riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM, trung bình một ngày thải ra môi trường khoảng 80 tấn nhựa và túi nilon. Ông Châu viện dẫn ý kiến của các nhà khoa học nghiên cứu thì một túi nilon trong môi trường tự nhiên phải mất đến 20 năm mới tiêu hủy được và gây ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe con người và môi trường. Đáng chú ý là lượng rác thải túi nilon này tăng theo từng năm, đây chính là một "gánh nặng" cho môi trường, thậm chí, còn dẫn đến thảm họa - ông Chaua nhấn mạnh.

Ông Vincent Berthat - Phó chủ tịch Hội hợp tác pháp lý Châu Âu và Việt Nam cho biết

Trong một ý kiến khác, Ông Vincent Berthat - Phó chủ tịch Hội hợp tác pháp lý Châu Âu và Việt Nam cho biết: Hiện nay Việt Nam đã ký tham gia Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho nên rất cần sự tuyên truyền sâu rộng hơn nữa tới cộng đồng ý thức được rác thải nhựa và nilon trong những vấn đề cấp bách hiện nay. Đối với vấn đề rác thải nhựa trong đại dương, ông Vincent Berthat cho biết, với việc đại dương đang còn phải hứng chịu nặng nề về rác thải ra như hiện nay, vấn đề ô nhiễm không phải là trong nội bộ quốc gia đó mà biển là môi trường để đưa rác thải từ quốc gia này trôi sang quốc gia khác cho nên Việt Nam phải kiên quyết ngăn chặn và có những đối sách phù hợp với vấn đề này.

Tiếp tục nâng cao ý thức của người dân và sự chung tay bảo vệ môi trường các cấp chính quyền, mọi tầng lớp nhân dân

Hiện nay, việc tìm hướng đi cho vấn đề rác túi ni lông, khuyến cáo và có chế tài với việc sử dụng túi ni lông là rất cần thiết. Nếu không có biện pháp kiểm soát việc sử dụng và thải bỏ túi ni lông thì không bao lâu nữa rác thải từ túi ni lông sẽ là mối đe dọa về không gian sống với con người.

Cũng theo GS.TS Đặng Kim Chi, tính đến đầu thế kỷ 21, dân số thế giới khoảng 6 tỉ người và dự báo trong vòng 50 năm tới con số đó sẽ khoảng 10 tỉ người. Cùng với lượng thức ăn, nước uống, năng lượng phải tăng lên thì rác thải cũng tăng theo. Trong đó, chất thải nhựa vốn khó phân hủy, gây ô nhiễm môi trường là vấn đề khiến nhiều người không khỏi lo lắng.

Do vậy, cần có những biện pháp quản lý tổng hợp, hướng dẫn và khuyến khích thay thế, giảm thiểu và sử dụng hợp lý vật liệu nhựa, (đặc biệt là các loại túi ni lông), áp dụng các biện pháp công nghệ, kĩ thuật đẩy mạnh tái chế, tái sử dụng sản phẩm nhựa.

Đồng thời, ban hành chính sách giáo dục tuyên truyền tác hại của chất thải nhựa đối với môi trường, áp dụng các chính sách kinh tế, tăng thuế, không khuyến khích sản suất các sản phẩm nhựa, đặc biệt đối với các bao bì nhựa. Tăng cường tái sử dụng sản phẩm nhựa thông qua các giải pháp về thiết kế sản phẩm và chính sách thu hồi sản phẩm. Từng bước hạn chế hay cấm sử dựng bao bì nhựa, thay thế bằng các loại bao bì thân thiện môi trường, có thể phân hủy nhanh trong điều kiện tự nhiên như vật liệu gỗ, mây, tre…

Ông Nguyễn Thành Yên, Vụ phó Quản lý chất thải thuộc Tổng cục Môi trường

Ông Nguyễn Thành Yên, Vụ phó Quản lý chất thải thuộc Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT cho biết, ở nước ta chưa đặt vấn đề quản lý riêng chất thải nhựa, vẫn đặt trong chính sách chung về quản lý chất thải. Theo ông Yên, cần có cuộc cách mạng về công nghệ, chính sách để loại bỏ chất thải nhựa. Còn đặt vấn đề tái chế vẫn là phương án tạm thời, không thể loại bỏ hoàn toàn chất thải nhựa. Bộ TN-MT ước tính, trung bình mỗi người sử dụng, thải bỏ 1 túi ni lon/ngày, mỗi năm có khoảng hơn 31,4 tỉ túi ni lon bị thải ra nhưng chỉ có khoảng 17% trong số này được tái sử dụng.

Bà Trần Thị Phương Nhung, Phó trưởng phòng chính sách thuế tài sản, Thuế tài nguyên, Thuế bảo vệ môi trường thuộc Bộ Tài chính cho biết, mức thuế hiện hành đối với túi ni lon là 40 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, mức thuế bảo vệ môi trường đối với túi ni lon của Việt Nam là thấp nên chưa tác động nhiều tới hạn chế việc sản xuất, sử dụng túi ni lon nên cần tăng thuế đối với sản phẩm này.

Bà Trần Thị Phương Nhung, Phó trưởng phòng chính sách thuế tài sản, Thuế tài nguyên

“Kinh nghiệm quốc tế cho thấy nhiều nước trên thế giới đang áp dụng mức thuế bảo vệ môi trường cao hoặc cấm sản xuất, bán, sử dụng túi ni lon. Cụ thể như: Anh: 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; Ailen: 15 cent/túi, tương đương 4.500 đồng/túi; Hồng Kông: 0,05 USD/túi, tương đương 1.050 đồng/túi… Với mức thuế như vậy, cũng hạn chế việc sử dụng túi ni lon là sản phẩm từ nhựa, giúp bảo vệ môi trường”, bà Nhung cho biết.

Bên cạnh đó, bà Nhung cũng chỉ ra, hiện nay việc theo dõi, quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh túi ni lon rất khó khăn do cơ sở sản xuất túi ni lon phần lớn (khoảng 70%) là cơ sở sản xuất nhỏ nộp thuế khoán, nên trên thực tế số thu thuế bảo vệ môi trường từ túi ni lon những năm qua là không đáng kể và giảm dần, sản phẩm túi ni lon vẫn được tiêu thụ rất nhiều với giá thành thấp.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân cho rằng, cần tăng cường những hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân về công tác bảo vệ môi trường và sử dụng chất thải nhựa, túi nilon một cách hợp lý. Tuyên dương những hoạt động tiêu biểu, điển hình của các cá nhân cũng như cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường; Kiện toàn các cơ chế chính sách pháp luật về vấn đề hạn chế sử dụng túi nilon khó phân hủy trong sinh hoạt cũng như tạo điều kiện, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất, phân phối túi nilon thân thiện với môi trường, để người tiêu dùng và nhân dân được tiếp cận với loại túi đó.

Đẩy mạnh các công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát xã hội, đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường... sử dụng giải pháp cấm sử dụng túi nilon, nhưng cần phải có chế tài cụ thể, chế độ thưởng phạt nghiêm minh, bộ máy giám sát thực thi và vật dụng thay thế (túi nilon thân thiện với môi trường)

Với sự chung tay đồng bộ của các cấp chính quyền, các tổ chức, cộng đồng xã hội, mọi tầng lớp người dân tham gia sẽ góp phần giảm thiểu việc sử dụng túi nilon khó phân hủy góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững ở Việt Nam.

Nguồn TNMT: http://baotainguyenmoitruong.vn/trong-nuoc/canh-bao-o-nhiem-trang-tham-hoa-moi-cua-moi-truong-1254218.html