Cảnh giác với chứng mất nước khi thi đấu của các vận động viên bơi lội

Bơi lội là một trong các đấu trường trọng điểm của thể thao Việt Nam tại SEA Games 30. Vì vậy, sức khỏe và thể lực của các vận động viên là vấn đề rất được quan tâm.

Đặt mục tiêu giành từ 11 đến 14 HCV, đội tuyển bơi Việt Nam đến với SEA Games 30 với 25 thành viên, trong đó có 18 tuyển thủ. Ánh Viên vẫn là cái tên được kỳ vọng nhiều nhất, dự kiến đăng ký thi đấu 12 nội dung với chỉ tiêu 8 HCV - bằng với thành tích ở SEA Games 29. Tính đến ngày 8/12, Ánh Viên đã xuất sắc giành 6 HCV.

Ánh Viên là vận động viên bơi lội được kỳ vọng giành nhiều HCV tại SEA Games 30. Ảnh: Minh Chiến.

Ánh Viên là vận động viên bơi lội được kỳ vọng giành nhiều HCV tại SEA Games 30. Ảnh: Minh Chiến.

Trong khi thi đấu bơi lội, vấn đề sức khỏe được nhiều vận động viên quan tâm đó là chứng mất nước. Giống với các hình thức vận động khác, bơi lội cũng khiến người tập đổ mồ hôi, thậm chí còn dễ gây mất nước hơn các hoạt động thể chất khác. Sự khác biệt lớn nhất chính là người bơi đổ mồ hôi trong môi trường nước nên thường không nhận ra mình đổ mồ hôi nhiều thế nào và mức độ mất nước của cơ thể mình ra sao.

Mất nước trong khi bơi nguy hiểm thế nào?

Cơ thể cần nước để hoạt động, đặc biệt là khi vận động thể thao. Nước rất cần thiết trong việc vận chuyển các tế bào hồng cầu đi khắp cơ thể, cũng như sự hình thành protein và glycogen. Tất cả chức năng này đều cần thiết cho sự tăng trưởng và phục hồi của cơ bắp. Hydrat hóa (trạng thái giữ nước trong cơ thể) cũng giúp điều chỉnh nhiệt độ cơ thể và giúp bôi trơn các khớp, 2 yếu tố quan trọng để đạt thành tích tốt trong bơi lội.

Khi thiếu hydrat hóa, vận động viên có thể sớm rơi vào tình trạng mệt mỏi, phản ứng chậm hơn, tăng nguy cơ chấn thương và tăng nguy cơ bị chuột rút cả trong và ngoài bể bơi. Mất nước ở bất kỳ mức độ nào đều có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của vận động viên.

Vì sao khó nhận ra cơ thể mất nước khi bơi?

Cơ thể con người không thấm hút nước như bọt biển. Vì vậy, bơi lội trong nước không làm giảm nguy cơ bị mất nước.

Đổ mồ hôi là phản ứng tự nhiên của cơ thể khi gắng sức. Nó dễ dàng xảy ra cả trong và ngoài môi trường nước. Vận động viên có thể mất tới 4 lít nước mỗi giờ tùy vào điều kiện thi đấu. Việc đổ mồ hôi khi bơi có thể không nhiều như khi chạy hay đạp xe nhưng nguy cơ bị mất nước khi bơi vẫn rất cao.

“Ngộ nhận phổ biến nhất chính là suy nghĩ 'tôi không đổ mồ hôi khi bơi’. Và điều này hoàn toàn sai lầm”,TS G. John Mullen, cựu vận động viên bơi lội, nhà vật lý trị liệu tại công ty COR (Santa Clara, California, Mỹ) nói.

Mullen giải thích khi chạy hay đạp xe, bạn đổ mồ hôi, bạn cảm thấy nóng và có một cơ chế bên trong cơ thể thúc giục bạn nên uống nhiều nước hơn. Khi bơi, bạn không cảm thấy nóng như vậy, nhưng chắc chắn vẫn tăng nhiệt độ cơ thể và tăng nhịp tim. Những yếu tố đó đều khiến lượng nước trong cơ thể người bơi giảm xuống dưới ngưỡng bình thường.

Làm thế nào để tránh mất nước khi bơi?

Viện Y học Mỹ khuyến cáo nam giới tuổi từ 19-30 nên uống 3 lít/ngày, trong khi đó, phụ nữ độ tuổi 19-30 nên uống 2 lít/ngày.

Đó là lượng nước khuyến cáo cho người trưởng thành bình thường, tuy nhiên vận động viên bơi lội cần ý thức được lượng nước họ mất khi bơi. Đó là điều rất khó bởi họ thường không biết mình có đổ mồ hôi hay không, chưa nói đến đổ mồ hôi nhiều hay ít.

Cách chính xác nhất để kiểm tra mức độ mất nước của vận động viên chính là kiểm tra nước tiểu. Nước tiểu có màu từ nhạt đến vàng nhạt cho thấy sự hydrat hóa diễn ra bình thường, nước tiểu càng sẫm màu chứng tỏ độ mất nước càng nghiêm trọng. Ngoài ra, các vận động viên có thể nhận biết sự mất nước qua các dấu hiệu khác như khát, nhức đầu, mệt mỏi, chóng mặt.

Rượu và caffeine có thể gây mất nước vì chúng là chất lợi tiểu. Chất này làm tăng việc tạo nước tiểu bằng cách ngăn chặn hormone được sử dụng để tái hấp thu nước ở thận. Sự gia tăng nước tiểu này tương quan trực tiếp với sự mất nước của cơ thể.

Vì vậy, để hạn chế tình trạng mất nước, vận động viên bơi lội nên uống ít nhất 470 ml nước 2 giờ trước khi bơi và thường xuyên bù nước trong quá trình tập luyện, thi đấu. Việc bù nước sau khi tập luyện hay thi đấu cũng cần thiết để thúc đẩy phục hồi cơ bắp.

Ngoài nước lọc, các vận động viên có thể cần bổ sung một số loại nước tăng lực hoặc nước bù điện giải để thay thế hàm lượng muối của cơ thể bị mất đi khi đổ mồ hôi. Điều quan trọng là giữ cho chất điện giải của họ được cân bằng. Sự cân bằng chất điện giải là chìa khóa để đạt kết quả luyện tập, thi đấu tốt nhất.

Ngân Hà

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/canh-giac-voi-chung-mat-nuoc-khi-thi-dau-cua-cac-van-dong-vien-boi-loi-post1023101.html