Cánh én bạc đã về trời…

Sau lễ Quốc khánh 1 ngày, cựu sĩ quan Phòng không - Không quân Nguyễn Viết Tạo tổ chức buổi tiệc tại tư gia, họp mặt các cựu phi công, anh hùng thân thiết. Không một ai có thể ngờ rằng, đây là lần cuối cùng trong đời mọi người chia tay với ông - một huyền thoại của bầu trời Việt Nam vinh quang chói rạng - Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy (Bảy A).

Vẫn tác phong nhanh nhẹn và thần thái như mọi lần, ông cầm cái ly cối đến cuối bàn chạm ly mọi người, rồi kể chuyện tiếu lâm, cười ha hả rung rung bộ râu cước. Ông ngồi vào ghế của tôi để tiện bề quản không khí “dzô... dzô...”, một ông lão đã ở tuổi 84 và hơn nữa ông cũng vừa dưới quê lên. Ông nói cười vui vẻ suốt bữa tiệc gần 4 giờ đồng hồ, rượu vẫn uống đều đặn, tưng bừng không dấu hiệu của sự mệt mỏi với các đàn em, đồng đội. Bữa đó có các Anh hùng phi công Nguyễn Văn Nghĩa (Hà Nội 12 ngày đêm), phi công Ngưyễn Lương Bằng...

Suốt bữa tiệc ông một tay cầm ly rượu, một tay ôm ghì lấy lưng tôi, còn kêu người chụp hình giùm. Ông cười rất tươi nhưng nhìn nghiêng, nhận thấy dáng vóc ông xuống rất nhiều, gầy đi cũng khá nhiều so với lần gặp trước cuối tháng 4. Rồi ông nói: “Chủ nhựt này, mày với anh em sắp xếp xuống dưới tao, đám giỗ bà già. Hổm rày bả báo mộng hoài đó mậy. Mai tao dzìa, mấy thằng dưới Quân khu 9 mời họp mặt...”.

Chiến thắng trở về.

Tôi gật gù rồi khuyên ông: “Bớt nhậu nghe anh Bảy, thấy bộ yếu yếu rồi đó...”. Ông bóp mạnh vào hông tôi một cái rõ đau như để tỏ ra còn mạnh và tuyên bố: “Tao mà chết, mày để tang tao nghe mậy...”.

Giờ viết lại những dòng này, nước mắt tôi chực trào ra, đầy nuối tiếc. Tôi đã không để ý bằng giác quan về những điềm báo xấu trong lần gặp gỡ cuối cùng này. Và cũng không bao giờ còn có cơ hội gặp ông nữa rồi. Một màu đen bao trùm lên các trang mạng và báo chí những ngày qua trong suốt gần tuần lễ ông nhập viện, điều trị trong tình trạng hôn mê sâu. Rồi 21h ngày 22-9-2019, mẹ và đất mẹ đã gọi ông về cũng rất bất ngờ, đột ngột như chính cuộc đời và sự nghiệp phi thường của ông.

Huyền thoại từ đất bùn đứng lên

Khi còn là một phi công huyền thoại, đến lúc về nghỉ hưu với ruộng vườn, trong lòng ông chỉ có hai nỗi nhớ day dứt, khôn nguôi là mẹ ông và Bác Hồ. Năm sắp bước vào tuổi 17, học được mấy con chữ ở trường làng thì cha của Nguyễn Văn Hoa (tên ông hồi nhỏ) nhờ người mối mai hỏi cưới vợ cho yên bề gia thất giữa cảnh đất nước loạn lạc chiến tranh. Ông chỉ kịp nói với mẹ, rồi bỏ trốn vào bưng biền theo bộ đội.

