Cảnh giác dịch sởi trước thềm khai giảng năm học mới

Báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm 2018 đến nay cả nước có 1.553 trường hợp sốt phát ban nghi sởi, trong đó 744 trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với sởi, có một trường hợp tử vong do sởi tại tỉnh Hưng Yên.

Với dịch sởi, tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu phòng chống. Ảnh: Lê Phương

Những ngày gần đây, các bệnh viện nhi trên địa bàn TP.HCM liên tục ghi nhận hàng chục ca trẻ mắc bệnh sởi nhập viện.

Tại Hà Nội, theo ông Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội, trên địa bàn đã ghi nhận các ca mắc sởi tại hầu hết các quận, huyện, thị xã; 90% người mắc sởi chưa tiêm vắc xin và nhiều trường hợp dưới 1 tuổi.

Cũng theo ông Cảm, đây đang là thời điểm năm học mới bắt đầu, nguy cơ trẻ mắc bệnh lây lan cho trẻ khác rất lớn do vậy các bậc phụ huynh cần theo dõi sát diễn biến sức khỏe của con em mình, nếu thấy dấu hiệu nghi ngờ cần cho trẻ nghỉ học đi kiểm tra sức khỏe.

Theo thống kê, từ đầu năm 2018 đến nay, Khoa Nhi, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận rải rác khoảng 40 trường hợp mắc sởi nặng. Trong số các bệnh nhân nhập viện, đa phần là trẻ dưới 5 tuổi chưa được tiêm chủng phòng bệnh sởi.

Ghi nhận thực tế từ số trẻ mắc sởi thời gian qua cho thấy số ca mắc sởi năm 2018 nặng hơn những năm trước, nhiều trẻ nhập viện trong tình trạng biến chứng viêm phổi, suy hô hấp, phải thở máy...

Trước tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã có công văn gửi UBND các tỉnh, TP đề nghị tăng cường công tác phòng chống bệnh sởi; xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai sử dụng vắc xin sởi - rubella để tiêm chủng cho trẻ từ 1- 4 tuổi tại huyện có nguy cơ cao trên địa bàn 6 tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Thanh Hóa...

Với dịch sởi, để tránh bùng phát thành dịch, các chuyên gia y tế khuyến cáo, đối với gia đình có trẻ dưới 5 tuổi cần đưa trẻ tiêm chủng vắc xin phòng bệnh sởi, phải đảm bảo trẻ được tiêm mũi vắc xin phòng ngừa sởi khi trẻ tròn 9 tháng tuổi và mũi thứ 2 phải được tiêm khi trẻ được 18 tháng.

Các chuyên gia y tế cũng khuyến cáo các bậc phụ huynh hạn chế để trẻ tiếp xúc với người có triệu chứng đường hô hấp hoặc sốt hoặc phát ban. Cha mẹ và người thân trong gia đình phải thực hiện rửa sạch tay bằng xà phòng trước và sau khi chăm sóc trẻ.

"Nếu phát hiện trẻ có triệu chứng sốt hoặc phát ban cần đưa trẻ đi khám bệnh tại cơ sở y tế, hạn chế cho trẻ bệnh tiếp xúc với trẻ khác để đề phòng lây nhiễm ra cộng đồng", các chuyên gia y tế khuyến cáo.

Liên quan đến tình hình khám chữa bệnh thời gian qua, theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, trong 3 ngày nghỉ lễ (31/8 - 3/9), các BV trực thuộc Sở đã cấp cứu cho 247 trường hợp tai nạn giao thông.

Cụ thể, trong tổng sổ 713 ca khám do tai nạn có 247 ca do tai nạn giao thông, 81 ca do tai nạn lao động, 307 ca do tai nạn sinh hoạt, 61 ca tai nạn khác, 2 trường hợp phẫu thuật chấn thương sọ não, 3 trường hợp tử vong. Ngoài ra, cũng trong dịp nghỉ lễ này, các BV đã tiếp nhận khám cho hơn 29.000 người đến khám bệnh, chào đón 657 trẻ chào đời.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/canh-giac-dich-soi-truoc-them-khai-giang-nam-hoc-moi.aspx