'Cành ô liu' với Nhật Bản lại là trái đắng cho nhiều người Hàn Quốc

'Cành ô liu' từ Hàn Quốc có thể khiến Tokyo và Seoul xích lại gần nhau hơn và khiến đồng minh chung là Washington vui mừng, nhưng lại gây ra sự giận dữ từ nhiều người Hàn Quốc.

Từ lâu, các tranh chấp lịch sử đã phủ bóng mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Nhật Bản. Kể từ năm 2011, hai nước không có chuyến thăm cấp nhà nước vì không thể giải quyết yêu sách lãnh thổ với một số hòn đảo và tranh cãi kịch liệt về những phụ nữ Hàn Quốc bị bắt làm nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản vào Thế chiến II.

Tuy nhiên, Hàn Quốc dường như đã sẵn sàng hàn gắn.

Hôm 6/3, chính phủ Tổng thống Yoon Suk Yeol tuyên bố nước này sẽ không còn yêu cầu các công ty Nhật Bản bồi thường cho nạn nhân bị cưỡng bức lao động trong Thế chiến II. Thay vào đó, Seoul sẽ thành lập một quỹ do chính phủ điều hành để hỗ trợ trực tiếp.

Tổng thống Mỹ Joe Biden ca ngợi động thái này là “một chương mới đột phá về hợp tác và đối tác giữa hai đồng minh thân cận nhất”, theo Kyodo. Rõ ràng lời hứa tăng cường hợp tác Nhật - Hàn là một lợi ích đối với Mỹ, khi Washington đang cố gắng củng cố các liên minh khu vực.

Song với các nạn nhân ở Hàn Quốc và những người đấu tranh cho họ, thông báo của Tổng thống Yoon là một sự nhượng bộ “đáng xấu hổ”.

Tín hiệu từ Seoul

Theo tuyên bố của Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin hôm 6/3, quỹ hỗ trợ do chính phủ điều hành sẽ bồi thường cho 15 nạn nhân hoặc thành viên gia đình của họ bằng các khoản quyên góp tư nhân.

Hiện chỉ có 3/15 nạn nhân tham gia vụ kiện còn sống, tất cả đều đã tuổi ngoài 90.

Vào năm 2018, Tòa án Tối cao Hàn Quốc phán quyết tập đoàn thép Nippon của Nhật Bản và công ty công nghiệp nặng Mitsubishi phải bồi thường 100 triệu won (tương đương 77.000 USD) cho mỗi nạn nhân trong số 15 người liên quan đến vụ kiện - những người bị cưỡng bức lao động trong giai đoạn 1910-1945.

Ngoại trưởng Hàn Quốc Park Jin ở Seoul hôm 6/3. Ảnh: Kim Hong-Ji/New York Times.

Tuy nhiên, Nhật Bản không chấp nhận phán quyết này và không trả tiền bồi thường. Họ cho rằng những vấn đề liên quan đến lao động cưỡng bức và nô lệ tình dục đã được giải quyết khi Tokyo cung cấp khoản viện trợ 500 triệu USD và nhiều khoản vay giá rẻ cho Seoul theo hiệp ước năm 1965.

Hàn Quốc đã dùng một phần số tiền này để xây dựng các đường cao tốc chính và nhà máy công nghiệp trọng điểm, chẳng hạn nhà máy của gã khổng lồ sản xuất thép Posco. Do đó, những doanh nghiệp này sẽ được yêu cầu quyên góp cho quỹ bồi thường của chính phủ.

“Chúng tôi hoan nghênh các biện pháp do chính phủ Hàn Quốc công bố hôm nay (6/3) như một cách khôi phục quan hệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc, vốn đang ở trong tình thế rất khó khăn kể từ phán quyết của Tòa án Tối cao Hàn Quốc năm 2018”, Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi nói với phóng viên.

“Các biện pháp do chính phủ Hàn Quốc công bố không dựa trên giả thiết rằng công ty Nhật sẽ đóng góp cho quỹ này. Chính phủ Nhật Bản cũng không có quan điểm cụ thể về sự đóng góp tự nguyện của các cá nhân hoặc công ty tư nhân cả ở Nhật Bản và nước ngoài”, ông nói.

Theo CNN, quỹ hỗ trợ này là một phần động thái hàn gắn rộng lớn hơn.

Khi các mối đe dọa trong khu vực gia tăng, Tổng thống Yoon Suk Yeol coi việc cải thiện mối quan hệ với Tokyo là mục tiêu ngoại giao hàng đầu. Ông đã mở rộng các cuộc tập trận quân sự chung với Nhật Bản và Mỹ, đồng thời yêu cầu người dân coi Nhật Bản như một “đối tác”.

