Cảnh báo tiếp tục khô hạn ở Đông Nam bộ

Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam dự báo, trong tháng 4, nửa đầu tháng 5, ĐNB tiếp tục mưa ít và khô hạn. Các địa phương cần có giải pháp ứng phó kịp thời.

 Trồng tiêu ở Bình Phước. Ảnh: Hồng Thủy.

Trồng tiêu ở Bình Phước. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, đến thời điểm hiện tại, dung tích trữ trung bình các hồ chứa ở Đông Nam bộ (ĐNB) còn lại khoảng 46% dung tích thiết kế (DTTK).

Trong đó: Bình Dương (54% DTTK); Bình Phước (70% DTTK); Tây Ninh (53% DTTK); Đồng Nai (37% DTTK) và Bà Rịa - Vũng Tàu (19% DTTK). Nguồn nước trên sẽ cơ bản đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp vụ Đông Xuân 2019 – 2020.

Một số hồ có dung tích trữ thấp dưới 30% DTKK như: Hồ Tà Thiết (21,02% DTTK), hồ Suối Ông (27,46% DTTK), thuộc tỉnh Bình Phước; hồ Sông Ray (15,50% DTTK), hồ Tầm Bó (18,77%), hồ Đá Bàng (16,77% DTTK), hồ Lồ Ô (46,11%), hồ Suối Giàu (13,63%) thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu; hồ Suối Vọng (12,50% DTTK), hồ Gia Ui (15,39% DTTK), hồ Sông Mây (26,13% DTTK) thuộc tỉnh Đồng Nai.

Tính đến thời điểm ngày 8/4/2020, vụ Đông Xuân 2019-2020 ở ĐNB nhìn chung không xảy ra tình trạng hạn hán, thiếu nước trên diện rộng ở các địa phương trong vùng, trừ tình trạng thiếu nước cục bộ ở vùng ngoài công trình thủy lợi hoặc công trình thủy lợi nhỏ.

Ngày 8/4, cục bộ một số nơi có mưa trái mùa với lượng mưa nhỏ đến mưa vừa, bổ sung kịp thời lượng nước cho sản xuất nông nghiệp trong giai đoạn cao điểm mùa khô, cơ bản giải quyết tình trạng hạn hán một số khu vực sau gần 2 tháng không mưa.

Một số địa phương có diện tích đang ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước. Cụ thể, Bình Phước có khoảng 639 ha vùng ngoài khu tưới công trình thủy lợi, tập trung ở các huyện Lộc Ninh (81 ha), Bình Long (285 ha), Hớn quản (41 ha), Bù Đăng (152 ha), Bù Gia Mập (80 ha). Bà Rịa – Vũng Tàu có 108 ha cây lâu năm thuộc huyện Xuyên Mộc, thuộc khu tưới hồ Sông Hỏa, đang phải tưới cầm chừng để ưu tiên nước sinh hoạt.

Trong thời gian tới, với thông tin dự báo tháng 4 và tháng 5/2020 tại khu vực lượng mưa phổ biến thấp hơn so với trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời kỳ, cảnh báo tiếp tục ít mưa và khô hạn trong tháng 4 và nửa đầu tháng 5/2020.

Từ tháng 6 đến tháng 9/2020, lượng mưa có xu hướng gia tăng trên khu vực và tổng lượng mưa phổ biến ở mức xấp xỉ TBNN.

Khu vực ĐNB có diện tích cây trồng ngoài khu vực công trình thủy lợi khá lớn (hơn 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp), nên có khả năng xảy ra hạn hán, thiếu nước cục bộ tại các công trình thủy lợi nhỏ và vùng ngoài công trình thủy lợi trong trong thời gian cao điểm của mùa khô.

Để bảo đảm cấp nước cho sản xuất nông nghiệp vụ đến hết Đông Xuân 2019- 2020 và cả vụ Hè Thu 2020, Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam kiến nghị các địa phương cần theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo nguồn nước và xây dựng kế hoạch sử dụng nước trên lưu vực sông Bé, sông Sài Gòn, sông Đồng Nai (vùng ĐNB) của Viện để có giải pháp ứng phó kịp thời.

Các khu vực có công trình thủy lợi cần tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi để dành cung cấp cho vụ Hè Thu.

Các vùng ngoài phạm vi cấp nước của các công trình thủy lợi cần theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết, nguồn nước để thực hiện kế hoạch gieo trồng, giảm thiểu thiệt hại khi nguồn nước không đảm bảo. Tranh thủ bơm, tát, trữ nước dự trữ khi có điều kiện về nguồn nước.

Các địa phương cần duy tu, sửa chữa công trình phục vụ phòng, chống hạn mặn; nạo vét một số trục kênh chính; ưu tiên đầu tư nạo vét hệ thống thủy lợi nội đồng củng cố bờ bao ngăn mặn, trữ ngọt, sửa chữa các cống, bọng, điều tiết nước... để tăng khả năng trữ nước ngọt và giữ kín nước, giảm tổn thất rò rỉ; trữ nước trên hệ thống kênh rạch nội đồng chống hạn, đảm bảo cấp nước sinh hoạt và phục phục vụ sản xuất.

Giai đoạn thiếu nước gay gắt thường xảy ra trong cuối tháng 4, cần lập kế hoạch phối hợp với các nhà máy thủy điện trên sông Bé, sông Đồng Nai như: Thác Mơ, Cần Đơn, Sok Phu Miêng, Trị An để tăng xả qua phát điện tạo nguồn nước cho hạ du. Các địa phương cần tăng cường công tác tuyên truyền, thường xuyên thông báo tình hình thời tiết, nguồn nước để điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp.

Thanh Sơn

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/canh-bao-tiep-tuc-kho-han-o-dong-nam-bo-d262442.html