Cảnh giác thủ đoạn lừa đảo của các 'bạn trai' Tây Phi (Kỳ 1: Lộ diện đường dây lừa đảo xuyên biên giới)

Như Báo Công an TP Đà Nẵng đã thông tin, thông qua mạng xã hội facebook, nhiều đối tượng trong và ngoài nước đã câu kết lừa đảo nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng. Vừa qua, CQĐT CA tỉnh Quảng Nam đã triệt xóa đường dây lừa đảo quốc tế do một số đối tượng người nước ngoài cầm đầu, thu giữ nhiều giấy chuyển tiền từ Việt Nam về Nigieria với số tiền hơn 100 tỷ đồng. Vậy phương thức, thủ đoạn mà các đối tượng hoạt động như thế nào, chúng tôi tiếp tục thông tin đến quý bạn đọc.

CQĐT CA tỉnh Quảng Nam đấu tranh với một số đối tượng liên quan.

CQĐT CA tỉnh Quảng Nam đấu tranh với một số đối tượng liên quan.

Sập bẫy người tình “ảo”

Trước đó, nhiều nạn nhân là phụ nữ trong và ngoài tỉnh đã đến CA tỉnh Quảng Nam trình báo về việc bị “trai Tây” quen qua mạng xã hội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Theo cơ quan chức năng, trong vòng 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có hơn 10 nạn nhân bị lừa dưới hình thức “quà tặng” từ bạn Tây. Số tiền mà các nạn nhân bị lừa bằng thủ đoạn này rất lớn, mỗi trường hợp từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng.

Một trường hợp bị người tình “ảo” lừa tiền là chị N.T.P. (1985, trú TX Điện Bàn, Quảng Nam). Theo chị P., thông qua mạng facebook, chị kết bạn với một người nước ngoài tên là Muller Fuy là “Tổng tham mưu Quân đội Hoa Kỳ” đóng quân tại Afghanistan. Sau thời gian làm quen, Muller tỏ tình với chị P. và tâm sự muốn gửi tiền về cho chị P. Vài ngày sau, Muller Fuy điện thoại cho chị P. thông báo đã gửi quà, nhưng do quà kèm với số tiền lớn nên cơ quan chức năng Việt Nam tạm giữ tại Hà Nội. Ngay sau đó, một “nhân viên” công ty phát chuyển nhanh tại Hà Nội điện thoại cho chị P. yêu cầu nộp phạt 37 triệu đồng. Nghe vậy, chị P. liền nộp tiền phạt vào tài khoản mang tên... Vũ Văn Linh. Sau đó, Muller tiếp tục bảo chị P. đóng hàng loạt “phí” với số tiền lên đến 900 triệu đồng. Không có tiền, chị P. phải cầm cố nhà đất để “đóng phạt”, “đóng phí” nhưng chờ mãi vẫn không thấy giấy mời nhận quà, chị P. liên lạc với Muller thì anh ta đã “hô biến”. Biết mình bị lừa, chị P. làm đơn tố cáo gửi CA tỉnh Quảng Nam.

Với thủ đoạn tương tự, chị Hồ Thị Anh Th. (1985, trú TP Tam Kỳ, Quảng Nam) quen một người nước ngoài tên là Allen Walter. Sau một thời gian, Allen Walter nói với chị Th. rằng muốn gửi quà tặng cho chị qua đường bưu chính. Sau đó, một người phụ nữ xưng tên Đỗ Tuyết Trần, giới thiệu là nhân viên Cty chuyển quà tại Việt Nam điện thoại yêu cầu chị Th. đóng phí nhận hàng, tiền phạt, phí bảo hiểm, mã kích hoạt tài khoản ngân hàng... lên đến hơn 581 triệu đồng. Điều đáng nói, tất cả các khoản trên đều chuyển vào tài khoản mang tên Đỗ Tuyết Trần. Sau khi nộp đủ các loại tiền, nhưng quà đâu chẳng thấy, bạn trai Tây cũng “mất tích” nên chị Th. mới biết bị lừa, gửi đơn đến cơ quan CA để tố cáo.

