Cảnh giác với thiết bị y tế trôi nổi

Thời gian qua, khi đại dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước, thì cũng có không ít người dân ở Hà Nội có tâm lý lo xa, chủ động tìm mua các loại thiết bị y tế để phòng dịch…

Nắm bắt nhu cầu đó, nhiều đối tượng tiến hành rao bán tràn lan các loại máy đo độ bão hòa oxy trong máu (SpO2); thiết bị test nhanh, thậm chí cả... máy thở không rõ nguồn gốc trên mạng xã hội. Cơ quan chức năng cảnh báo, việc mua thiết bị y tế trôi nổi tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khỏe, tính mạng của người bệnh.

Loạn giá thiết bị

Với vai là nhà buôn, đang tìm mối để nhập hàng về bán chúng tôi đã vào nhiều group kín trên mạng xã hội Facebook để mua thiết bị y tế. Chỉ sau vài comment “inbox” vào các status bán hàng, có đến hàng chục tài khoản Facebook chủ động liên hệ với tôi để chào bán thiết bị. Tài khoản H.Nam cho biết, công ty của anh ta đang kinh doanh bộ kit test nhanh COVID-19 cũng như các loại máy đo SpO2 xịn sò, uy tín. Giá bán lẻ của bộ kit có xuất xứ từ Đức là 200 ngàn đồng/bộ, mua sỉ thì chỉ còn 185 ngàn đồng. Còn với máy SpO2 nhập khẩu từ Trung Quốc có giá bán buôn là 4,5 triệu đồng/10 cái, bán lẻ là 500 ngàn đồng/cái.

Một vụ nhập lậu bộ kit test COVID-19 được cơ quan chức năng TP Hà Nội phát hiện.

Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, H.Nam nhắn thêm rằng hàng có sẵn ở kho, ship trong TP Hà Nội chỉ trong ngày là nhận được. Tôi ngỏ ý muốn mua số lượng lớn nhưng cần xem giấy tờ trước, anh ta đồng ý. Khoảng 15 phút sau, H.Nam gửi cho tôi một lố giấy tờ tiếng Trung nhòe nhoẹt cùng “Bản kết quả phân loại trang thiết bị y tế” do chính công ty nhập khẩu tự phân loại và đóng dấu. Đối chiếu thì không thấy có trong danh sách của Bộ Y tế. Thấy tôi vẫn chưa “chốt đơn”, anh ta tiếp tục thúc giục: “Sản phẩm này đang được tiêu thụ rất nhiều, nếu anh không mua nhanh thì sẽ không còn hàng hoặc giá sẽ bị đội lên rất cao...”.

Chat với một nhà buôn khác, M.Phương cũng quảng cáo shop chị này có phân phối bộ kit test nhanh COVID-19 với giá từ 150 ngàn đồng đến 800 ngàn đồng, tùy theo hàng xuất xứ của Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản hay Trung Quốc...

Theo nhà buôn này giới thiệu, mỗi bộ kit gồm 2 test dùng cho 2 người hoặc 2 lần sử dụng, có kết quả ngay sau 15 phút. Nếu bảng hiện 1 vạch là âm tính, 2 vạch là dương tính. Do vậy, việc lấy mẫu cũng được người bán quảng cáo là “siêu dễ” bằng cách dùng que lấy dịch ở mũi, sau đó bơm vào dung dịch và chờ kết quả. Tuy nhiên, khi hỏi hóa đơn, chứng từ thì chủ shop cho biết do là hàng xách tay từ nước ngoài về nên có giá rẻ và không cần giấy tờ gì cả (!?).

Đặc biệt, trên một số trang thương mại điện tử hiện cũng đang chào bán rất nhiều loại máy đo SpO2 với giá... loạn cào cào. Có những máy thương hiệu Đức, Mỹ giá từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Song, lại có những máy có giá chỉ khoảng 50-60 ngàn đồng/chiếc.

Có mặt tại một số nhà thuốc trên phố Phương Mai (quận Đống Đa), các nhà thuốc quanh Bệnh viện Bạch Mai, Đức Giang... chúng tôi đều ghi nhận thời gian gần đây người dân đến mua bộ kit test và máy đo SpO2 tăng cao. Một chủ cửa hàng cho biết: Nếu như trước đây chỉ có những người mắc bệnh lý tim mạch, phổi, hô hấp... mới tìm mua. Máy chỉ bán tại các cửa hàng thiết bị y tế chuyên dụng. Nhưng từ khi đại dịch COVID-19 tăng cao ở nhiều tỉnh thành thì số lượng người dân quan tâm đến mặt hàng này cũng tăng đột biến.

