Cành đào mà biết nói năng...

Sau Tết, lẽ ra 1.000 cành đào như củi khô ấy sẽ chung số phận với hàng triệu cành đào đã tàn phai khác – bị vứt bỏ, ném vào trong xe rác và chờ tiêu hủy ở một bãi xử lý rác nào đó. Nhưng chúng đã được tiếp tục 'sống', trong một dự án nghệ thuật sắp đặt mang tên 'Rác Xuân 2018' để nói về môi trường sinh thái và xã hội.

Triển lãm “Rác Xuân 2018” được khai mạc vào chiều tối ngày 10/4 tại Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển nghệ thuật đương đại (Vicas Art Studio, 32 Hào Nam, Đống Đa, Hà Nội). Đây là lần thứ 3 triển lãm mang chủ đề “Rác Xuân” được tổ chức, nhưng là lần đầu tiên thực hiện một cách chuyên nghiệp hơn, có không gian trưng bày được bài trí, sắp đặt kỹ lưỡng.

“Rác Xuân” năm nay là một tổ hợp các tác phẩm của 4 nghệ sỹ gồm: Cá Voi (tác giả Phạm Thị Hồng Sâm), Hạt và Mầm (tác giả Hà Huy Mười), Nỗi nhớ rừng (tác giả Lê Đức Hùng) và Xã hội (tác giả Yến Năng). Các nghệ sỹ đều sử dụng cành đào tàn sau Tết để làm nguyên liệu sáng tác và thực hành nghệ thuật.

Ai tin được những cành đào bỏ đi sau Tết đã “hóa thân” vào các tác phẩm nghệ thuật

Những cành đào héo rũ rượi, cánh hoa rơi tả tơi – một mặt trái của thú chơi Tết – được tận dụng và trở thành chất liệu phù hợp nhất, đặc trưng nhất cho “Rác Xuân” để các nghệ sĩ thỏa sức sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật có ý nghĩa phê phán, nhắc nhở con người nên có thái độ tích cực hơn đối với môi trường sinh thái và xã hội. Dù mỗi tác phẩm được xây dựng trên nền ý tưởng khác nhau nhưng đều chung một thông điệp: Rác thông qua nghệ thuật có thể trở thành cái thẩm mỹ, cái hữu ích!

Ông Bùi Quang Thắng (Giám đốc Nghệ thuật của Vicas Art Studio) cho biết với triển lãm đương đại này, ban tổ chức muốn làm những tác phẩm có ý nghĩa mạnh mẽ về môi trường, vấn đề hiện đang rất được quan tâm trong cuộc sống ngày nay.

Ở triển lãm này, không có tác phẩm làm điểm nhấn, số lượng tác phẩm không nhiều nhưng mỗi tác phẩm đều có quy mô đồ sộ, thực hiện công phu, đem đến cho khán giả hết ngạc nhiên này tới bất ngờ khác.

“Hạt và Mầm” có kích thước “khủng”

Nếu “Hạt và Mầm” của nghệ sỹ Hà Huy Mười gây ấn tượng cho người xem bởi kích thước “khủng” (đường kính 3m, dài 7m) ngay từ khi bước qua cổng để tiến vào khuôn viên triển lãm, thì “Cá Voi” của tác giả Phạm Thị Hồng Sâm lại tạo sự ngạc nhiên thích thú và tò mò cho khán giả khi họ phải ngước mắt lên cao để chiêm ngưỡng chú cá voi được kết lại từ hàng nghìn cành đào cũ xuyên mình qua cái cột chống. Tạo hình này đã tận dụng bối cảnh để tạo ấn tượng thị giác và gây kích thích tương tác để gióng lên hồi chuông về nạn giết cá voi bừa bãi.

Tác phẩm “Cá Voi”

Mắt cá voi làm bằng vỏ chai nước

Trong khi đó, “Hạt và Mầm” được tạo hình như một cái hạt khổng lồ đã nứt ra, để lộ một mầm sống đang vươn mình lớn lên. Nghệ sỹ Hà Huy Mười tâm sự, sau khi gặp gỡ, trao đổi, bàn bạc với mọi người, anh quyết định “cải tạo” lại một phần tiểu cảnh cũ trên khuôn mẫu non bộ sẵn có của trung tâm Vicas Art Studio. Anh chỉ giữ lại bối cảnh không gian cũ, còn những cây cảnh (được sắp đặt theo lối trang trí hòn non bộ truyền thống) được biến thành những hạt mầm, mọc từ những cành đào để mang ý nghĩa về sự luân chuyển.