Chính quyền ông Yoon đã cố gắng cải thiện quan hệ giữa Seoul và Tokyo, đặc biệt là khi hai đồng minh của Mỹ đối mặt tình hình an ninh ngày càng bất ổn với các vụ phóng tên lửa của Triều Tiên cũng như căng thẳng trên eo biển Đài Loan. Tokyo và Seoul cho rằng đây là yếu tố quan trọng đối với an ninh của họ.

Tuyên bố hôm 6/3 ngay lập tức nhận được lời khen ngợi từ các cấp cao nhất ở Washington. Trong đó, ông Biden nhấn mạnh hai bên đang “có bước tiến quan trọng nhằm tạo dựng một tương lai an toàn, đảm bảo và thịnh vượng hơn cho người dân”.

“Tôi sẽ không nhận tiền ngay cả khi phải chết đói”

Tuy nhiên, ông Leif-Eric Easley, giáo sư Đại học Ewha (Seoul), cho rằng cả Tổng thống Yoon và Thủ tướng Kishida sẽ khó nhận được sự chấp thuận của cử tri về thỏa thuận này.

“Cả hai chính phủ sẽ cần giải thích một cách thuyết phục những lợi ích của thỏa thuận để vượt qua sự chỉ trích từ các đảng đối lập và các nhóm vận động chính sách”, ông Easley nói.

Trong khi đó, bà Lauren Richardson, giám đốc Viện Nhật Bản tại Đại học Quốc gia Australia, cho biết thỏa thuận hôm 6/3 không thể xoa dịu các nạn nhân ở Hàn Quốc.

“Trong trường hợp này, họ có lẽ sẽ không hài lòng với thỏa thuận, vì rõ ràng nếu là nạn nhân hay con cháu của nạn nhân, họ muốn người gây tội phải chịu trách nhiệm”, bà Richardson nhận định, lưu ý rằng Nhật Bản chưa đưa ra lời xin lỗi hay thừa nhận hành vi sai trái.

“Đó không chỉ là vấn đề tiền bạc”, bà nói. “Vì vậy, trong mắt họ, Nhật Bản đang cố gắng trốn tránh trách nhiệm”.

Nhật Bản và Hàn Quốc đang cố gắng hàn gắn quan hệ vì lợi ích chung. Ảnh: Kim Kyung-Hoon/Reuters.

Các nạn nhân và những người ủng hộ đã mô tả thông báo này là một sự nhượng bộ “đáng xấu hổ” của ông Yoon trong nỗ lực quá nhiệt tình nhằm làm hài lòng Washington và cải thiện quan hệ với Nhật Bản.

Một trong những nạn nhân còn sống - bà Yang Geum Deok, 95 tuổi - đã chỉ trích chính phủ Hàn Quốc sau khi thỏa thuận được công bố.

“Tôi không thể hiểu được. Tôi chưa bao giờ thấy điều gì như thế này suốt 95 năm cuộc đời”, bà Yang nói trong một cuộc họp báo.

“Tôi sẽ không nhận tiền ngay cả khi phải chết đói”, bà Yang nói với phóng viên và từ chối giải pháp của chính phủ vì đó không phải là khoản bồi thường từ Nhật Bản.

Ông Daniel Sneider, giảng viên về chính sách quốc tế tại Đại học Stanford, cũng nhận định thỏa thuận này là “một sự thỏa hiệp, trong đó người Hàn Quốc đã cho đi nhiều hơn người Nhật”.

Ông nói thêm rằng Nhật Bản đã làm “quá ít”. Khi không trực tiếp giúp đỡ các nạn nhân, chính phủ Nhật Bản không làm những điều cần thiết để hàn gắn rạn nứt giữa hai nước, ông cho hay.

Song các nhà phân tích nhận định Seoul dường như sẵn sàng hứng chịu những lời chỉ trích để đạt được mục tiêu lớn hơn. Theo ông Corey Wallace, nhà phân tích an ninh và chính trị Đông Á tại Đại học Kanagawa, thỏa thuận hôm 6/3 cho thấy chính phủ Tổng thống Yoon đã “mạnh dạn hơn nhiều trong việc coi Nhật Bản là một ‘đối tác’”.

“Cả hai bên đã bắt đầu điều chỉnh nhận thức về giá trị hợp tác an ninh ba bên”, ông nói.

Hải Linh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-o-liu-voi-nhat-ban-lai-la-trai-dang-cho-nhieu-nguoi-han-quoc-post1409554.html