Anh Hoàng Văn Dũng, quản lý một cửa hàng thiết bị y tế ở phố Phương Mai cho biết: “Trên thị trường hiện nay có khoảng 30-40 loại máy đo SpO2, với nhiều loại và hãng sản xuất khác nhau. Nhưng, hàng chính hãng chỉ có vài loại như: Beurer của Đức, Imedicare của Singapore...”.

Giải đáp thắc mắc vì sao có những máy đo SpO2 giá chỉ bằng 2 bát phở trong khi có máy vài triệu đồng, anh Dũng phân tích: “Thứ nhất giá máy cao là do thương hiệu của máy. Hàng của Đức thường có chất lượng tốt nên giá cũng cao nhất. Ngoài ra, máy hãng tên tuổi thì độ nhạy cũng cao hơn, có kết nối bluetooth và có nhiều công dụng đo các chỉ số khác so với những loại máy vài trăm nghìn đồng.

Chủ tài khoản H.Nam cho biết, bộ kit test xuất xứ từ Đức song lại không có giấy tờ gì chứng minh.

Cũng theo anh Dũng, hiện nay rất nhiều cửa hàng điện máy và cả cá nhân đứng ra nhập các loại máy không tên tuổi, hàng nhái theo đường tiểu ngạch. Trên thị trường, những máy đo SpO2 chỉ khoảng vài trăm ngàn đồng nhiều khả năng là hàng hàng nhái, độ sai số rất nhiều. Những máy này lúc nào cũng hiển thị chỉ số tốt (98-99%), nên nếu người bệnh đang ở trạng thái thiếu oxy thì rất nguy hiểm đến tính mạng.

“Còn những máy vài chục nghìn đồng thì chắc chắn là đồ chơi, vì chỉ một đôi pin cho máy bên em mua đã 20 ngàn đồng rồi. Thậm chí, có máy anh cho cái que vào kẹp thay ngón tay nó cũng đo lên chỉ số. Những người bán hàng chộp giật này không bao giờ có bảo hành và bán xong là chặn liên lạc luôn”, Dũng cho biết thêm.

Một khách hàng tên Lan Phương phản ánh với chúng tôi với vẻ bực bội. Mấy tuần trước do lo xa nên chị đã tìm mua máy đo SpO2 trên trang thương mại điện tử L. Thấy giá rẻ nên chị đặt mua một lúc 3 cái với ý định dùng dần. Sau hơn chục ngày, khi nhận được hàng thì chị thất vọng hoàn toàn. Trong số 3 máy thì 1 máy lắp pin mới tinh vào mà bật mãi không lên, 2 máy còn lại khi chị đo thử thì chỉ số chập chờn, lúc vọt lên 99%, lúc lại tụt xuống dưới 90%.

Mới đây, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện nhiều vụ việc mua bán thiết bị y tế không rõ nguồn gốc. Điển hình, đầu tháng 8-2021 Công an quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 22 phát hiện hàng ngàn bộ kit test nhanh COVID-19 nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ.

Đặc biệt, ngày 16-8-2021, Đội Quản lý thị trường số 24 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, Công an huyện Hoài Đức (Hà Nội) phát hiện một xe ô tô tải trên địa bàn xã An Khánh có biểu hiện nghi vấn. Qua kiểm tra phát hiện 50 thùng carton đựng 20 bộ van máy thở với tổng cộng 1.000 sản phẩm do nước ngoài sản xuất, không rõ chất lượng.

Tại thời điểm kiểm tra, toàn bộ số thiết bị này đều không có nhãn phụ tiếng Việt, chưa có đăng ký tiêu chuẩn chất lượng và chưa được cấp phép lưu hành, không xuất trình được hóa đơn chứng từ liên quan đến hàng hóa. Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để tiến hành làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.

Các loại sinh phẩm y tế được rao tràn lan trên mạng xã hội.

Không nên tham rẻ, mua thiết bị không rõ nguồn gốc

Theo GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, hiện nay, các bộ kit xét nghiệm SARS-CoV-2 muốn nhập khẩu, lưu hành và sử dụng tại Việt Nam phải được Bộ Y tế thẩm định và cấp phép theo các quy định tại Thông tư số 47/2010/TT-BYT. Hơn nữa, các sản phẩm này thuộc nhóm có nguy cơ rủi ro cao (loại C, D) nên mọi hoạt động mua bán, kinh doanh test xét nghiệm SARS-CoV-2 phải đáp ứng các yêu cầu của ngành y tế về nhân sự, điều kiện kho bảo quản, phương tiện vận chuyển.

