Cảnh báo rủi ro từ tự ý truyền dịch

Sự việc cháu bé 22 tháng tuổi tại quận Long Biên (Hà Nội) tử vong sau khi truyền dịch vào ngày 16/10 vừa qua đã góp thêm vào danh sách dài ca tử vong sau khi tự ý truyền dịch tại nhà hay tại các phòng khám tư không đảm bảo yêu cầu.

Truyền dịch không đúng chỉ định sẽ gây ra hệ lụy khôn lường. Ảnh: ST

Qua tìm hiểu phóng viên được biết, không cần khám bệnh hay chỉ định, bất chấp cả quy định cấm của ngành Y tế, nhiều người dân cứ thấy cơ thể mệt mỏi, ốm, sốt… là muốn truyền dịch. Chỉ cần lên trang mạng google gõ từ khóa “Dịch vụ truyền dịch tại nhà” lập tức có hàng chục nghìn kết quả. Thậm chí, chỉ cần một cú click chuột hoặc một cuộc gọi điện thoại là người dân đã được cung cấp ngay dịch vụ truyền dịch đến tận nhà, sẵn sàng phục vụ 24/24.

Theo các chuyên gia y tế, truyền dịch chỉ áp dụng với bệnh nặng cần cấp cứu hoặc trong trường hợp người bệnh không thể uống thuốc. Việc dùng loại dịch truyền nào, liều lượng ra sao phải tùy từng trường hợp cụ thể và có sự theo dõi chặt chẽ của thầy thuốc.

Nói về các nguy cơ truyền dịch tại nhà hoặc ở cơ sở không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật, bác sỹ Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Trưởng khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết, truyền dịch tuy là một thủ thuật y tế thông dụng nhưng có rất nhiều nguy cơ, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Không phải ai cũng truyền dịch được và không phải lúc nào truyền dịch cũng là lựa chọn hàng đầu.

Cũng theo bác sỹ Oanh, truyền dịch thường được áp dụng trong những trường hợp mất nước cấp tính mà không thể bì lượng dịch đã mất bằng đường uống như tiêu chảy cấp, nôn nhiều, sốt cao hoặc say nắng. Ngoài ra, những trường hợp cũng cần được truyền nước như sốc nhiễm khuẩn, sốc phản vệ.

Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Đức Giang chia sẻ, đối với trẻ nhỏ mắc các bệnh như viêm phổi, viêm não thì cần phải thận trọng hơn khi lựa chọn các loại dịch truyền.

Còn theo ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng phòng Quản lý hành nghề y dược tư nhân, Sở Y tế Hà Nội cho biết, theo quy định, muốn truyền dịch phải có chỉ định của bác sỹ và chỉ được thực hiện ở bệnh viện, các cơ sở y tế đã qua thẩm định, được cấp phép, có đầy đủ phương tiện, thiết bị cấp cứu chống sốc phản vệ.

Với các phòng khám thông thường, tuyệt đối không được thực hiện dịch vụ kỹ thuật truyền dịch. Ngành Y tế cũng nghiêm cấm nhân viên y tế làm dịch vụ tiêm, truyền dịch tại nhà.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dung-de-mat-mang-vi-tu-y-truyen-dich.aspx