'Cánh chim đầu đàn' của thôn người Dao

Mỗi lần nhắc đến ông Chảo Phù Vản, người dân xã Tòng Sành (huyện Bát Xát) vẫn xem ông như 'cánh chim đầu đầu' giúp bà con vượt qua bộn bề khó khăn nơi đại ngàn heo hút để thoát khỏi đói nghèo. Ông Vản cũng chính là người đầu tiên khai phá mở đường, làm thủy lợi, góp phần mang ấm no về cho dân bản.

Tuyến đường nhựa dẫn từ trung tâm xã Tòng Sành tới nhà ông Chảo Phù Vản (thôn Tả Tòng Sành) uốn lượn như dải lụa vắt quanh triền núi. Dọc đường thấp thoáng những đồi quế xanh mơn mởn. Đồng chí Bùi Hữu Chung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tòng Sành bảo: Con đường này là thành quả của “ý Đảng lòng dân” mà ông Vản là người tiên phong khai phá đấy!

Ngày 18/8/1961, ông Chảo Phù Vản được kết nạp Đảng và là đảng viên đầu tiên của xã Tòng Sành. Đến nay, ông Vản đã có chặng đường hơn 60 năm trung thành, cống hiến cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Căn nhà gỗ của vợ chồng ông Vản nằm chót vót trên quả đồi. Xung quanh nhà, những kỷ niệm chương, huy hiệu, giấy khen và cả những bức ảnh kỷ niệm trong quá trình công tác được ông treo cẩn thận. Ông Vản năm nay gần 90 tuổi, nhưng vẫn khỏe mạnh, đôi mắt tinh tường và nụ cười hiền hậu. Dù ở cái tuổi “xưa nay hiếm”, nhưng ông vẫn còn minh mẫn khi nhớ lại lịch sử phát triển của xã Tòng Sành hơn 60 năm trước. Ông kể: Tôi là người sinh ra và lớn lên ở đây, từng chứng kiến biết bao khó khăn mà mảnh đất này đã trải qua. Trước đây, trung tâm xã Tòng Sành ở thôn Tả Tòng Sành, dân cư thưa thớt, chưa có chợ, đi lại chỉ có đường mòn xuyên rừng. Người dân muốn xuống chợ trao đổi hàng hóa phải đi bộ từ sáng sớm, ngoài cơm nắm còn phải mang theo tro bếp để rắc chống vắt. Cả xã lúc đó chỉ có một trường học ở trung tâm được làm bằng tre, nứa, nhiều nhà vì xa xôi nên buộc cho con nghỉ học, 95% dân số mù chữ; tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu phá rừng làm nương.

Con đường từ thôn Tả Tòng Sành (xã Tòng Sành, huyện Bát Xát) tới thôn Tòng Sành (xã Cốc San, thành phố Lào Cai) là thành quả của "ý Đảng, lòng dân". Từ khi có đường, người dân đi lại, giao thương thuận lợi, học sinh đến trường bớt nhọc nhằn hơn.

Ngày 20/10/1958, Huyện ủy Bát Xát ra quyết định thành lập Chi bộ Đảng khu Nhạc Sơn bao gồm 5 xã: Đồng Tuyển, Quang Kim, Cốc San, Phìn Ngan, Tòng Sành. Ngày 18/8/1961, ông Chảo Phù Vản được kết nạp Đảng và là đảng viên đầu tiên của xã Tòng Sành. Trải qua các chức danh như Trưởng Công an xã, Chủ tịch UBND xã, Bí thư Đảng ủy xã, ông Vản đã có nhiều đóng góp cho địa phương, trong đó công lao lớn nhất là mở tuyến đường từ thôn Tả Tòng Sành, xã Tòng Sành, huyện Bát Xát tới thôn Tòng Sành, xã Cốc San, thành phố Lào Cai.

Năm 1994, trụ sở UBND xã Tòng Sành chuyển về thôn Séo Tòng Sành. Với cương vị là Bí thư Đảng ủy xã, lại là người địa phương, ông Vản luôn trăn trở về việc mở tuyến đường cho dân trong thôn đi lại. “Lúc đó, các thôn vùng cao chỉ men theo lối mòn qua triền núi, cánh rừng, nhiều khi mất nửa ngày mới tới trung tâm xã. Mỗi lần có người đau ốm không thể đưa xuống bệnh viện huyện”, ông Vản nhớ lại.
Năm 1996, ông Vản cùng ông Chiểu Diếu Siểu, Phó Trưởng Công an xã sáng chuẩn bị cơm nắm lên đường, tối mịt mới trở về; không phương tiện, kỹ thuật hiện đại, 2 ông đã phải thực hiện hàng chục chuyến đi khảo sát tìm con đường ngắn nhất và thuận lợi nhất. Đến đầu năm 1997, ông hoàn thành việc khảo sát tuyến đường. Với vai trò Bí thư Đảng ủy xã, ông đứng ra vận động cán bộ và người dân tham gia mở đường. Sau 5 tháng với hơn 2.500 ngày công, tuyến đường đã hoàn thành. Năm 2012, tuyến đường được Nhà nước đầu tư mở rộng, trải nhựa…

“Trước đây, đến nằm mơ người dân Tòng Sành cũng chẳng nghĩ được một ngày ô tô về tận trụ sở UBND xã, xe máy về tận thôn xa nhất, lúa ngô thu hoạch có thương lái tới tận nhà thu mua.” - Ông Hoàng Duần Tỉn, thôn Séo Tòng Sành, xã Tòng Sành bộc bạch.

Ông Vản luôn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân.