Hình ảnh các đối tượng lừa đảo gửi cho nạn nhân để “lòe” tiền và quà bị “ách” lại tại sân bay.

Lừa đảo xuyên biên giới

Sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng CSHS CA tỉnh Quảng Nam đã triển khai biện pháp nghiệp vụ điều tra, xác minh. Qua tra cứu tại các ngân hàng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, CQĐT xác định người đứng tên mở tài khoản là Hồ Thị Anh Thư (1985, trú đường Phan Châu Trinh, TP Tam Kỳ, Quảng Nam), một trong những đầu mối nhận tiền lừa đảo để chuyển cho đối tượng người nước ngoài và hưởng hoa hồng.

Bước đầu Thư khai nhận, tháng 5-2018, thông qua mạng xã hội facebook, Thư có quen biết với người đàn ông tên David Daniel Ivan. Theo yêu cầu của người đàn ông này, Thư đã mở 5 tài khoản ngân hàng thanh toán quốc tế và được trả công 20 triệu đồng rồi gởi theo đường bưu điện cho người đàn ông tên Minh để chuyển sang Campuchia cho đồng nghiệp của David. Cũng theo yêu cầu của David Daniel Ivan, mỗi lần tiền lớn chuyển vào tài khoản vượt quá hạn mức thanh toán của thẻ quốc tế thì Thư rút tiền mặt để nộp hoặc thông qua Internet Banking chuyển tiền cho 2 đối tượng gồm: Lưu Thị Kim Ngân và Đỗ Viết Đại (cùng trú TP Hồ Chí Minh) và hưởng 10% hoa hồng. Từ tháng 5-2018 đến ngày 28-12-2018, trong 5 tài khoản của Thư tổng số tiền người khác chuyển vào hơn 21 tỷ đồng.

Qua xác minh, CQĐT xác định người đàn ông tên Minh mà Thư gửi thẻ ATM vào chính là Diệp Quang Minh (1982, trú TP HCM, phụ xe tuyến TP HCM - Campuchia). Qua làm việc, Minh khai nhận khoảng tháng 5-2018, Minh nhiều lần nhận chuyển các thẻ ATM từ Việt Nam sang Campuchia cho một người ngoại quốc da màu có tên Ezechiedo. Cũng trong tháng 5-2018, Minh nhận hai thẻ ATM tên Hồ Thị Anh Thư từ Ezechiedo chuyển về Việt Nam giao cho Thư một thẻ, thẻ còn lại giao cho một người bạn của anh ta tại TP HCM...

Cũng qua xác minh, CQĐT xác định, Lưu Thị Kim Ngân có chồng là Đoàn Minh Tuấn (1973, trú tỉnh Cà Mau), cả hai đang sinh sống tại Campuchia. Ngân đã mở nhiều tài khoản ngân hàng trong nước và ủy quyền cho Trần Phương Toàn (1993, trú Q. 8, TP HCM) và Ngô Thị Đoan Trang (1964, trú TP Châu Đốc, tỉnh An Giang) để thực hiện các giao dịch qua tài khoản ngân hàng của Ngân. Tuấn thuê Trang và Toàn làm đầu mối thu gom để chuyển, nhận tiền từ Việt Nam sang Campuchia và ngược lại để lấy 0,25% trên tổng số tiền chuyển. Hàng tháng, Trang được nhận 10 triệu đồng, Toàn nhận 9 triệu đồng từ vợ chồng Ngân, Tuấn. Từ tháng 5 đến 6-2018, nhiều lần Ngô Thị Đoan Trang và Trần Phương Toàn nhận tiền từ tài khoản của Hồ Thị Anh Thư chuyển đến tài khoản của Lưu Thị Kim Ngân qua các ngân hàng của Việt Nam...

(còn nữa)

TRẦN TÂN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/62_204372_canh-giac-thu-doan-lua-dao-cua-cac-ban-trai-tay-phi-ky-1-lo-dien-duong-day-lua-dao-xuyen-bien-gioi-.aspx