Cảnh báo tai nạn, thương tích khi trẻ nghỉ hè

Nghỉ hè thường là thời điểm nhiều trẻ nhập viện do gặp phải các tai nạn, thương tích, như đuối nước, bỏng, ngã, hóc dị vật, tai nạn giao thông, điện giật… Các bậc phụ huynh cần lưu ý và quan tâm nhiều hơn để đảm bảo an toàn cho các con.

Tai nạn đến từ thói quen hàng ngày

Tai nạn, thương tích xảy ra ở trẻ em có thể trở thành nỗi ám ảnh theo suốt cuộc đời trẻ cũng như để lại nỗi xót xa, day dứt, đeo đẳng với các bậc phụ huynh. Điều đáng nói, đa phần các trường hợp bị tai nạn, thương tích đều xuất phát từ sự chủ quan, sơ suất của chính gia đình.

Khi trèo lên ghế, vô tình, bé V.A.Q (10 tuổi, ở Hà Nội) bị ngã vào que têm trầu ở bình vôi. Quá hốt hoảng, gia đình vội rút que têm trầu, khiến vết thương chảy máu nhiều, bé bị tím tái. Do vết thương rất sâu, gần tim, nên bé bị mất máu nhiều, suy hô hấp.

Tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thất, bé được cấp cứu kịp thời và được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn để thực hiện phẫu thuật lồng ngực. May mắn, ca phẫu thuật thành công, bé được cứu sống.

Từ đầu tháng 5/2023 đến nay, số trẻ gặp tai nạn, thương tích đến khám tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn gia tăng. Trong đó, trẻ 2 - 5 tuổi thường bị bỏng, hóc dị vật, uống nhầm hóa chất, ngã… Còn với độ tuổi 6 - 14, tai nạn thường là đuối nước, điện giật, tai nạn giao thông, ngã… Riêng Khoa Chấn thương chỉnh hình của Bệnh viện trung bình mỗi ngày tiếp nhận 20 - 30 ca (tăng 30 - 50% so với các tháng trước đó), trong đó đa số là trẻ 6 - 11 tuổi.

Hàng năm, đặc biệt vào dịp hè, Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên (Quảng Ninh) tiếp nhận khá nhiều trẻ em nhập viện do tai nạn giao thông, bị điện giật, đuối nước… Các trường hợp được người nhà phát hiện sớm và đưa đến viện kịp thời, thì cơ hội phục hồi cao, nhưng bên cạnh đó, vẫn có trường hợp đưa trẻ đến cơ sở y tế muộn, sử dụng những phương pháp điều trị dân gian không phù hợp, đã dẫn đến hậu quả đáng tiếc hoặc gây khó khăn trong quá trình điều trị.

Tai nạn mà trẻ thường gặp nhất trong dịp nghỉ hè là đuối nước. Chiều 31/5 vừa qua, bé C.T. (6 tuổi, ở Hà Nội) được gia đình cho đến chơi ở một bể bơi. Tại đây, bé bị đuối nước, được đưa lên bờ trong tình trạng tím tái, ngừng tim, ngừng thở. Ngay lập tức, bé C.T. được đưa đến cấp cứu ở một bệnh viện cách nơi gặp nạn khoảng 5 phút di chuyển, sau đó được chuyển đến Bệnh viện Nhi trung ương. Tại Khoa Điều trị tích cực nội khoa của Bệnh viện, sau khi được điều trị, bé đã tỉnh, tự thở, nhưng vẫn phải tiếp tục theo dõi lâu dài, vì các di chứng thần kinh có thể xảy ra.

Theo các bác sĩ của Bệnh viện Nhi Trung ương, chỉ trong 6 ngày (từ 30/5 đến 4/6/2023), Khoa Điều trị tích cực nội khoa đã tiếp nhận 7 trẻ nhập viện trong tình trạng nguy kịch do đuối nước tại bể bơi và ao hồ. Trong số này, có 3 trẻ ngừng tim kéo dài và 4 trẻ suy hô hấp nguy kịch.

Điều đáng nói, trong số 7 trẻ, chỉ có duy nhất 1 trẻ được hồi sức ban đầu đúng cách, các trường hợp còn lại đều cấp cứu sai cách.

Quan tâm đến trẻ nhiều hơn

Trong dịp hè, trẻ được nghỉ học, tự do vui chơi, có thể thiếu sự giám sát của người lớn, nên dễ gặp phải các tai nạn, thương tích. Do đó, các bậc phụ huynh nên cố gắng dành thời gian quan tâm đến trẻ nhiều hơn; thường xuyên dặn dò, giáo dục trẻ về các mối nguy hiểm, rủi ro có thể xảy ra và cách phòng tránh; nhắc nhở trẻ không được leo trèo, bơi lội ở ao, hồ, sông, biển khi không có người lớn.

Bác sĩ Nguyễn Thành Trung (Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn) lưu ý, khi thấy trẻ bị đau, bỏ ăn, có biểu hiện bất thường, cha mẹ nên đưa đến thăm khám tại cơ sở y tế chuyên khoa. Có nhiều trường hợp, các em bị ngã hay bị tai nạn gãy xương, nhưng không được phát hiện sớm, để lại di chứng về vận động. Cha mẹ cũng không nên cho trẻ chơi ở nơi đang nấu ăn hoặc gần nguồn điện; không cho trẻ nhỏ tiếp xúc với diêm, bật lửa, lửa, nước sôi, thức ăn nóng, cồn, xăng, hóa chất.

Đặc biệt, các bậc phụ huynh không nên cho con sử dụng xe mô tô khi chưa đủ tuổi theo quy định; tránh xa các ao hồ, sông suối để tránh bị đuối nước; dùng bảo hộ khi đi câu cá như đội mũ, đeo kính và tránh tham gia các trò chơi mạo hiểm…

Dịp hè, trẻ ở nhà, cha mẹ chú ý phòng ngừa tai nạn, bỏng, nhiễm độc… cho con bằng cách tuyệt đối không để bàn là, đồ đun nấu trong phòng của trẻ; thiết kế bảng điện, ổ điện ở vị trí cao, an toàn; luôn quan tâm chăm sóc trẻ, không để trẻ chơi một mình ở các nơi có thể xảy ra tai nạn; để thuốc và hóa chất ngoài tầm tay với của trẻ em, không cho trẻ em tự uống thuốc.

Bên cạnh đó, để tránh cho các em bị ngã, trượt, các gia đình cần bố trí nền nhà bằng phẳng và không bị trơn trượt; cửa sổ, hành lang, cầu thang phải có tay vịn, lan can; không cho trẻ chơi gần những nơi không an toàn...

Mộc An

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/canh-bao-tai-nan-thuong-tich-khi-tre-nghi-he-d191975.html