Hạt tách ra làm đôi, còn tấm gương đỏ gắn ở hạt đóng vai trò làm vật để soi chiếu toàn bộ quá trình đó và chứng kiến mầm sống nhú lên

“Hạt vỡ ra để mầm, tức là sự sống, sự vận động và phát triển, xuất hiện. Ở hai phần hạt vỡ ra (được kết từ cành đào) có gắn gương rạn là một cách soi chiếu vào số phận của chúng. Thông điệp tôi muốn gửi đến người xem là nghệ thuật có thể đến từ bất kỳ cái gì, như những thứ chúng ta nghĩ là rác. Nhưng quan trọng là ta suy nghĩ, hành động thế nào với nó. Thông qua sáng tạo nghệ thuật, rác trở thành hữu ích, nói rộng hơn là thái độ và hành vi của con người đối với rác thế nào thì rác sẽ có ý nghĩa tương ứng như vậy” – tác giả Huy Mười chia sẻ.

Độc đáo không kém là tác phẩm “Nỗi nhớ rừng” của nghệ sỹ Lê Đức Hùng. Tác phẩm này được anh chuyển thể từ một tác phẩm đã đăng đoạt giải tranh biếm họa trong “Tuổi trẻ cười” thành một tác phẩm điêu khắc bằng cành đào đã chết khô với cách tạo hình thông minh, gây ấn tượng mạnh.

Tác phẩm “Nỗi nhớ rừng”

Hai lưỡi cưa bằng mica gương được đặt đối xứng nhau, “cắt” trên nền những cành đào rối (tượng trưng cho cây chết, củi khô) màu nâu sậm hình một cây thông. Thông qua sắp đặt và tạo hình này, tác giả muốn nói tới một vấn đề “vẫn còn nguyên tính thời sự” là nạn phá rừng đang tàn phá môi trường sinh thái của con người. Không những thế, lưỡi cưa làm bằng mica gương được tác giả hy vọng sẽ trở thành điểm thu hút sự tương tác của của khán giả với tác phẩm, để họ tự soi mình vào đó và suy nghĩ ít nhiều về vấn đề môi trường sống.

Tác phẩm cuối cùng là “Xã hội” của nghệ sỹ Yến Năng được đặt trong phòng trưng bày, tách biệt với không gian ngoài trời. Nghệ sỹ cũng sử dụng mica gương và đào khô làm hai vật liệu chính để sáng tác.

“Xã hội” dưới con mắt của Yến Năng

Được biết đến là người khởi xướng các sự kiện triển lãm sắp đặt về rác, đây là triển lãm “Rác Xuân” lần thứ 3 mà Yến Năng tham gia. Tác phẩm của anh trong triển lãm lần này cũng gây ấn tượng mạnh với khán giả. Anh tạo hai hình nhân, một mặt gắn mica gương, mặt kia gắn hàng trăm, hàng nghìn cành đào khô, đứng đối mặt với nhau như đang trò chuyện. Khi có bất kỳ người nào đứng trước tấm mica gương để chiêm ngưỡng tác phẩm, ngay lập tức sẽ tạo thành 3 người (tượng trưng cho xã hội, cộng đồng người).

Xã hội là những tương tác có ý nghĩa giữa những con người cụ thể, không có cái xã hội trừu tượng. “Bạn cứ đứng trước hai người gương kia mà xem, nếu bạn cười, nói, vui vẻ thì bạn sẽ nhận lại những nụ cười vui vẻ, ngược lại, nếu bạn nhăn nhó, cáu bẩn hay sầu não bạn sẽ chỉ nhận được những phản ứng tương tự. Thông điệp tôi muốn gửi gắm là hãy chọn cho mình cách sống có lợi cho mình và cũng là cho xã hội của chúng ta” – tác giả Yến Năng nói về tác phẩm của mình.

Tác giả Yến Năng giới thiệu về tác phẩm nghệ thuật đương đại trưng bày trong triển lãm “Rác Xuân 2018”

Ông Thắng cũng cho biết, triển lãm “Rác Xuân 2018” mang ý nghĩa rất quan trọng với cả tác giả và khán giả. Với các tác giả, nghệ sĩ đã quen thuộc với những triển lãm “Rác Xuân” trước, đây là năm đầu tiên họ phối hợp làm việc với nhau, cùng bàn bạc để sắp đặt nghệ thuật trong một bối cảnh không gian chung sẵn có sao cho mỗi tác phẩm đều nổi bật, thu hút nhưng cũng vừa hài hòa khi đứng cạnh nhau.

Còn với khán giả, công chúng đến xem triển lãm, họ sẽ nhận được những thông điệp ẩn đằng sau sự tạo hình và sắp đặt của mỗi tác phẩm. Qua đó nhằm nâng cao trách nhiệm của mỗi người với môi trường xung quanh, ý thức bảo vệ môi trường sau một hành trình tự vấn, soi chiếu các tầng vấn đề qua những tác phẩm trưng bày trong triển lãm.

Minh Phương – Hiệp Happyy

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/canh-dao-ma-biet-noi-nang-80973.html