Do thời tiết thất thường, đầu năm rét đậm, cuối năm hạn hán, sản xuất gặp nhiều khó khăn. Trong giai đoạn 1976 - 1980, xã Tòng Sành tập trung đẩy mạnh sản xuất lương thực, thực phẩm, coi đây là nhiệm vụ cấp bách, thiết thực. Ông Vản kể: Chi bộ xã đã họp bàn và quyết định tập trung làm thủy lợi, cải tạo đất sản xuất nông nghiệp. Riêng việc đào mương dẫn nước vào ruộng bậc thang, đích thân tôi cùng lãnh đạo xã Cốc San bàn phương án thay đổi khung thời vụ để cả 2 xã đều đủ nước sản xuất vào mùa khô hạn”.
Năm 1978, ông Vản cùng các cán bộ xã huy động hơn 500 ngày công đào đắp, nạo vét, gia cố, tu sửa được hàng chục mương, phai cũ. Năm 1980, tuyến mương Tả Tòng Sành cũng được hoàn thành với 100% sức dân. Đây là tuyến mương chủ lực tưới nước cho diện tích lúa và hoa màu ở 2 thôn Tả Tòng Sành và Chu Cang Hồ.

Nhờ sự vận động, hướng dẫn tận tình của ông Vản, người dân Tòng Sành đã mạnh dạn thay đổi tập quán canh tác.

Năm 2000, ông Vản nghỉ hưu nhưng vẫn tiếp tục được bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tòng Sành. Nhận thấy trong thôn chỉ một vài hộ có thu nhập ổn định do nhận thức tiến bộ, tích cực thay đổi tập quán canh tác và thường xuyên cập nhật những kiến thức mới để áp dụng vào trồng trọt, chăn nuôi, ông đã đề xuất với cấp ủy đảng đưa giống lúa lai về gieo trồng.

Nói là làm, ông đã vận động gia đình áp dụng kỹ thuật mới, đưa các loại giống lúa lai, ngô lai vào gieo trồng cho năng suất cao. Sau 1 vụ, nhìn thấy hiệu quả của gia đình bí thư chi bộ, hầu hết người dân trong thôn tin và làm theo. Từ việc “đi cùng, làm cùng” với bà con của ông Vản mà diện tích lúa nước của xã Tòng Sành cứ thế được mở rộng thêm sau mỗi mùa vụ.

Không chỉ cùng dân "diệt giặc đói", ông Vản còn là người tiên phong vận động người dân tham gia "giệt giặc dốt". "Ngày ấy tôi phải đến từng nhà dân vận động già trẻ, trai gái tham gia bình dân học vụ. Tối đến tiếng gọi nhau đi học chữ í ới rộn vang cả xóm thôn. Người dân Tòng Sành nhờ biết chữ đã thay đổi cách nghĩ, phát triển sản xuất phương thức mới để nâng cao năng suất, đồng thời xóa bỏ các tập tục lạc hậu, xây dựng nếp sống mới, việc ma chay, cưới hỏi trước đây tổ chức nhiều ngày thì nay đã được tổ chức tiết kiệm, nhanh gọn hơn." - Ông Vản kể lại.

Không chỉ tâm huyết cùng với chi bộ thảo luận, bàn bạc đưa ra những quyết sách quan trọng làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào người Dao xã Tòng Sành, ông Vản còn là người có uy tín với hơn 50 năm miệt mài nghiên cứu và dành nhiều thời gian cho việc sưu tầm, bảo tồn các di sản văn hóa người Dao. Hiện, ông đang lưu giữ nhiều cuốn sách viết bằng chữ Nôm Dao. Trong đó có rất nhiều sách có giá trị về lịch sử. Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày, ông miệt mài lưu giữ chữ Nôm Dao cho đời sau.

Ông Vản còn là người dày công, tâm huyết chép lại những trang sách cổ của người Dao để lưu truyền cho mai sau. Từ đó khơi dậy và lan tỏa niềm đam mê bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong thế hệ trẻ.

Đồng chí Bùi Hữu Chung, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tòng Sành chia sẻ: Thành công của Tòng Sành hôm nay có đóng góp to lớn của ông Chảo Phù Vản. Dù đã nghỉ hưu, nhưng mỗi khi xã và thôn có việc, ông Vản đều nhiệt tình tham gia. Gần đây nhất, ông đã hỗ trợ cấp ủy đảng, chính quyền xã biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tòng Sành trong vai trò của một “nhân chứng sống”.

Những câu chuyện của đảng viên lão thành Chảo Phù Vản trở thành chất liệu lịch sử quý báu để cấp ủy đảng, chính quyền xã biên soạn cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Tòng Sành.

Không chỉ có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng, phát triển quê hương, ông Vản còn dạy dỗ con cháu trong gia đình phải đoàn kết, luôn nỗ lực vươn lên. Hiện nay, con cháu của ông Vản đều thành đạt, trở thành những đảng viên ưu tú công tác trong các lĩnh vực khác nhau. Anh Chảo Láo Sử, con trai út của ông Vản hiện là Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tòng Sành bày tỏ: Cuộc đời và những cống hiến của bố tôi luôn là động lực để con cháu học tập, noi theo.

Gần 90 năm tuổi đời, hơn 60 năm tuổi Đảng, khi được hỏi, một đời trung kiên theo Đảng, điều gì khiến ông tự hào nhất? Gương mặt ông Chảo Phù Vản toát lên niềm vui, ánh mắt tràn đầy tự hào: Đó là tôi đã thực hiện được lời thề thiêng liêng trong ngày kết nạp Đảng!

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/360823-canh-chim-dau-dan-cua-thon-nguoi-dao