Cảnh giác với thủ đoạn giả làm người quen để lừa đảo

Mới đây, trên đường đi học về bằng xe máy điện đến khu tượng đài Đông Triều, cháu Phạm Kiều Anh, 14 tuổi, ở xã Hồng Phong, thị xã Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) bị hai đối tượng (một nam, một nữ) khoảng hơn 50 tuổi đi trên một xe máy chặn lại.

Người phụ nữ tự nhận là bà họ của cháu ở bên Hàn Quốc mới về nước, có món quà là nhân sâm Hàn Quốc muốn gửi cho mẹ cháu, rồi nói cháu đi theo bà để lấy quà về cho mẹ. Hai đối tượng đưa cháu đến một ngôi biệt thự ở xã Hồng Phong. Đến nơi, người đàn ông lên xe máy bỏ đi, để lại người phụ nữ và cháu Kiều Anh. Người phụ nữ nói với cháu Kiều Anh đây là nhà của mình và con gái bà cầm chìa khóa nhà đang chơi ở gần đó. Rồi người phụ nữ đề nghị cháu Kiều Anh cho mượn xe máy điện để đi lấy chìa khóa. Do cảnh giác, cháu Kiều Anh đã không cho người phụ nữ mượn xe và nói, bà để cháu chở bà đi lấy chìa khóa. Sau một hồi thuyết phục không được, người phụ nữ lấy lý do rồi bỏ đi.

Trước đó không lâu, một nữ sinh lớp 11 ở huyện An Lão, TP Hải Phòng cũng bị đối tượng xấu áp dụng hình thức lừa đảo nêu trên để chiếm đoạt chiếc xe đạp điện trị giá hơn 12 triệu đồng. Như vậy hiện nay, các đối tượng lừa đảo thường tập trung vào những học sinh cả tin, nhất là nữ sinh đi xe đạp điện, xe máy điện để lừa đảo lấy tài sản. Chính vì vậy, các bậc phụ huynh cần nhắc nhở con em mình tuyệt đối không nghe theo, làm theo lời người lạ. Khi gặp tình huống như trên, cần tìm cách thông báo cho gia đình và các cơ quan chức năng nơi gần nhất để có biện pháp ngăn chặn. Cùng với đó, các cơ quan chức năng sớm điều tra làm rõ và xử lý những đối tượng lừa đảo, góp phần bảo đảm trật tự an ninh, an toàn trên địa bàn.

CAO THANH ĐÔNG (HT: 3KC-803, Kiến An, Hải Phòng)

Khai thác thủy sản theo kiểu "tận diệt" tại Nghệ An

Nghệ An là tỉnh có nhiều điều kiện thuận lợi để tập trung phát triển kinh tế biển, nâng cao giá trị khai thác thủy, hải sản mang tính bền vững. Thế nhưng gần đây, vì nguồn lợi trước mắt, một số ngư dân ngang nhiên sử dụng thuốc nổ, kích điện, súng bắn cá tự chế... khai thác thủy sản theo kiểu "tận diệt". Mặc dù chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, kiểm tra, xử lý những vi phạm, song tình trạng khai thác theo kiểu tận diệt này ngày càng diễn biến phức tạp hơn. Theo số liệu thống kê, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã phát hiện 36 trường hợp sử dụng kích điện, chất nổ trong khai thác thủy sản. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm môi trường và khiến những sinh vật nhỏ, ấu trùng mới sinh, trữ lượng cá trên vùng biển này suy giảm đáng kể.

Thiết nghĩ, để khắc phục trình trạng trên, Chi cục Thủy sản Nghệ An cần phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương tổ chức tuyên truyền về vai trò của nguồn lợi thủy sản, pháp luật về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, đặc biệt là các quy định nghiêm cấm những hành vi tàng trữ, sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản đến các chủ tàu cá, ngư dân có hoạt động khai thác thủy sản.

