Cánh diều vàng 2017 liệu có tôn vinh phim nghệ thuật?

Dòng phim nghệ thuật vốn đã luôn thiệt thòi so với dòng phim thương mại tại các rạp chiếu của khán giả đại chúng. Ở lãnh địa của mình là các giải thưởng điện ảnh, chúng có được đối xử đúng tầm? Hãy chờ câu trả lời tại lễ trao giải Cánh diều vàng tối 15/4 tới đây.

Phim thương mại chiếm sóng trên mọi mặt trận

Điện ảnh muốn phát triển tích cực phải đi bằng cả 2 chân: Phải có dòng phim thương mại phục vụ đại chúng để xây dựng thị trường, đồng thời không thể thiếu những tác phẩm nghệ thuật mang giá trị xã hội và chiều sâu văn hóa. Như một lẽ tất yếu, phim thương mại (cũng như nhạc thị trường, sách giải trí) với những đề tài, nội dung, cách thể hiện dễ hiểu, dễ tiếp nhận luôn có cơ hội đạt được lượng khán giả đông đảo hơn. Lãnh địa của chúng là những rạp chiếu phổ thông, với khả năng thắng lợi về doanh thu phòng vé.

Trong khi đó, những bộ phim nghệ thuật (cũng như nhạc chính thống, sách nghiêm túc) với những tìm tòi, sáng tạo trong thể hiện thường khu biệt ở đối tượng khán giả chọn lọc hơn. Và nơi tôn vinh chúng là những liên hoan phim, những đánh giá, những giải thưởng điện ảnh của giới chuyên môn.

Trên thế giới là thế, chứ chưa nói đến những liên hoan phim hàng đầu của châu Âu, nơi những phim thương mại hầu như cực hiếm cơ hội xuất hiện. Ngay ở một nơi “thị trường” như Mỹ, những bom tấn Hollywood dù doanh thu tỷ đô thường cũng chỉ có cơ hội “lên tiếng” trong các bảng xếp hạng phim ăn khách của Box Office Mojo, chứ rất hiếm chen chân được vào các bảng đề cử của giải thưởng điện ảnh danh tiếng như Quả cầu vàng, Oscar…

Thế nhưng ở Việt Nam, nhiều năm trở lại đây tình hình lại không được lành mạnh cho lắm. Các bộ phim thị trường đơn giản, phổ thông oanh tạc phòng vé đã đành, nhưng đồng thời cũng tiếp tục được vinh danh ở những sân chơi chuyên môn, vượt qua cả những tác phẩm có tìm tòi nghệ thuật, có nội dung sâu sắc và giá trị xã hội. Điều này xảy ra nhiều lần ở cả 2 giải thưởng (được tiếng là) uy tín nhất trong lĩnh vực điện ảnh - Cánh Diều Vàng và Bông Sen Vàng.

Nhiều giải thưởng nhưng thiếu thuyết phục

Năm 2012, Long ruồi của đạo diễn Charlie Nguyễn - một bộ phim mang đậm tính thị trường đã không chỉ dừng lại ở việc khuấy đảo phòng vé. Phim bất ngờ đạt Cánh Diều Bạc cùng 3 giải cá nhân khác, vượt mặt những bộ phim có đề tài xã hội sâu sắc và ngôn ngữ điện ảnh hơn hẳn là Hotboy nổi loạn (đạo diễn Vũ Ngọc Đãng) và Tâm hồn mẹ (đạo diễn Phạm Nhuệ Giang).

Hotboy nổi loạn.

Năm 2014, cũng tại giải Cánh Diều, bộ phim chiến tranh được làm chỉn chu, hấp dẫn và ấn tượng Những người viết huyền thoại (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng) gần như ra về tay trắng. Trong khi đó 2 bộ phim thương mại chất lượng thấp hơn nhiều là Âm mưu giày gót nhọn (đạo diễn Hàm Trần) và Tèo em(đạo diễn Charlie Nguyễn) đạt Cánh Diều Bạc và các giải cá nhân. Thần tượng (đạo diễn Nguyễn Quang Huy) đại thắng với 6 giải thưởng, trong đó có giải Phim điện ảnh xuất sắc nhất cũng là một sự thiên lệch quá đà, khi đây chỉ dừng lại là một bộ phim giải trí sạch sẽ được làm nghiêm túc, chỉn chu.

Năm 2017 có thể coi là một vết đen trong lịch sử giải Cánh Diều khi Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng) - bộ phim được xem là xuất sắc nhất giải, trên tầm về mọi mặt so với những phim khác gần như ra về trắng tay chỉ với giải Bằng khen. Đạo diễn đã trả lại giải thưởng vì như anh phát biểu “Tôi cho rằng cách thể hiện khác lạ của Cha cõng con chính là nguyên nhân khiến BGK chưa tiếp cận được bộ phim một cách đầy đủ”.

Ở giải Bông Sen, tình hình cũng không khả quan hơn. Năm 2007, bộ phim chất lượng trung bình Hà Nội, Hà Nội của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng (hợp tác Trung Quốc) “chễm chệ” ở vị trí cao nhất, trên một loạt tác phẩm thuộc dạng “top” của thập niên lưu danh lịch sử như Mùa len trâu, Chuyện của Pao, Sống trong sợ hãi, Dòng máu anh hùng, Áo lụa Hà Đông

Năm 2013, đạo diễn vừa ăn khách vừa “mắn giải” Victor Vũ lập cú đúp với giải Bông Sen Vàng và đạo diễn xuất sắc với phim Scandal: Bí mật thảm đỏ - một bộ phim được tán thưởng nhiệt liệt, nhưng thực tế rất kém giá trị. Trong khi đó, tác phẩm được làm tâm huyết và chất lượng là Mùa hè lạnh (đạo diễn Ngô Quang Hải) ra về tay trắng.

Năm 2015, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh của Victor Vũ một lần nữa đưa anh lập cú đúp Bông Sen Vàng cho Phim và đạo diễn xuất sắc. Trong khi đây chỉ là một tác phổ thông đại chúng, nếu so với Đập cánh giữa không trung (đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp) thì lại ít tinh tế hơn.

Năm 2017, tình hình không mấy khởi sắc khi bộ phim lên ngôi là Em chưa 18 (đạo diễn Lê Thanh Sơn). Dù được làm nghiêm túc, hấp dẫn nhưng nhìn chung phim bình thường (về ngôn ngữ), kém sâu sắc (về nội dung) và ít giá trị (về mặt xã hội) so với 2 tác phẩm phim nghệ thuật là Cha cõng con (đạo diễn Lương Đình Dũng) và Đảo của dân ngụ cư (đạo diễn Hồng Ánh).

Lại đến một kỳ Cánh Diều Vàng mới, cùng chờ lễ trao giải sắp tới, xem những bộ phim nghệ thuật liệu có được tôn vinh trên sân chơi chính của mình?

Hoàng Lê

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/dien-anh/canh-dieu-vang-2017-lieu-co-ton-vinh-phim-nghe-thuat-2579893.html