Cánh quân báo chí trong mùa xuân 1975

Như nhiều đồng nghiệp, ký ức của tôi về mùa xuân 1975 mãi không bao giờ quên. Trong những ngày xuân lịch sử ấy, trên khắp các mũi tiến công, các chiến trường, những người làm thông tấn – Việt Nam Thông tấn xã (VNTTX), hoặc cách gọi khác là Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) và Thông tấn xã Giải phóng (TTXGP) - đã đồng loạt ra quân, hợp đồng tác chiến nhịp nhàng, cùng đội ngũ báo chí cả nước góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của dân tộc.

Với tầm nhìn xa, Ban lãnh đạo TTXVN đã có sự chuẩn bị từ rất sớm. Ngay sau khi ký Hiệp định Paris đầu năm 1973, VNTTX đã cử hàng trăm cán bộ phóng viên, kỹ thuật viên từ Hà Nội tăng cường Nam Bộ, Khu 5 - Tây Nguyên, Trị Thiên. Cơ sở vật chất kỹ thuật cũng được nâng cấp đáng kể. Nhà báo Trần Thanh Xuân, Phó Tổng biên tập VNTTX khi đó dù chỉ còn một lá phổi cũng đã lên đường vào B2 trực tiếp làm Tổng biên tập TTXGP. Đầu năm 1975, vào thời điểm quan trọng nhất, lực lượng cơ động mạnh lại tiếp tục được tung vào các chiến trường trọng điểm. Nhà báo Đào Tùng, Tổng Biên tập VNTTX trực tiếp dẫn đoàn phóng viên, cán bộ kỹ thuật từ Hà Nội vào thẳng Nam Bộ, sát cánh cùng các lãnh đạo TTXGP.

Ngày 26/3/1975, Huế giải phóng. Các phóng viên từ Hà Nội tăng cường mặt trận Trị Thiên đã đi bộ suốt đêm để có mặt ở Huế ngày đầu tiên. Chúng tôi đến gần thành phố vào lúc trời rạng sáng. Huế đang trong một ngày hội. Cờ cách mạng tung bay trên Phu Văn Lâu, trên các tòa nhà lớn, trên các đường phố và trên những ghe tàu tấp nập sông Hương.

Theo phân công, tôi đi cùng nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long. Chúng tôi cùng các bạn sinh viên làm nhiệm vụ tuyên truyền chạy xe Jeep dọc hai bờ sông, rồi vòng về khu An Cựu, qua Vĩ Dạ, ngược phía cầu Bạch Hổ rồi vào thành nội. Về đến Phu Văn Lâu, tôi chọn một góc riêng, lấy sổ công tác, kê lên ba lô ngồi viết bài “Sáng xuân Huế đỏ cờ bay”, ngay dưới chân cột cờ. Cuối bài, tôi nắn nót ghi tên mình với danh xưng: Phóng viên TTXGP. Ngay sau đó, bài viết ấy và các bài viết khác cùng phim ảnh của anh em trong tổ chụp quang cảnh Huế giải phóng được chuyển ngay ra Đông Hà và phát về nhà. Phim ảnh đưa bằng ôtô suốt đêm ra Hà Nội. Thông tin về Huế tràn ngập trên bản tin, sóng phát thanh, trên các báo ở Hà Nội ra ngày hôm sau. Dưới mỗi tin bài, hình ảnh đều ghi: Phóng viên TTXGP.

Ngày 29/3, nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, các phóng viên Ngọc Đản, Hoàng Thiểm và tôi lên đường vào Đà Nẵng trên hai chiếc Honda vừa mượn được của Ủy ban quân quản. Cuối giờ chiều, chúng tôi mới vào đến thành phố và thực sự bị choáng ngợp bởi quy mô của đô thị lớn thứ hai ở miền Nam.

Sáng sớm hôm sau, chúng tôi ra sân bay Đà Nẵng, ghé trụ sở Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 của quân đội Sài Gòn, rồi vào Lãnh sự quán Mỹ. Cuối buổi sáng, chúng tôi đến Ủy ban quân quản thành phố để có thông tin về tình hình chung. Cũng trong sáng hôm đó, chúng tôi gặp tổ xung kích của Tổng xã đi thẳng từ Hà Nội vào Đà Nẵng, trong tổ có các anh Vũ Tạo, Hứa Kiểm và Đinh Quang Thành, do anh Đặng Xuân Quỳ lái chiếc com măng ca. Sau đó, tôi cùng anh Quỳ mang phim ảnh và tài liệu về Đông Hà. Đến Lăng Cô thì đường tắc. Tôi đành một mình đi xe máy ngược ra trên con đường dày đặc xe cộ phóng về Đông Hà. Có đoạn qua cây cầu hỏng ở gần Huế, tôi nhờ các o du kích khiêng xe xuống đò chở qua sông.

Về đến Đông Hà, bàn giao phim ảnh xong tôi ngồi viết ngay bài về Đà Nẵng giải phóng. Do việc phát bài bằng xe thông tin trục trặc vì thời tiết xấu, tôi phải cùng anh em quay tay để phát lại bằng moóc đến hơn 12 giờ đêm mới xong. Ngay sớm hôm sau, Đài Tiếng nói Việt Nam đọc bài tường thuật “Đà Nẵng ngày đầu giải phóng” của tôi với bút danh Trần Mai, phóng viên TTXGP. Khỏi phải nói, chúng tôi mừng như thế nào. Giọng chị phát thanh viên mới náo nức, tự hào và có sức lan tỏa làm sao: “Ba giờ chiều 29/3, Đà Nẵng, thành phố lớn thứ hai ở miền Nam hoàn toàn giải phóng...”.