Không ngờ lần đó, ông đi biền biệt cho đến ngày tập kết ra Bắc, rồi sang Trung Quốc học lái máy bay chiến đấu thuộc thế hệ đầu tiên cho mãi đến ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước. Chính đất mẹ Sa Đéc, Đồng Tháp đã dưỡng nuôi tạo nên mạch sống mãnh liệt xuyên suốt cuộc đời ông như suối nguồn không bao giờ cạn.

Ông trở thành một phi công huyền thoại lái MiG-17 tiêm kích, bắn hạ 7 chiến cơ được mệnh danh nào là những “Thần sấm”, “Con ma” của không lực Hoa Kỳ hùng mạnh nhất thế giới, phi công bỏ mạng hoặc nhảy dù.

Ông nói, tất cả sức mạnh và trí tuệ mà ông cống hiến cho Không quân nhân dân Việt Nam là sự khát khao, cháy bỏng không biên độ, không định lượng về một ngày giải phóng miền Nam, gặp lại người mẹ mà mấy mươi năm đêm nào ông cũng nằm mơ. Muốn giải phóng miền Nam, bằng mọi giá phải bảo vệ vững chắc vùng trời miền Bắc.

Chính tình yêu bất diệt ấy mà mỗi lần lên buồng lái xuất kích, chỉ rất ít phút bay trên bầu trời ông như một con chim cắt săn mồi thiện xạ nhất, chính xác nhất cho dù đối phương rất to lớn, hiện đại đến đâu. Nhiều phi công chiến đấu của Mỹ nghe qua điện đàm biết biên đội xuất kích có Nguyễn Văn Bảy lập tức cuống cuồng, hoảng sợ mất tinh thần chiến đấu trước những chiếc MiG-17 huyền thoại.

Năm 1989, rời binh chủng ông về nghỉ hưu tại khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. Vào thời điểm này, đất nước còn nhiều khó khăn, tiền lương hưu của ông và bà không đủ nuôi các con đang lớn như thổi từng ngày. Ông bà quyết định về xã Tân Phú Đông, ngoại ô TP Sa Đéc ngày nay dọn vườn, móc mương, lên liếp trồng cây, đào ao nuôi cá, nuôi heo, gà... Căn nhà này có rất nhiều kỷ niệm buồn vui với cuộc đời Anh hùng phi công hai lúa.

Đại tá, Anh hùng phi công Nguyễn Văn Bảy bên chiếc MIG-17 huyền thoại.

Thời này, Đoàn Thanh niên phát động các trường học phong trào nuôi heo đất theo gương anh hùng Bảy A. “Heo đất ông Bảy” ra đời từ những cuộc nói chuyện, giao lưu với học sinh và các cơ quan. Ông dành số tiền “bồi dưỡng” cho hết vào heo đất đến hết mùa hè các em nhập học, ông đập heo mua tập sách, bút mực tặng các cháu học sinh nghèo.

Cũng căn nhà vườn nho nhỏ này, năm 2009 ông tiếp vị khách đặc biệt là Trung tướng Không quân Hoa Kỳ GS Steve Richie - một đối thủ của ông 40 năm trước từng lái máy bay F4, tham chiến nhiều trận đối đầu trên bầu trời miền Bắc. Tướng Steve Richie dẫn theo một cô gái là con của một phi công đã bị ông bắn hạ không kịp nhảy dù. Cô muốn biết sự thật từ chính đối phương lừng lẫy do có nhiều thông tin không chính xác rằng cha cô đã nhảy dù xuống đất Lào.

Hai phi công thuộc hạng ACES của không quân thế giới đã ngồi bên nhau cười nói, chuyện trò như hai người bạn rất lâu chưa gặp nhau. Không còn ranh giới nào của chiến tranh hay thù hận, ngay cả cô con gái của phi công đối phương ông cũng sẵn sàng nhận làm con nuôi nếu cô muốn. Ông hào hứng kể: Hôm đó tao mần một con gà ác nướng nước mắm, thêm rau cỏ đầy vườn và mấy con lóc nưới trui. Ông phi công Mỹ ăn ngon lành và uống rượu là đà với tao như hai thằng bạn.

