Cảnh báo tình trạng lao động chui từ Thanh Hóa sang Trung Quốc (3): Bất lực trước thảm cảnh đau lòng?

Để ngăn chặn và tiến tới chấm dứt tình trạng công dân xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã từng ban hành Chỉ thị số 12/2016 về việc 'Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, phòng ngừa và đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép'. Tuy nhiên, từ đó tới nay, chuyện 'vượt biên' sang Trung Quốc vẫn diễn ra...

Công an huyện Hoằng Hóa phối hợp cùng Công an xã Hoằng Đồng tuyên truyền, vận động người dân không sang Trung Quốc làm lao động bất hợp pháp. Ảnh: N.Hưng

Những con số báo động

Đã có 47 người Thanh Hóa chết và mất tích khi qua Trung Quốc lao động bất hợp pháp trong một thời gian ngắn. Đó là thực tế phũ phàng phản ánh những rủi ro, có khi đánh đổi cả tính mạng của người lao động chui phía bên kia biên giới. Theo thống kê của Công an tỉnh Thanh Hóa, chỉ tính từ năm 2015 đến nay, toàn tỉnh có 41 người xuất cảnh lao động trái phép tại Trung Quốc bị tử vong đưa được thi thể về địa phương và 6 trường hợp khác bị mất tích. Gần 3.000 trường hợp bị phía Trung Quốc bắt, trục xuất về nước và 29 trường hợp bị đưa ra xét xử tại tòa.

Trước Tết Kỷ Hợi năm 2019, toàn tỉnh Thanh Hóa còn 1.885 trường hợp đang lao động trái pháp luật tại Trung Quốc (giảm 86,17% so với năm 2015). Số lao động trên tập trung chủ yếu ở các địa bàn: Hậu Lộc (244 người), Quảng Xương (225 người), thành phố Sầm Sơn (110 người), Mường Lát (102 người), Hà Trung (95 người), Thạch Thành (75 người), Thường Xuân (73 người), Hoằng Hóa (73 người), Cẩm Thủy (68 người).

Cuối năm 2018, có 1.026 người dân Thanh Hóa đi lao động trái pháp luật ở Trung Quốc về quê ăn Tết, 859 người không về. Lực lượng chức năng đã tiến hành ký cam kết không tiếp tục xuất cảnh trái pháp luật được 895 trường hợp và 464 gia đình ký cam kết kêu gọi người thân đang lao động trái phép tại Trung Quốc trở về nước...

Cơ quan điều tra cũng đã củng cố hồ sơ đối với 27 trường hợp về hành vi “qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục theo quy định”. Trong đó, các phòng nghiệp vụ đã phối hợp với Công an các huyện Quảng Xương, Hoằng Hóa, thị xã Bỉm Sơn tiến hành xử phạt vi phạm hành chính đối với 13 trường hợp. Tính từ năm 2015 đến nay, cơ quan chức năng đã xử lý hành chính 43 trường hợp; khởi tố 17 vụ, 21 đối tượng về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Dù cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã tích cực tuyên truyền, vận động, quyết liệt đấu tranh, xử lý nạn lao động trái phép bên kia biên giới nhưng cậu chuyện này luôn “nóng”, nhất là sau Tết Nguyên đán.

Địa phương “bó tay”?

Ngay sau Tết Nguyên đán, cơ quan chức năng đã phát hiện, ngăn chặn, xử lý nhiều vụ đưa người đi lao động trái phép. Tối 8/2 (tức mùng 4 Tết Kỷ Hợi), nhận được tin báo của quần chúng nhân dân, phòng An ninh điều tra và Công an huyện Quảng Xương đã phối hợp ngăn chặn kịp thời 11 công dân ở xã Quảng Nham, huyện Quảng Xương đang chuẩn bị lên xe ô tô khách BKS 14B3-023.15 chạy tuyến Nghệ An – Móng Cái để xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc...

Qua quá trình điều tra xác minh, được biết trong số 11 công dân nói trên có 7 trường hợp đã từng nhiều lần xuất cảnh đi lao động trái pháp luật tại Trung Quốc. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, các đối tượng này về quê ăn Tết, sau đó cùng với một số lao động nhàn rỗi trên địa bàn xã Quảng Nham liên hệ với nhà xe KaLong đến xã Quảng Nham để đón đi Móng Cái sau đó sang Trung Quốc bằng các đường bất hợp pháp.

Công an huyện Quảng Xương sau khi phát hiện, ngăn chặn đã tuyên truyền, vận động và thuyết phục 11 công dân xã Quảng Nham không tái phạm. Đồng thời, tiếp tục tăng cường lực lượng xuống cơ sở để nắm tình hình, rà soát, lập danh sách thống kê số công dân đang xuất cảnh lao động trái phép trên địa bàn.

Tiếp đó, ngày 19/2, Công an huyện Như Xuân khởi tố 1 vụ án hình sự, 1 bị can về tội tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài. Hiện các vụ việc đang được các đơn vị tiếp tục phối hợp điều tra, làm rõ. Hiện, Công an huyện Hậu Lộc củng cố hồ sơ đề nghị khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng; phối hợp với Công an huyện Hà Trung củng cố hồ sơ đề nghị khởi tố 1 vụ, 1 đối tượng có dấu hiệu tổ chức cho người khác trốn đi nước ngoài.

Theo quy định của pháp luật, những trường hợp xuất cảnh trái phép đã được tuyên truyền, vận động nhiều lần nhưng vẫn tái xuất cảnh trở lại và bị bắt, trao trả, đẩy đuổi sẽ bị xử lý vi phạm hành chính về hành vi “Qua lại biên giới quốc gia mà không làm thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định” được quy định tại Điểm a, Khoản 3, Điều 17, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12/11/2013.

Tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc là trái pháp luật, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, rủi ro đến sức khỏe, tính mạng… Tuy nhiên, hiện nay, địa phương đang gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý công dân xuất cảnh trái phép. Bởi, khi người dân ra khỏi nơi cư trú đi làm ăn xa thường không báo cáo cụ thể với chính quyền địa phương, vì vậy rất khó phát hiện những trường hợp lao động xuất cảnh bất hợp pháp.

Trong khi đó, lao động tại các vùng biển không có tay nghề, khó xin việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân xuất cảnh trái phép sang lao động tại Trung Quốc. Các công ty, đơn vị có chức năng về xuất khẩu lao động cũng có sự tuyển chọn, học tiếng và thủ tục thường phức tạp nên nhóm đối tượng này không đảm bảo các điều kiện, tiêu chí để tham gia.

Về lâu dài, một mặt các cơ quan chức năng cần quyết liệt xử lý đối với các đối tượng môi giới lao động đi làm việc trái phép. Mặt khác cần đào tạo nghề, tạo việc làm tại chỗ cho người lao động, tạo môi trường thông thoáng, kêu gọi các công ty, doanh nghiệp vào đầu tư phát triển ngay tại địa bàn các địa phương này. Có sinh kế tại chỗ ổn định sẽ không phát sinh các vấn đề phức tạp của đời sống xã hội và không còn đất sống cho cò, môi giới lao động trái phép sang nước ngoài.

Ngọc Hưng - Thắng Lê

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/canh-bao-tinh-trang-lao-dong-chui-tu-thanh-hoa-sang-trung-quoc-3-bat-luc-truoc-tham-canh-dau-long-2019032019465042.htm