Cảnh báo việc đối tượng người nước ngoài có hành vi phạm tội ở Nghệ An

Tại Nghệ An, nhiều đối tượng người nước ngoài đã thực hiện hành vi phạm tội, từ mua bán ma túy đến lợi dụng công nghệ cao chiếm đoạt tài sản... sau khi nhập cảnh vào Việt Nam theo chính sách tạo điều kiện cho người nước ngoài nhập cảnh của Nhà nước ta.

Nhiều loại tội phạm

Đầu tháng 9/2019, Công an TP Vinh nhận được nguồn tin báo từ người dân về việc tài khoản ngân hàng của họ bị rút tiền, trong khi họ không có bất kỳ giao dịch nào và thẻ ATM vẫn ở trong người. Trước tình hình trên, lãnh đạo Công an TP Vinh đã chỉ đạo Đội Điều tra tổng hợp chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ xác lập Chuyên án mang bí số T919 để tập trung điều tra, xác minh, xử lý, triệt xóa ổ nhóm đối tượng này.

Sau khi xác minh, xác định được ổ nhóm gồm các đối tượng: Yang Chang Cai (SN 1986), Denh Cong Cong (SN 1990) và Lian Yu (SN 1985), cùng trú tại tỉnh Giang Tây, Trung Quốc đã nhập cảnh vào Việt Nam để thực hiện quá trình phạm tội nên lực lượng chức năng tổ chức theo dõi.

3 đối tượng Yang Chang Cai (SN 1986), Denh Cong Cong (SN 1990) và Lian Yu (SN 1985). Ảnh: Đức Vũ

3 đối tượng Yang Chang Cai (SN 1986), Denh Cong Cong (SN 1990) và Lian Yu (SN 1985). Ảnh: Đức Vũ

Đến ngày 11/9, Ban chuyên án do Công an TP Vinh chủ trì, phối hợp Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao (Bộ Công an), Phòng An ninh đối ngoại và Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An, Ngân hàng VietinBank tiến hành kiểm tra hành chính nhóm đối tượng trên khi đang lưu trú tại một khách sạn trên đường Nguyễn Thái Học, TP.Vinh, phá thành công Chuyên án T919 bắt giữ 3 đối tượng người Trung Quốc có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Qua kiểm tra, tổ công tác phát hiện, thu giữ của các đối tượng 333 thẻ ngân hàng nghi là giả, trong đó có 319 thẻ đã được quét thông tin về chủ tài khoản, 22 thẻ đã bị rút tiền ra khỏi tài khoản với số tiền gần 300.000.000 đồng và 14 thẻ trắng, 3 thiết bị điện tử, 2 máy tính xách tay… Quá trình điều tra ban đầu xác định, ổ nhóm đối tượng này đã thực hiện thành công 2 lần cài đặt các thiết bị điện tử vào máy ATM của Ngân hàng VietinBank tại phường Hưng Dũng, đánh cắp thông tin tài khoản phục vụ cho việc làm giả thẻ ngân hàng để chiếm đoạt tài sản trên địa bàn TP Vinh.

Cụ thể, Denh Cong Cong và Lian Yu sử dụng các thiết bị điện tử rồi gắn vào máy rút tiền tự động ATM để đánh cắp mật khẩu và thông tin tài khoản cá nhân của khách hàng, rồi chuyển cho đối tượng Yang Chang Cai xử lý thông tin ban đầu. Sau đó, Yang Chang Cai gửi dữ liệu về Trung Quốc cho một đối tượng tên là Lý Văn giải mã để chuyển thông tin lại cho Yang Chang Cai và đồng bọn chế tạo thẻ ATM giả để rút tiền của chủ thẻ.

Chuyên án bắt 700 kg ma túy đá là chuyên án bắt giữ số lượng ma túy lớn nhất từ trước đến nay của Công an Nghệ An. Ảnh tư liệu PX03

Trước đó, qua nguồn trinh sát báo về, Công an Nghệ An phát hiện đang có một đường dây mua bán trái phép chất ma túy xuyên quốc gia do đối tượng người nước ngoài cấu kết với một số đối tượng người Nghệ An thực hiện. Các đối tượng này chọn địa bàn Nghệ An là điểm trung chuyển rồi sau đó đưa ma túy sang một nước thứ 3 để tiêu thụ.

Tháng 3/2019, Công an tỉnh Nghệ An xác lập chuyên án, giao cho Phòng Cảnh sát ĐTTP về ma túy, phối hợp với Công an huyện Quỳnh Lưu đấu tranh, triệt phá. Ngày 17/4, Ban chuyên án lên kế hoạch vây bắt nhóm đối tượng này. Khi thấy cảnh sát, nhóm đối tượng này vứt 23 bao tải chứa ma túy đá xuống vệ đường tại cánh đồng muối ở xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu rồi bỏ chạy nhưng 3 đối tượng bị bắt giữ sau đó.

Tiến hành điều tra mở rộng chuyên án, 15 giờ chiều cùng ngày, Ban chuyên án đã tiến hành khám xét kho hàng của chị Nguyễn Thị Tâm (SN 1977, trú tại xóm 1, xã Quỳnh Hồng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An) thu giữ 50 loa thùng, 50 bì cát tông và 1 cân đĩa. Đây là các vật dụng các đối tượng dùng để cất giấu ma túy. Tổng số lượng ma túy thu giữ được đến thời điểm này là khoảng 700 kg. Ngoài 3 tên đã bị bắt còn có 2 tên đang bỏ trốn là người nước ngoài.

