Cảnh báo về việc tiêm phòng cúm trong lúc biến thể Omicron 'hoành hành'

Một nghiên cứu mới cho thấy, chủng cúm nổi trội đang lưu hành trong mùa này đã tạo ra một đột biến rắc rối, khiến việc tiêm vắc xin cúm năm nay trở thành một sự kết hợp không tốt.

Một điểm tiêm chủng cúm mùa tại Mỹ.

Đồng tác giả nghiên cứu Scott Hensley, giáo sư vi sinh vật học tại Trường Y Perelman thuộc Đại học Pennsylvania, Mỹ cho biết : "Từ các nghiên cứu dựa trên phòng thí nghiệm của chúng tôi, nó có vẻ như là một sự không phù hợp lắm" .

Hensley và các đồng nghiệp của ông đã theo dõi phân nhóm H3N2 của virus cúm, tìm kiếm bất kỳ đột biến di truyền nào hình thành trong virus khi nó lây lan. Thông qua giám sát của họ, gần đây họ đã xác định được một "nhánh" H3N2 mới, hoặc một phần tách trong họ của virus.

Họ đặt tên cho nhóm này là "3C.2a1b.2a2," gọi tắt là 2a2 và đăng phát hiện của họ vào ngày 15/12 vừa qua lên cơ sở dữ liệu medRxiv. Nghiên cứu này chỉ đo phản ứng kháng thể ở 40 người hầu hết là trẻ và khỏe mạnh. Tuy nhiên, nghiên cứu cho thấy những đột biến do chủng mới có thể khiến vắc xin cúm năm nay kém hiệu quả hơn đối với H3N2.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mũi tiêm phòng cúm của bạn là vô ích. Các chuyên gia vẫn khuyên bạn nên tiêm phòng cúm mùa này để tránh bị bệnh nặng.

Các tác giả nghiên cứu cho biết: “Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, vắc xin cúm theo mùa luôn ngăn ngừa được các trường hợp nhập viện và tử vong ngay cả trong những năm có sự sai lệch kháng nguyên lớn. Vì vậy, ngay cả khi mũi tiêm phòng cúm năm nay không phù hợp với chủng virus nổi trội, nhưng các loại vắc xin này sẽ làm giảm tỷ lệ mắc bệnh nặng và tử vong.”

Vậy tại sao nhóm 2a2 mới được xác định lại gây ra vấn đề như vậy? Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, virus này mang đột biến gene mã hóa hemagglutinin (HA), một loại protein trên bề mặt virus.

Trước đây, vắc xin cúm huấn luyện hệ miễn dịch nhận ra protein HA. Vấn đề là protein HA đột biến nhanh đến mức cấu trúc của nó có thể thay đổi trong khoảng thời gian từ khi vắc xin cúm được phát triển và khi mùa cúm đạt đến đỉnh điểm, thường là giữa tháng 12 và tháng 2. Và trong số bốn phân nhóm cúm được tiêm phòng cúm hàng năm - hai chủng virus cúm A, H1N1 và H3N2, và hai chủng cúm B từ dòng Victoria và Yamagata - H3N2 đột biến nhanh nhất.

Vì lý do này, vắc xin ngừa cúm có xu hướng ít bảo vệ nhất đối với H3N2, và điều này đã làm suy yếu hiệu quả của vắc xin cúm. Hensley cho rằng, những thay đổi trong virus H3N2 trong năm nay gợi nhớ đến những đột biến khiến vắc xin trở nên quá yếu trong mùa cúm 2014-2015, khi nó chỉ cung cấp 6% khả năng bảo vệ chống lại H3N2.

Hensley đã viết trên Twitter ngày 16/12 : “Điều quan trọng là chúng tôi nhận thấy rằng, các kháng thể tạo ra từ vắc xin cúm 2021-2022 vô hiệu hóa kém đối với nhóm virus 2a2 H3N2 mới”.

Điều này có thể giải thích phần nào sự bùng phát các trường hợp cúm gần đây tại khuôn viên Ann Arbor của Đại học Michigan, Mỹ, nơi chủ yếu do H3N2 gây ra, khiến hơn 700 người mắc bệnh, trong đó khoảng 1/4 người đã được tiêm vắc xin phòng bệnh cúm.

Các nhà nghiên cứu viết: “Trong khi các trường hợp nhiễm 2a2 H3N2 đang gia tăng nhanh chóng ở Mỹ và các khu vực khác trên thế giới, có thể các nhóm khác của H3N2 sẽ chiếm ưu thế trong tương lai. Cũng có thể virus H1N1 hoặc cúm B có thể chiếm ưu thế vào cuối mùa 2021-2022."

Hà Thu

Theo Live Science

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/canh-bao-ve-viec-tiem-phong-cum-trong-luc-bien-the-omicron-hoanh-hanh-post1402863.tpo