Cảnh sát biển đồng hành với những 'cột mốc sống': Một ngày trên đảo tiền tiêu

Không chỉ là một địa điểm du lịch nổi tiếng với nhiều cảnh đẹp hoang sơ, đảo Cô Tô (Quảng Ninh) còn mang trong mình một vị trí tiền tiêu đặc biệt. Ở đó, mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi ngư dân là một 'cột mốc sống', họ đồng hành, sát cánh cùng Cảnh sát biển để giữ gìn biển đảo…

Học để bảo vệ đảo

Sau gần 5 giờ trên biển, tàu 8004 đã thả neo trên vịnh thuộc đảo Cô Tô. Tôi có dịp ra Cô Tô nhiều lần, nhưng lần này mới cảm nhận được sự thay đổi thực sự của hòn đảo này. Nếu như trước đây, đảo Cô Tô như “một người đẹp” đang ngái ngủ thì giờ đây, trên đảo, những khách sạn cao hàng chục tầng đã mọc lên cùng sự xuất hiện ngày càng nhiều hơn của những biển hiệu quảng cáo bắt mắt. “Người đẹp Cô Tô” dường như đã… thức giấc.

Tuy 2 giờ chiều, buổi tuyên truyền pháp luật mới diễn ra nhưng khá bất ngờ, bà con trên huyện đảo đã ngồi kín ở hội trường xã Đồng Tiến từ rất sớm. Nghe trung tá Phạm Mạnh Ngân - Trưởng phòng pháp luật Cảnh sát biển Vùng I tuyên truyền về pháp luật, bà Nguyễn Thị Nghĩa (67 tuổi) thật thà nói: “Hôm trước, tôi đi viện nghe người ta nói chuyện về biển đảo. Thế là tôi trốn viện về. Hôm nay có các anh Cảnh sát biển nói chuyện về pháp luật, về biển đảo, đến chúng tôi mừng lắm”.

Buổi tuyên truyền pháp luật của Cảnh sát biển Vùng I cho bà con ngư dân. ảnh: Gia Tưởng

Nhà bà Nghĩa làm nghề đánh cá, hai người con trai hiện đều đang bám biển mưu sinh. Nhưng, mãi đến hôm nay, khi được nghe tuyên truyền về pháp luật bà mới biết ranh giới, phạm vi và quyền hạn vùng đánh cá chung với nước láng giềng. Đặc biệt, bà cũng mới biết được nếu trong tình huống bị tàu nước ngoài xâm phạm vùng biển, các con bà sẽ phải lập tức gọi bộ đàm để báo với Cảnh sát biển theo tần số được quy định.

“Tuy các con tôi hôm nay không đi được nhưng với tài liệu và những hướng dẫn đầy đủ, tỉ mỉ, dễ hiểu của Cảnh sát biển, nhất định tôi sẽ về nói lại được với các con”- bà Nghĩa chia sẻ.

Bà Đẩu Thị Quý (53 tuổi), thôn Trường Xuân, Xã Đồng Tiến thì cho biết: “Năm 1997, gia đình tôi từ Nghi Xuân, Hà Tĩnh ra đảo Cô Tô. Khi đó, đảo vắng lắm nên rất buồn. Nhiều lúc tôi còn có cảm giác như mình bị… bỏ quên trên đảo. Những năm qua đảo được đầu tư nhiều, cuộc sống của nhân dân ngày càng phát triển hơn. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được Cảnh sát biển đến tuyên truyền về pháp luật, về biển đảo và những diễn biến mới nhất trên biển. Tôi rất vui vì mình sẽ có thêm kiến thức để về dạy cho con cháu”.

Không chỉ tuyên truyền pháp luật cho mọi công dân sinh sống trên đảo Cô Tô. Cảnh sát biển Vùng I còn tổ chức cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương” với nội dung tìm hiểu về chủ quyền các vùng biển của nước ta. Tham dự cuộc thi, cậu bé Nguyễn Như Mạnh - học sinh lớp 10 A2 Trường THCS Cô Tô cho biết: “Tuy là gười dân đảo, nhưng em vẫn ước sau này được nhiều lần đến Trường Sa, Hoàng Sa, những quần đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Nhưng trước hết chúng em cần ý thức phải học thật tốt, để xây dựng một Cô Tô giàu đẹp và hấp dẫn hơn nữa. Như vậy, cũng là một cách bảo vệ biển đảo quê nhà”.

Ngư dân như “cột mốc sống”

Những hoạt động đồng hành cùng ngư dân của Cảnh sát biển Vùng I đã làm cho người dân và chính quyền huyện

Trọng tâm trong nhiệm kỳ này chúng tôi xác định phát triển mạnh lĩnh vực du lịch, dịch vụ. Hiện đã có nhà đầu tư chiến lược đặt vấn đề quy hoạch phát triển du lịch trên đảo Cô Tô gắn với nhiệm vụ bảo vệ vững chắc quốc phòng-an ninh để nhân dân yên tâm sinh sống, giữ biển bảo vệ đảo”.
Ông Trần Như Long

đảo Cô Tô càng vững tin, bám biển, bám đảo. Trong buổi lễ ký kết hợp tác giữa 2 đơn vị huyện đảo Cô Tô và Cảnh sát biển Vùng I, ông Trần Như Long - Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cô Tô cho biết, huyện đảo như một “pháo đài” bảo vệ ở tuyến khơi với gần 50 hòn đảo lớn nhỏ. Ngoài ra, còn có ngư trường rộng lớn với hơn 300km2, có đường phân định biên giới trên biển dài hơn 190km kéo dài từ đảo Trần đến đảo Bạch Long Vĩ (thành phố Hải Phòng). Cô Tô cũng là nơi duy nhất trên toàn quốc được Bác Hồ cho phép dựng tượng của mình khi Người còn sống. Với vị trí quan trọng như vậy, Đảng bộ và nhân dân Cô Tô xác định rõ trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ thiêng liêng cao cả.

Mỗi người dân Cô Tô sẵn sàng là một chiến sĩ, mỗi ngư dân là một “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền quốc gia trên biển; tích cực tham gia bảo vệ môi trường, cùng các lực lượng vũ trang đảm bảo an ninh trật tự, giữ vững hòa bình và ổn định trên khu vực.

Trong những năm qua, huyện đảo Cô Tô có tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 13 - 15%, thu nhập bình quân hàng năm đạt trên 3.500 USD/người. Huyện đảo xác định lấy kinh tế du lịch - dịch vụ là hướng phát triển chủ đạo, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp. Đặc biệt, Cô Tô cũng là huyện đảo đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới trên toàn quốc.

Gia Tưởng

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/canh-sat-bien-dong-hanh-voi-nhung-cot-moc-song-mot-ngay-tren-dao-tien-tieu-911991.html