Cảnh giác với thông tin giả trên mạng xã hội

Thời gian vừa qua, một số tài khoản facebook đã đưa thông tin sai sự thật để trục lợi hoặc câu like.

Mới đây nhất là Chủ Fanpage Đầm bầu thời trang Mami (Hà Nội) đăng thông tin sai về dịch tả lợn châu Phi; chủ một tài khoản Facebook đã lấy tên "Ban Tuyên Giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam" đưa thông tin thất thiệt, lèo lái dư luận một cách có chủ đích; hay tại TP Đà Nẵng để đẩy giá đất lên cao, các cò đất đã tung tin TP Đà Nẵng đang chuẩn bị có quận mới được thành lập…

Một tài khoản facebook đã mạo danh “Ban tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam” để đăng thông tin kích động.

Một tài khoản facebook đã mạo danh “Ban tuyên giáo Đảng cộng sản Việt Nam” để đăng thông tin kích động.

Ngày 11/3, lãnh đạo Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin Truyền thông) đã làm việc với bà Nguyễn Thị Minh Nghĩa, chủ trang Facebook Đầm bầu thời trang Mami. Tại buổi làm việc, bà Nghĩa thừa nhận đăng thông tin sai lệch về dịch tả lợn châu Phi và ký vào biên bản vi phạm hành chính với mức phạt 20 triệu đồng.

Trước đó, Fanpage này dùng hình ảnh thịt lợn nhiễm sán ở Bình Dương từ năm 2018 để thông tin về dịch tả lợn châu Phi, kêu gọi mọi người ngưng sử dụng thịt lợn vì cho rằng có thể lây bệnh sang người. Phản ứng trước thông tin này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có văn bản khẳng định dịch tả lợn châu Phi chỉ lây lan trên lợn, đề nghị Bộ Thông tin Truyền thông tăng cường kiểm tra, xử phạt với các tài khoản mạng xã hội đăng tin sai về dịch, trong đó có trang Đầm bầu thời trang Mami. Sau đó, tài khoản trên đã gỡ bỏ nội dung sai lệch, kèm theo thư xin lỗi và giải thích đó là thông tin không đúng sự thật.

Theo Tổ chức Thú y thế giới (OIE), dịch tả lợn châu Phi là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra, lây lan nhanh trên loài lợn, tỷ lệ chết 100%. Bệnh không lây nhiễm và gây bệnh ở người; không gây bệnh cho các loài động vật khác. Từ năm 2017 đến tháng 2/2019, 20 quốc gia báo cáo ghi nhận bệnh dịch. Tổng cộng hơn một triệu con lợn phải tiêu hủy.

Trong thời gian qua, khi Dự thảo tiêu chuẩn quốc gia về quy phạm thực hành sản xuất nước mắm được công bố đã thu hút được nhiều sự chú ý từ phía dư luận. Lợi dụng sự kiện này, trên mạng Facebook đã xuất hiện trang fanpage giả mạo có tên “Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam” và đưa thông tin thất thiệt, lèo lái dư luận một cách có chủ đích. Mặc dù địa chỉ Facebook này mới xuất hiện từ 10/3/2019 và mới chỉ có 4 bài viết nhưng đã có lượng người theo dõi khá lớn. Cùng với đó nội dung các bài viết đều nhận được nhiều lượt thích (like) và bình luận (comment), trong đó có không thiếu bình luận mang tính chất kích động.

Chánh Văn phòng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Huy Ngọc khẳng định, Ban Tuyên giáo Trung ương không có và không sử dụng tài khoản Facebook nào như thế. Đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc, xem xét làm rõ sự việc, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị, cá nhân sử dụng mạng xã hội để đăng tải những trang thông tin giả mạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân.

Ban Tuyên giáo Trung ương cũng đề nghị, các cơ quan thông tấn báo chí, truyền thông tích cực, chủ động tham gia vào việc đấu tranh, phản bác với những hành vi giả mạo, đăng tải, phát tán thông tin sai sự thật, xuyên tạc, nhất là những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, có tác động ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân... để bạn đọc, người dân hiểu, có những lựa chọn đúng đắn, phù hợp, đáp ứng nhu cầu thông tin đa dạng hiện nay.

Tại huyện Hòa Vang (Đà Nẵng), thời gian qua giá đất tăng từng ngày. Sau khi UBND huyện Hòa Vang ra văn bản cảnh báo tới người dân về tình trạng sốt đất ảo, ngay tối 6/3, trên trang facebook “Hội Mua Bán Nhà và Đất Tại Đà Nẵng” xuất hiện thông tin: “Tin nóng: TP Đà Nẵng đang chuẩn bị có quận mới được thành lập mang tên quận Hiếu Đức. Quận Hiếu Đức sẽ được thành lập cuối năm nay, bao gồm 4 xã Hòa Khương, Hòa Nhơn, Hòa Phong và Hòa Tiến”.

Sau khi tung tin Hòa Vang thành lập quận mới, facebook này tiện thể rao bán luôn: “Chúng tôi có hơn 100 lô đất ở nông thôn thuộc khu vực này, sổ đỏ chính chủ. Giá đất đưa ra dao động từ 1,3 đến gần 2 tỉ ở các trục đường 5m5 đến 10m5, vị trí cực đẹp”… Và không quên nhấn mạnh đây là cơ hội đầu tư có một không hai để khách hàng có thông tin và đi khảo sát.

Thông tin trên gây hoang mang dư luận, khiến tình hình mua bán đất tại huyện Hòa Vang càng trở nên nóng hơn bao giờ hết. Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang khẳng định, việc Đà Nẵng thành lập quận mới tách từ 4 xã của huyện Hòa Vang là thông tin hoàn toàn bịa đặt. “Cái này là do giới cò đất tung tin để thổi giá đất ở nông thôn của huyện. Sau khi huyện ra văn bản cảnh báo tình trạng sốt đất ảo thì họ dùng chiêu mới này để thổi giá đất, người dân cần thận trọng, cảnh giác trước tình trạng này, tránh sập bẫy cò đất vì việc tách thửa đất ở nông thôn tại Đà Nẵng được quy định rất nghiêm ngặt”.

Liên quan đến vấn đề này, Sở Nội vụ TP Đà Nẵng đã có văn bản gửi Sở TT&TT, theo đó nội dung văn bản khẳng định thông tin H. Hòa Vang tách thành 2 đơn vị hành chính là hoàn toàn không có thật.

Tại Việt Nam, tài khoản và thông tin giả mạo cũng là một vấn đề nhức nhối khi tung ra những “fake news” gây chia rẽ, xúc phạm danh dự cá nhân, tổ chức, quảng bá hình ảnh dâm ô, kích động bạo lực, thậm chí không ít những thông tin tuyên truyền xuyên tạc, phản động. Cơ quan chức năng Việt Nam đã yêu cầu Facebook, Google gỡ bở hàng nghìn tài khoản cũng như thông tin giả mạo. Việt Nam cần phải cấp bách hành động, có những biện pháp hiệu quả hơn để ngăn chặn vấn nạn tin giả trên mạng xã hội cùng tác hại khôn lường của nó.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/canh-giac-voi-thong-tin-gia-tren-mang-xa-hoi-d92620.html