Sau khi giải phóng Đà Nẵng, ngoài số cán bộ, phóng viên ở lại miền Trung, một lực lượng cơ động nhanh được tổ chức đi theo bước chân thần tốc của cánh quân phía đông. Tổ mũi nhọn được thành lập do nhà báo Vũ Tạo làm tổ trưởng; các PV ảnh Lâm Hồng Long, Đinh Quang Thành, Hứa Kiểm, lái xe Ngô Bình, điện báo viên Lê Thái và tôi. Các PV thông tấn quân sự Ngọc Đản và Hoàng Thiển thì được cử hẳn sang các đơn vị bộ đội cùng hành quân trên cánh đông. Chúng tôi đi qua một loạt các thành phố lớn như Quy Nhơn, Phú Yên, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết... Vừa đi vừa viết bài, ghi lại ảnh về những khoảnh khắc tuyệt vời của mùa xuân giải phóng. Tại Xuân Lộc, rất may mắn chúng tôi gặp Sư đoàn 304 - sư đoàn Vinh Quang kết nghĩa với TTXVN; được cùng hành quân trong đội hình của sư đoàn và Quân đoàn 2, tham gia mũi đột kích thọc sâu đánh thẳng vào trung tâm Sài Gòn trong thời khắc cuối cùng của chiến tranh.

Mũi thọc sâu bao gồm lữ đoàn xe tăng 203 và Trung đoàn bộ binh 66 của sư đoàn 304. Chiếc xe com măng ca Liên Xô cũ kỹ của tổ phóng viên lọt thỏm giữa những chiếc tăng T54, xe thiết giáp, xe tải quân sự GMC to lớn. Rạng sáng 30/4, đội hình thọc sâu tiến thẳng vào trung tâm Sài Gòn. Chúng tôi qua cầu trên sông Đồng Nai từ sớm. Nhiều đoạn, chiếc xe nhỏ của tổ phóng viên phải áp vào sườn xe tăng, lúc bên phải, lúc bên trái để tránh đạn bắn thẳng. Mục tiêu là Dinh Độc lập. Khi vào đến thành phố, ngoài tôi, trên xe có các nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo, Hứa Kiểm, Đinh Quang Thành, lái xe Ngô Bình, điện báo viên Lê Thái, phóng viên Báo QĐND Mạnh Hùng, anh Toàn, cán bộ tuyên huấn sư đoàn.

Các anh Ngọc Đản, Hoàng Thiểm, phóng viên Thông tấn quân sự đi theo xe thiết giáp có mặt ở Dinh Độc Lập ít phút trước. Đây là lực lượng báo chí đầu tiên của chúng ta có mặt tại Dinh Độc Lập tại thời điểm lịch sử này. Vừa vào trong dinh, tôi và nhà nhiếp ảnh Vũ Tạo nhảy ra khỏi xe thì thấy một chiếc xe tăng trong đội hình thọc sâu tiến qua cổng dinh. Một hình ảnh rất đẹp. Nắng trưa rực rỡ. Xe tăng vừa vào ngang cổng, lá cờ giải phóng trên tháp pháo tung bay. Cùng với những người lính tăng là các chiến sĩ bộ binh của Sư đoàn 304 hành tiến hiên ngang bên tháp pháo.

Tôi đưa máy ảnh lên ghi lại hình ảnh tuyệt vời đó. Bức ảnh “Xe tăng Quân giải phóng chiếm Dinh Độc lập trưa 30/4/1975” do tôi chụp với tư cách phóng biên TTXGP này được sử dụng rộng rãi như một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa Xuân lịch sử. Đấy là chiếc xe mang số hiệu 846, nằm trong đội hình thọc sâu của Lữ đoàn 203 do Đại đội phó Đại đội 4 kiêm trưởng xe Nguyễn Quang Hòa chỉ huy.

Ngày 30/4/1975, Dinh Độc lập thực sự là nơi hội quân của nhiều phóng viên VNTTX - TTXGP trong thời khắc lịch sử. Đoàn cán bộ, phóng viên từ căn cứ của TTXGP ở Tây Ninh có anh Nguyễn Đức Giáp, Lâm Tấn Tài, Văn Bảo, Trần Mai Hạnh, Thanh Bền, Nguyễn Toàn Phong... Nhà nhiếp ảnh Lâm Hồng Long, dù đang được phép ở lại thăm gia đình ở Phan Thiết, cũng đã một mình một xe Honda đi qua hướng Trảng Bàng kịp thời có mặt. Các anh Trần Mai Hạnh và Văn Bảo là những phóng viên viết và gửi được bài và ảnh đầu tiên, qua đường truyền của TTXGP từ Sài Gòn qua Tây Ninh ra Hà Nội.

Ảnh của anh em trong tổ chúng tôi, qua các anh Hoàng Thiểm và sau đó là anh Hứa Kiểm mang bằng máy bay ra thẳng Hà Nội, kịp thời cung cấp cho bạn đọc trong và ngoài nước một bức tranh toàn cảnh về Sài Gòn trong ngày 30/4/1975. Nhiều bài viết, ảnh chụp của các anh chị khác ở TTXGP cũng được phát kịp thời. Đây là những thông tin, hình ảnh vô cùng quý giá, tạo nên một bức tranh toàn cảnh về hình ảnh của Sài Gòn, của toàn miền Nam trong một thời điểm lịch sử…

* Ảnh trong bài: Một số bức ảnh lịch sử “Sài Gòn ngày 30/4/1975“ do nhà báo Trần Mai Hưởng, phóng viên chiến trường của TTXVN đi theo mũi đột kích của Quân đoàn 2 thực hiện.

Trần Mai Hưởng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/xa-hoi/canh-quan-bao-chi-trong-mua-xuan-1975-i651963/