Mọi người quen biết ông thường chung một nhận xét: Ông mát tay dữ lắm, trồng cây, nuôi cá, làm lúa... cái gì cũng cho năng suất, chất lượng tốt nhất. Thế nhưng không phải bao giờ mọi thứ cũng diễn biết tốt đẹp như ý. Từng vẫy vùng trên bầu trời khiến phi công đối phương kinh khiếp, từng bị trúng đạn thủng buồng lái hơn 82 lỗ, ông vẫn bình tĩnh, kiên gan lái máy bay về sân đáp không chịu nhảy dù theo lệnh chỉ huy.

Vậy mà, tết năm 1986, thay mặt quân chủng, ông mang đào Nhật Tân đi tặng cho các đơn vị Phòng không - Không quân phía Nam lại bị tai nạn trực thăng. Chẳng hiểu sao cậu phi công trẻ nổ máy cất cánh tại sân vận động Bạc Liệu chạm vào một nhánh cây khiến cả chiếc trực thăng đổ nhào. Rất may mọi người chỉ bị thương nhẹ.

Rồi những năm đầu 2000 cả miền Tây rộ lên phong trào nuôi cá basa, lập làng bè..., ông cũng nuôi mấy ao hàng trăm tấn cá lớn nhanh như thổi nhưng do chưa nhiều kinh nghiệm về kỹ thuật bơm oxy vào thùng giữ cho cá thở trên đường vận chuyện từ Sa Đéc lên thành phố, cá chết nổi trắng thùng xe tải và ông cũng lao đao theo trắng tay... Do đó, năm 2009, ông bà giao nhà cho con gái rồi chuyển về dưới ấp Hậu Thành, xã Hòa Thành, huyện Lai Vung dựng chòi bên mép ruộng bàu sinh sống. Đây là mảnh đất của ông bà, cũng là nơi ông đã sinh ra và lớn lên...

Chuyện nước cũng là chuyện nhà

Bất kỳ ai đến chơi nhà ông đều phải bắt đầu bằng những ly rượu đế với các thứ mồi đồng sẵn có quanh vườn. Ngồi với ông không bao giờ chán mà cũng dễ quên thời gian. Ông kể chuyện về tuổi trẻ, về lái máy bay chiến đấu, về gia đình... và những tiếu lâm thời lính. Có lần kéo dài sốt ruột, thím Bảy (Trần Thị Niên) người bạn đời của ông phải nhắc liên tục: bớt uống đi ông, người không khỏe, mệt lắm đó. Nói cầm canh thôi, chứ ông vào chuyện như người nhập đồng khó dứt ra được.

Ông nhớ nhất lần đầu tiên gặp Bác Hồ khi lớp tập huấn tại Lạng Sơn chuẩn bị lên đường sang Côn Minh, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc học lái máy bay tiêm kích khóa đầu tiên vào cuối năm 1960. Bác đến thăm cán bộ, chiến sĩ và dặn dò đại ý là: Các cháu là học sinh, chiến sĩ... vì sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước phải cố gắng học tập, rèn luyện thật tốt để sau này trở thành những phi công chiến đấu thật giỏi, và còn chở Bác vào thăm miền Nam nữa chứ... Hôm đó, ông Bảy tự dưng rơi nước mắt vì nhớ quê nhớ mẹ. Ông cũng biết cụ thân sinh của Bác Hồ là Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc đang yên nghỉ tại quê hương Cao Lãnh.

Anh hùng Nguyễn Văn Bảy gặp các cựu phi công Mỹ sau 40 năm.

Giữa năm 1965, những phi công đầu tiên của Việt Nam lái máy bay về nước và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ không phận Tổ quốc. Trong những năm 1966 đến 1968, phi công Nguyễn Văn Bảy cùng đồng đội nhiều lần xuất kích, hạ 7 máy bay chiến đấu của giặc Mỹ các loại. Có trận đánh đẹp như huyền thoại làm nên chiến công lịch sử của Không quân Việt Nam anh hùng.

