Cảnh báo từ sạt lở đê sau bão

Bão số 3 vừa đi qua cũng là thời điểm Hà Nội ghi nhận một loạt sự cố đê điều phát sinh với mức độ nghiêm trọng.

Theo thống kê của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Đồng bằng Bắc Bộ, chỉ trong gần một tuần (từ ngày 31/7 – 5/8), nhiều địa phương tại Hà Nội đã hứng chịu lượng mưa trung bình khoảng 220mm, có nơi trên 300mm. Mưa lớn kéo dài khiến đất ngấm nước, kéo theo hệ thống đê hữu Hồng phát sinh 3 sự cố đê điều.

 Đê hữu Hồng đoạn qua xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín bị sạt lở sau bão số 3.

Đê hữu Hồng đoạn qua xã Tự Nhiên, huyện Thường Tín bị sạt lở sau bão số 3.

Cụ thể, tại huyện Thường Tín, đê hữu Hồng đoạn thuộc xã Tự Nhiên bị sạt lở với chiều dài 140m, tạo thành vách dựng đứng có chiều cao từ 3 – 5m. Đáng chú ý, trong số 3 cung sạt, có một cung sạt nằm sát công trình phụ của hộ ông Nguyễn Vàng Anh.

Trưởng phòng Kinh tế huyện Thường Tín Uông Thị Phượng cho biết, khu vực sạt lở nằm cách đê bối xã Tự Nhiên khoảng 120m. Ngay sau khi sự cố xảy ra, địa phương đã yêu cầu gia đình ông Vàng Anh di chuyển khỏi khu vực trang trại. Đồng thời, dựng biển cảnh báo nguy hiểm để người dân biết, phòng tránh. Tương tự, tại huyện Phú Xuyên, đê hữu Hồng đoạn qua xã Văn Nhân cũng xuất hiện hai vị trí sạt lở với tổng chiều dài khoảng 33m; cao trình chân cung sạt +7m.

Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Phú Xuyên Lê Văn Tuấn cho biết, hai vị trí bị sạt lở nằm cách đường giao thông liên xã khoảng 5m. Sau khi phát sinh hồi năm 2016 – 2017, hai vị trí sạt lở đã được chính quyền địa phương tiến hành gia cố. Tuy nhiên, do mưa lớn sau bão số 3, đất ngấm nước lâu ngày nên hai vị trí nêu trên lại bị sạt trượt.

Cũng theo thông tin từ Hạt Quản lý đê Ứng Hòa – Mỹ Đức, sau bão số 3, trên tuyến đê tả Đáy xuất hiện 4 sự cố sạt lở mái đê phía thượng lưu. Nghiêm trọng hơn cả là từ K60+865 đến K60+985 thuộc thôn Giang Đường, xã Đồng Tiến (huyện Mỹ Đức); chiều dài cung sạt ghi nhận được là 120m, chiều rộng khối sạt đoạn lớn nhất 8,0m. Mái đê tả Đáy thuộc xã Đội Bình (huyện Ứng Hòa), chiều dài cung sạt 10m; chiều rộng 1,5m. Cả hai vị trí trên đang có diễn biến rất phức tạp.

Trao đổi với Kinh tế & Đô thị, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho biết, đơn vị chức năng đã nắm bắt được hiện trạng các điểm sạt lở thuộc tuyến đê hữu Hồng, tả Đáy sau đợt mưa bão vừa qua. Thời gian tới, sẽ tổ chức đoàn xuống kiểm tra, đánh giá mức độ nguy hiểm. Trên cơ sở đó, có báo cáo đề xuất UBND TP phê duyệt phương án xử lý phù hợp.

Ông Khương cũng đề nghị các Hạt quản lý đê cần tiếp tục phối hợp cùng đơn vị chức năng các huyện Thường Tín, Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa trong triển khai các biện pháp nhằm bảo đảm an toàn tại những khu vực đê sông bị sạt lở. Đồng thời, tăng cường thông tin để người dân biết, chủ động phòng tránh.

Bài, ảnh: Lâm Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/canh-bao-tu-sat-lo-de-sau-bao-349697.html