“Người dân cần hết sức cảnh giác, không nên tự ý mua những mặt hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bán trôi nổi trên thị trường, đặc biệt là mạng xã hội bởi những sản phẩm chưa được cấp phép lưu hành khi xét nghiệm có thể cho kết quả không chính xác. Như vậy, không những mất tiền oan mà nếu tin tưởng vào những kết quả này còn tiềm ẩn nguy cơ phát tán và lây lan dịch bệnh cho cộng đồng”.

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn cũng nhấn mạnh: Với các sản phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 đã được cấp phép, Bộ Y tế đã thông báo rộng rãi đến sở y tế các tỉnh, thành phố và các đơn vị trực thuộc đồng thời cũng đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế.

Tháng 7-2021, Bộ Y tế đã có Công văn số 604/TTrB-P1 gửi sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong phòng chống dịch COVID-19, trong đó việc thanh tra, kiểm tra về nhập khẩu, cung ứng, mua bán các trang thiết bị y tế và các kit xét nghiệm SARS-CoV-2.

Để quản lý chặt chẽ, Bộ Y tế đề nghị các cơ quan chức năng cùng vào cuộc để kiểm tra, đồng thời cảnh báo người tiêu dùng cần cẩn trọng khi mua hàng, đặc biệt không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Liên quan đến hiện tượng một số người dân tự đi mua dụng cụ xét nghiệm nhanh COVID-19, PGS.TS Trần Đắc Phu, chuyên gia cố vấn ở Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam khẳng định, các xét nghiệm nhanh COVID-19 là loại sinh phẩm liên quan đến sức khỏe nên phải do Bộ Y tế thẩm định, cho phép lưu hành, sử dụng tại Việt Nam. “Người dân không nên mua và tự thực hiện xét nghiệm nhanh bởi có một số loại trôi nổi, không đảm bảo chất lượng”, PGS.TS Trần Đắc Phu nhấn mạnh.

Theo đó, các xét nghiệm nhanh có giá trị sử dụng chính xác với các trường hợp: Có triệu chứng nghi mắc COVID-19 như ho, sốt... sau nhiễm từ 2-7 ngày. Còn với những trường hợp nhiễm sau 7 ngày, độ chính xác của xét nghiệm nhanh không cao, khó phát hiện người dương tính với SARS-CoV-2.

Ông Phu giải thích việc thực hiện xét nghiệm COVID-19 thực hiện miễn phí, theo quy định của Bộ Y tế với các trường hợp có nguy cơ mắc (có triệu chứng, trở về từ vùng có nguy cơ...). Xét nghiệm nhanh có giá trị chứng nhận tại thời điểm thực hiện xét nghiệm, người được xét nghiệm cơ bản không nhiễm SARS-CoV-2, không phải là nguồn bệnh lây sang người khác. Sau thời điểm đó, người được xét nghiệm không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, chủ quan, lơ là, không thực hiện nghiêm thông điệp 5K, vẫn có nguy cơ nhiễm virus.

Yêu cầu sàn thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ những sản phẩm vi phạm quy định

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương vừa có công văn yêu cầu các sàn thương mại điện tử rà soát, gỡ bỏ những sản phẩm máy thở, thuốc, máy đo nồng độ oxy trong máu (SpO2) vi phạm quy định thương mại để có căn cứ xử lý.

Theo cơ quan này, thời gian qua, lợi dụng tình hình dịch bệnh, nhiều đối tượng tung quảng cáo bán các thiết bị hỗ trợ điều trị COVID-19 tại nhà với giá chỉ vài chục ngàn đến vài triệu đồng. Thậm chí, có sản phẩm còn được phóng đại là có thể phát hiện virus SARS-CoV-2.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số khẳng định những thiết bị nêu trên có thiết kế lỏng lẻo, chất lượng nhựa kém. Đồng thời, qua tham vấn ý kiến các bên liên quan, hầu hết các thiết bị đo SpO2 có giá dưới 300 ngàn đồng/chiếc đều nhận phản hồi tiêu cực về chất lượng, gây nguy cơ tiềm ẩn đối với người sử dụng.

Do đó, đơn vị này khuyến cáo người dân tìm hiểu kỹ thông tin về sản phẩm, người bán, không nên mua các sản phẩm không rõ nguồn gốc bán trôi nổi trên mạng. Đồng thời, nếu phát hiện các gian hàng vi phạm, người dân hãy phản ánh về Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số.

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/canh-giac-voi-thiet-bi-y-te-troi-noi-i626272/