Cảnh báo: Trẻ 2 tuổi cũng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn gây ung thư dạ dày

Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật, tại Việt Nam, tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP chiếm hơn 80%, đặc biệt ở trẻ em dưới 8 tuổi chiếm tới 96,2%. Thậm chí, có những trẻ chỉ 2 tuổi đã nhiễm vi khuẩn HP.

Vi khuẩn HP có tên đầy đủ là Helicobacter Pylori, là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày người, có thể tồn tại trong môi trường của axit dạ dày. Loại vi khuẩn này tiết ra một enzyme có tên là Urease giúp trung hòa độ axit trong dạ dày.

Vi khuẩn HP có thể sinh sống và phát triển ở lớp nhầy trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Nó có thể gây ra tình trạng viêm dạ dày mãn tính, thường phát triển trong khi không gây ra bất kỳ triệu chứng nổi bật nào.

Trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng, hiện nay, tỷ lệ nhiễm HP trong gia đình, đặc biệt là trẻ em càng ngày gia tăng. Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật, trong hơn 300 gia đình, tỉ lệ trẻ em dưới 8 tuổi nhiễm HP chiếm 96,2%. Các chuyên gia trong ngành nhấn mạnh, đây là một con số quá cao. Hội nghị HP thế giới và khu vực không nhắc tới tỷ lệ này, do vậy, nhiều khả năng Việt Nam đang đứng đầu bảng.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thắng, Viện trưởng viện nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết, ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm vi khuẩn HP cao nhất, đặc biệt là trong những gia đình có người thân cận huyết thống mắc HP.

“Điều này phần nào có thể hiểu được do thói quen sinh hoạt chung, dùng chung chén, đũa bát trong gia đình, công tác vệ sinh và tầm soát bệnh chưa được chú trọng”, ông Thắng nhấn mạnh.

PGS.TS. Nguyễn Duy Thắng Viện trưởng viện nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm HP cao

PGS.TS. Nguyễn Duy Thắng Viện trưởng viện nghiên cứu và Đào tạo tiêu hóa, gan mật cho biết trẻ em là đối tượng có nguy cơ nhiễm HP cao

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng cho biết thêm, vi khuẩn HP chính là yếu tố gây ra viêm loét dạ dày và bệnh cứ tái đi tái lại. Tổ chức ung thư quốc tế cũng xem như HP là thủ phạm số 1 gây ra ung thư dạ dày và khuyến cáo không có HP sẽ giảm ung thư dạ dày.

Tại Việt Nam, dù viêm loét dạ dày không phải chỉ riêng HP gây ra nhưng sự tồn tại của HP trong niêm mạc dạ dày - tá tràng rất cao. Với trẻ nhỏ, trường hợp HP gây viêm loét dạ dày, trong gia đình từng có người ung thư dạ dày, nhiễm vi khuẩn HP bác sĩ đều khuyến cáo điều trị triệt để. “Nhiều gia đình e ngại tâm lý bé đã dùng kháng sinh nhưng nếu không điều trị triệt để HP gây viêm loét dạ dày tái đi tái lại ở trẻ”, ông Thắng cho biết.

Trao đổi về những con đường lây nhiễm của HP, theo PGS. TS Nguyễn Duy Thắng có 3 con đường chính:

Thứ nhất, qua đường nước bọt: Vi khuẩn HP có nhiều trong nước bọt, cao răng, khoang miệng của người bệnh. Do đó, chúng có thể lây truyền từ người này sang người khác qua việc dùng chung chén đũa, hôn trực tiếp, mẹ mớm đồ ăn cho con.

Thứ hai, qua đồ dùng ăn uống: Vi khuẩn HP được đào thải qua phân người bệnh nên sẽ bị lây nhiễm qua tay bệnh nhân (nếu không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh) hoặc nhiễm vi khuẩn qua các con vật trung gian như ruồi, gián, chuột,...

Thứ ba, qua chăm sóc y tế: Người có vi khuẩn H.P trong dạ dày khi bị trào ngược hoặc ợ chua sẽ đẩy vi khuẩn lên miệng cùng với dịch dạ dày. Khi đi khám nha khoa, nội soi nhưng dụng cụ không được tiệt trùng kỹ, vi khuẩn HP dễ lây sang người khỏe mạnh.

Chia sẻ về trường hợp bệnh nhi 2 tuổi nhiễm vi khuẩn HP, PGS.TS Nguyễn Duy Thắng cho biết: “Chúng tôi đã gặp trường hợp bệnh nhi nhỏ nhất là 2 tuổi mắc HP do mẹ mớm cơm cho con. Bệnh nhi không có triệu chứng lâm sàng và phát hiện bệnh khi test thở. Nhưng trường hợp này chúng tôi chưa tiến hành điều trị. Môi trường trong dạ dày kiềm hóa càng cao thì HP càng sống tốt, nhưng với môi trường axit HP sẽ chết. Do đó, nếu môi trường trong dạ dày bé thay đổi thì HP có thể bị tiêu diệt. Điều này cũng khẳng định, chế độ ăn quan trọng vô cùng với trẻ nhỏ”.

Để phòng ngừa nhiễm khuẩn HP gây viêm loét dạ dày, các chuyên gia khuyên rằng mỗi gia đình nên hạn chế dùng chung dụng cụ ăn uống trong gia đình như chung bát nước chấm, hạn chế gắp thức ăn cho nhau.

Cẩn thận khi ăn uống tại các hàng quán ven đường vì các dụng cụ ăn uống thường không được vệ sinh sạch sẽ. Nên diệt trừ ruồi, muỗi, gián, chuột; giữ gìn vệ sinh chén đũa sạch sẽ, ngâm các dụng cụ ăn uống trong gia đình trong nước sôi. Không hôn trẻ, mớm đồ ăn cho trẻ. Không nên trộn đồ ăn cho trẻ nhỏ bằng đũa của mình.

K. Tiến

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/canh-bao-tre-2-tuoi-cung-co-nguy-co-nhiem-vi-khuan-gay-ung-thu-da-day-91779.html