BÙI MINH TUẤN (Trường THPT Kim Liên, Nam Đàn, Nghệ An)

Điểm chờ xe buýt không có mái che

Cuối tháng 7-2017, tôi đến thị xã Sơn Tây (TP Hà Nội) và ở lại hai ngày thăm bạn bè. Khi về Hà Nội, tôi chọn xe buýt để trải nghiệm và ngắm nhìn phong cảnh làng quê vùng ngoại thành. Tôi đón xe buýt tuyến bến xe Sơn Tây (đường La Thành thuộc phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây đi về trung tâm thành phố). Cùng đứng chờ xe với tôi là 5 hành khách nữa, trong đó có 2 ông bà cao tuổi. Chúng tôi cùng nhau đứng chờ gần 30 phút giữa cái nắng gay gắt của mùa hè mà vẫn chưa thấy xe buýt cập bến. Bỗng bầu trời tối sầm và cơn mưa rào ập xuống. Chúng tôi nháo nhác tìm chỗ trú mưa, nhưng không biết tìm ở đâu vì điểm chờ xe buýt không có mái che, nhà dân gần đó thì đóng kín cửa. Mọi người kéo nhau vào đứng dưới mái hiên của gia đình ven đường, nhưng vẫn bị mưa hắt ướt hết. 20 phút sau mưa tạnh, xe cập bến, chúng tôi mới lên xe về trung tâm thành phố. Dọc đường, tôi quan sát và thấy có khá nhiều điểm chờ xe buýt không có mái che. Trò chuyện với những hành khách cùng đi trên xe, tôi được biết, không chỉ có tuyến đường này mà ngay trong khu vực nội thành vẫn còn nhiều điểm chờ xe buýt không có mái che và ghế ngồi.

Xe buýt là phương tiện công cộng thu hút người dân sử dụng nhằm giảm ùn tắc giao thông, do vậy ngoài việc đầu tư phương tiện, nâng cao cung cách phục vụ văn minh lịch sự thì ngành chức năng cần đầu tư xây dựng những điểm chờ đón xe buýt hợp lý và rất cần có mái che để hành khách không còn chịu cảnh "chân đạp đất, đầu đội trời mưa và nắng gắt"... đợi xe buýt.

ĐỖ VĂN THÔNG (507 Seaview 2 phường 10, TP Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)

Bát nháo ở quầy mua vé lên đỉnh Lang Biang

Núi Lang Biang nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương, cách trung tâm TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng 12km về phía bắc. Đây là khu du lịch nổi tiếng thu hút du khách trong và ngoài nước ghé thăm. Đường đi đến núi Lang Biang thuận tiện, chỉ cần đi theo các bảng chỉ dẫn là sẽ tới được. Sau khi mua vé vào cổng, để lên đỉnh Lang Biang, du khách cần phải mua vé đi xe jeep (hoặc đi bộ không mất phí). Thế nhưng gần đây, do công tác quản lý lỏng lẻo nên tại quầy bán vé lên đỉnh Lang Biang (phòng điều hành xe) xảy ra cảnh chen lấn, xô đẩy. Theo quy định tại đây, du khách muốn mua vé phải đi theo nhóm, một xe chở được 6 người. Còn đi lẻ, khách phải chờ đủ 6 người. Vì muốn mình được lên núi trước nên ai cũng chen chân vào quầy bán vé mà không chịu xếp hàng theo thứ tự, khiến khung cảnh rất lộn xộn (xem ảnh). Ngoài ra, lúc đợi xe từ trên đỉnh Lang Biang xuống (có khi chờ 30 phút), du khách phải đứng chờ dưới cái nắng chói chang, ngồi bệt, dựa vào tường trông rất phản cảm.

Bài và ảnh: NGUYỄN HOÀNG DUY (Số nhà 101/25 Nguyễn Chí Thanh, phường 9, quận 5, TP Hồ Chí Minh)

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/canh-giac-voi-thu-doan-gia-lam-nguoi-quen-de-lua-dao-515991