Cảnh giác giả mạo trên mạng xã hội

Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua mạng ngày càng nhiều, với hành vi, thủ đoạn ngày càng tinh vi. Bộ Công an thường xuyên thông tin, cảnh báo hành vi lừa đảo, giả mạo mới, để nâng cao nhận thức của người dân.

Tạo hình ảnh, video, giọng nói lừa đảo

Hành vi sử dụng công nghệ Deepfake AI, tạo ra hình ảnh, video, giọng nói để lừa đảo dù không mới, nhưng nếu người dân không rõ phương thức lừa đảo, vẫn mắc lừa chuyển tiền. Theo ngành chức năng, Deepfake quét video và ảnh chân dung của một người, sau đó hợp nhất với video riêng biệt nhờ AI và thay thế các chi tiết trên gương mặt (như mắt, miệng, mũi) với chuyển động gương mặt, giọng nói như thật. Càng có nhiều hình ảnh gốc thì AI càng có nhiều dữ liệu để học. Deepfake có thể thay đổi khuôn mặt của người này sang người khác trong video với độ chân thực đến kinh ngạc. Hiện nay, Deepfake đang trở thành nỗi ám ảnh, là “bóng ma” trong thế giới Internet, được tội phạm dùng để lừa đảo.

Để tránh bị lừa, người dùng nên kiểm tra nguồn tin khi được hỏi vay tiền, yêu cầu chuyển khoản. Khi gặp trường hợp như vậy, nên gọi điện thoại lại xem người thân, bạn bè có thật sự mượn tiền không; xác minh số tài khoản có đúng họ tên không; yêu cầu gửi hình ảnh căn cước công dân; nhờ ngân hàng kiểm tra số căn cước công dân trùng với số tài khoản không…

Ngoài ra, do cắt ghép, chỉnh sửa và dù đã được công nghệ hỗ trợ, song hầu hết video đều có chất lượng thấp, mờ ảo, chập chờn như đang ở nơi sóng yếu. Đó là một trong những dấu hiệu để người dân nhận biết, cảnh giác.

Vì thế, người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác; bảo mật thông tin liên quan đến tài khoản mạng xã hội. Bởi, khi đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội thông qua ứng dụng của bên thứ 3, rất dễ bị mất quyền đăng nhập vào tài khoản. Thông qua việc chiếm đoạt quyền đăng nhập vào tài khoản mạng xã hội, các đối tượng xấu dùng công nghệ Deepfake để tương tác với bạn bè, người thân của bị hại rồi thực hiện hành vi phạm tội.

Lập trang mạng xã hội giả mạo

Thời gian qua, các đối tượng lợi dụng mạng Internet để lập trang mạng xã hội giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của lực lượng công an để tuyên truyền nội dung xuyên tạc, sai trái về Đảng, nhà nước và lãnh đạo các cấp. Ngoài ra, các đối tượng xấu lợi dụng việc này để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản và hành vi vi phạm pháp luật khác.

Theo Bộ Công an, để xử lý hành vi này, cơ quan chức năng căn cứ vào các quy định pháp luật hiện hành, như: Điểm c Khoản 1, Điều 18 Luật An ninh mạng 2018 quy định về hành vi sử dụng không gian mạng, công nghệ thông tin, phương tiện điện tử để vi phạm pháp luật về an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội bao gồm giả mạo trang thông tin điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân; Điều 155 và 156 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội làm nhục người khác và tội vu khống; Điều 174 và 290 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản và tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản; Điểm d, Khoản 2, Điều 12 Luật Công nghệ thông tin năm 2016 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm, như: Cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin nhằm xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của công dân; Khoản 3, Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP quy định về trang thông tin điện tử đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân... Khi phát hiện các hành vi phạm tội, tùy theo tính chất, mức độ của hành vi, cơ quan chức năng sẽ xử lý hành chính hoặc hình sự.

Để nhận biết các trang mạng xã hội giả mạo, sử dụng tên, hình ảnh, ký hiệu, biểu tượng của lực lượng công an do các đối tượng xấu lập nên, công dân cần kiểm tra, đối chiếu với các nguồn tin do cơ quan chức năng của Bộ Công an công bố trên hệ thống Cổng thông tin điện tử chính thống trong nước; xem xét kỹ nội dung, tiêu đề bài viết.

Trên các trang giả mạo thường có tiêu đề “câu khách”, gây sự tò mò, hiếu kỳ của người đọc, có dấu hiệu giật tít, câu “view”, bố cục lộn xộn, hình ảnh, video có dấu hiệu bị chỉnh sửa, cắt ghép. Các trang mạng giả mạo thường có tên miền nước ngoài (.com, .org), không có đuôi tên miền Việt Nam (.vn).

Bên cạnh đó, trang mạng xã hội của các cơ quan, tổ chức chính thống thường đã được đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và được cung cấp dấu bản quyền, có dấu “tích xanh”. Đồng thời, công dân cần kiểm tra thông tin, đọc kỹ nội dung trên trang mạng xã hội để xác định thật hay giả, tham vấn các cơ quan hoặc cá nhân có trách nhiệm.

K.N

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/canh-giac-gia-mao-tren-mang-xa-hoi-a360890.html