Những khó khăn, bất cập

Có thể nói, những vụ việc kể trên chỉ là những vụ việc điển hình đã được lực lượng Công an Nghệ An triệt phá trong thời gian qua. Qua đó cho thấy, tội phạm là người nước ngoài nói chung diễn biến rất phức tạp, gây ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, trật tự an toàn xã hội. Trong khi đó, một thực tế khó khăn đặt ra đó là, hiện nay số người nước ngoài đến Việt Nam rất lớn. Song chúng ta mới chỉ quản lý, nắm bắt được con số nhập cảnh, còn công tác quản lý cư trú, hoạt động của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở.

Hơn nữa, quá trình phát hiện, bắt giữ các đối tượng người nước ngoài phạm tội còn gặp khó khăn, khi tiến hành xác minh, kiểm tra những thông tin về đối tượng người nước ngoài thì kết quả, thông tin thu được còn ít; thiếu cán bộ làm công tác phiên dịch, đặc biệt khi bị bắt đối tượng không khai hoặc nói bằng tiếng bản địa gây nhiều khó khăn cho lực lượng chức năng.

Cơ quan CSĐT Công an TP Vinh tổ chức thực nghiệm hiện trường vụ 3 đối tượng người Trung Quốc làm thẻ ATM giả. Ảnh: Đức Vũ

Trung tá Hà Huy Đức - Điều tra viên, Đội trưởng Đội Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao và có yếu tố nước ngoài, thuộc Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh cho biết: Đơn cử như vụ việc liên quan đến 3 người Trung Quốc có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản được triệt phá vào ngày 11/9. Trong quá trình điều tra lực lượng chức năng gặp khá nhiều những khó khăn, trước tiên đó là bất đồng ngôn ngữ, bởi vậy mỗi khi điều tra đều phải thuê phiên dịch. Chưa kể, để xác minh lý lịch bị can từ phía Trung Quốc rất khó, mặc dù đã thông qua đường ngoại giao nhưng không có phản hồi.

Ngoài ra, theo một cán bộ điều tra khác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh, qua quá trình theo dõi nhưng để bắt được các đối tượng tội phạm là người nước ngoài cũng rất khó. Hiện nay, đơn vị đang xác minh, điều tra vụ người đàn ông “gốc Phi” lừa đảo chiếm đoạt 2,2 tỷ đồng của bà L.T. H. (SN 1962, trú ở một huyện miền núi thuộc tỉnh Nghệ An) qua mạng. Tuy nhiên, công tác điều tra nắm tung tích rất khó bởi đối tượng dùng tài khoản giả, việc rút tiền diễn ra ở nước ngoài, cùng với đó sử dụng nhiều số điện thoại và liên tục di chuyển...

Tương tự, vụ 700 kg ma túy đá, hiện đã bắt tạm giam 3 đối tượng người Nghệ An để xét xử. Công an đã ra lệnh truy nã quốc tế 2 người Đài Loan, hiện đang phối hợp với Bộ Công an Việt Nam và Công an Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục truy bắt theo kênh của Interpol nhưng vẫn chưa có kết quả.

Theo Trung tá Trần Đình Vinh - Phó phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an tỉnh Nghệ An: Xác định địa bàn Nghệ An rất gần với “Tam giác vàng” - thủ phủ ma túy lớn, cộng với tình hình ma túy trên địa bàn diễn biến phức tạp, thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm ma túy trên các tuyến biên giới trong những năm gần đây đều có yếu tố nước ngoài, liên quan đến chủ quyền biên giới quốc gia nên quá trình đấu tranh, ngăn chặn cần thiết phải có sự phối hợp giữa các lực lượng 2 bên biên giới.

Tuy nhiên, ngoài phần lớn các nước có sự hợp tác tốt thì với những địa bàn chưa có Hiệp định tương trợ về tư pháp trong dẫn độ tội phạm với Việt Nam thì rất khó. Trong khi thực tế hiện nay, tội phạm ma túy có yếu tố nước ngoài với thủ đoạn ngày càng tinh vi, thường điều khiển qua khâu trung gian, lợi dụng các công ty vận chuyển uy tín để đưa hàng qua cửa khẩu...

Cán bộ Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận và lực lượng Công an đang kiểm tra số lượng ma túy đá bắt giữ được. Ảnh tư liệu N.H.T

Có thể thấy tình trạng người nước ngoài vào Việt Nam nói chung, Nghệ An nói riêng để thực hiện hành vi tội phạm đang là vấn đề đáng báo động. Không chỉ là một nhóm người hoạt động nhỏ lẻ, mà các đối tượng đã tổ chức với quy mô lớn, với phương thức thủ đoạt hoạt động ngày càng tinh vi, manh động và liều lĩnh.

Để hạn chế tình trạng này, cùng với giải pháp đã được ngành chức năng đưa ra, trong đó chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý xuất nhập cảnh; tăng cường công tác phối hợp, hỗ trợ giữa các nước trong việc truy bắt tội phạm xuyên quốc gia. Phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển trong kiểm tra, kiểm soát khu vực biên giới, cửa khẩu và trên biển để phòng ngừa, đấu tranh, xử lý có hiệu quả người nước ngoài phạm tội. Bên cạnh đó, xử lý nghiêm các hành vi, thủ đoạn của người Việt móc nối, che dấu, tiếp tay cho người nước ngoài vi phạm pháp luật...

Toàn bộ hệ thống chính trị cơ sở cần phát huy vai trò trong phát hiện, thông báo cho cơ quan chức năng các biểu hiện nghi vấn, làm trái pháp luật của người nước ngoài trên địa bàn. Vận động quần chúng nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh tố giác tội phạm.

Đặng Nguyễn

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/canh-bao-viec-doi-tuong-nguoi-nuoc-ngoai-co-hanh-vi-pham-toi-o-nghe-an-262985.html