Ngày 5-9-1966, ông xuất kích cùng với Võ Văn Mẫn (anh hùng, liệt sĩ, quê Bến Tre) chặn đánh địch đang bay vào Phủ Lý, Hà Nam. Nhác thấy bóng MiG-17, máy bay địch bay vòng sau đám mây đen. Ông xé mây bay tắt ngang đón đầu bắn hạ chiếc F8 và lệnh cho phi công Võ Văn Mẫn thả thùng dầu phụ đuổi theo bắn hạ chiếc thứ hai. Chỉ trong 45 giây, hai phi công người miền Nam đã bắn hạ 2 chiếc F8 rơi cách nhau 10km và hiên ngang trở về mặt đất an toàn.

Ngày 1-1-1967 Thượng úy Nguyễn Văn Bảy là một trong 3 phi công đầu tiên được Chủ tịch Hồ Chí Minh ký tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Cũng trong năm này ông đã đặt tên con trai đầu lòng là Phi Hùng để kỷ niệm.

Trước đó một năm, anh phi công Bảy thương thầm nhớ trộm cô Niên là đồng hương đang học trường Học sinh miền Nam gần sân bay dã chiến Kiến An, Hải Phòng. Tiệc cưới có bánh ngọt, trà nước bày ra trong khu vực sân bay, chú rể từ trên trời hạ cánh xuống rồi tất tả được đồng đội đưa đến làm lễ cưới. Vừa xong thủ tục tổ chức, còi báo động vang lên, chú rể lại chạy tất bật ra máy bay chuẩn bị xuất kích.

Có lần ông nói vui: Đời tao ngộ lắm mậy. Không có cái gì mà từ A đến Z kể cả lúc nhậu rượu. Đang hớt tóc cho anh em trong sân bay giờ trực chiến, cắt được nửa đầu thì báo động. Tao xách nón nhảy lên máy bay bắn hạ một chiếc rồi quay về lôi ra hớt xong phần còn lại, ai cũng ngạc nhiên. Cưới vợ chưa kịp động phòng thì báo động...

Nhưng có một điều mà ông rất tâm đắc, đó là: Từ ngày về nghỉ hưu đến giờ, tao chưa lần nào nằm ngủ mơ thấy máy bay, đánh nhau, chiến tranh. Có lẽ vì tao đã trả xong nợ nước và chỉ mê mảnh đất, vườn cây, ao cá và sống theo gương Bác nên rất thanh thản, nhẹ nhàng.

Những lần gặp Bác Hồ ông rất ấn tượng và mãi mãi không bao giờ quên. Nhưng ông thật sự đã khóc như đứa trẻ mất cha đó là ngày lễ tang Bác Hồ. Ông là người được phân công dẫn dắt phi đội máy bay nhả khói bay qua quảng trường Ba Đình, chào tiễn biệt Bác Hồ kính yêu và khi về đến sân bay ông đã ngồi khóc hu hu...

Trong hai ngày 24 và 25, tang lễ ông được tổ chức tại Nhà tang lễ Bộ Quốc phòng (số 5 Phạm Ngũ Lão, Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh). Sau đó, linh cữu của Đại tá, Anh hùng Nguyễn Văn Bảy sẽ được đưa về an táng tại TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp. Ông là người anh hùng của nhân dân, một anh hùng nông dân rặt Nam bộ, sống anh hùng, giản dị, chân chất không chút phù hoa, danh lợi nào.

Ông là như thế, mãi mãi trong lòng mọi người. Ông mất nhưng vẫn còn, còn mãi những câu chuyện huyền thoại về Anh hùng phi công hai lúa...

Trần Hiếu

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/phong-su/canh-en-bac-da-ve-troi-563221/