Cảnh sát hướng dẫn phòng chống đuối nước dịp nghỉ lễ, du lịch

Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ - Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với Đội Chữa cháy và Cứu nạn, cứu hộ Khu vực 3 và Công an huyện Sóc Sơn tuyên truyền, hướng dẫn đảm bảo an toàn phòng chống đuối nước tại khu vực hồ Đồng Đò và hồ Hàm Lợn, huyện Sóc Sơn.

Cảnh sát PCCC và CNCH hướng dẫn cách cứu người khi bị đuối nước

Theo Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, kế hoạch tuyên truyền nằm trong chương trình Phòng chống đuối nước dịp hè 2023 toàn thành phố.

Trước mắt nhằm hạn chế đến mức thấp nhất xảy ra đuối nước đối với khách du lịch, nhất là trẻ em khi đến vui chơi, nghỉ dưỡng tại khu vực hồ Đồng Đò, hồ Hàm Lợn, huyện Sóc Sơn dịp nghỉ lễ kéo dài.

Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cũng tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, trách nhiệm, hiểu biết của nhân dân, chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng tại huyện Sóc Sơn trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tai nạn đuối nước cho người dân, đặc biệt là trẻ em, học sinh.

Thời gian tới, Phòng Cánh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ tiếp tục đảm bảo sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ giữa các lực lượng Công an với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tiến hành đồng bộ các giải pháp, biện pháp phù hợp tình hình, đặc điểm của địa phương, nhằm chủ động trong công tác phòng ngừa đuối nước.

Ngoài ra, phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ trong việc kịp thời phát hiện, ngăn chặn, tổ chức cứu nạn, cứu hộ đối với các tình huống sự cố, tai nan đuối nước, đặc biệt là đuối nước trẻ em.

Để chủ động phòng ngừa đuối nước trong mùa nắng nóng, Phòng Cánh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo người dân và cộng đồng một số nội dung sau: Trang bị các kỹ năng đảm bảo an toàn và xử lý tình huống khi bơi như: khởi động kỹ trước khi xuống nước, cách xử lý khi bị chuột rút, gặp vùng nước xoáy, cách sơ cứu khi gặp người bị đuối nước…

Đặt biển cảnh báo về những nơi tiềm ẩn nguy cơ đuối nước như sông, suối, ao, hồ, những vùng nước sâu, nước xoáy...

Đối với các bể bơi, chỉ bơi ở những nơi có người và phương tiện cứu hộ đồng thời tuân thủ các quy định của bể bơi, khu vực bơi.

Khi cho trẻ đi bơi cần phải luôn bên cạnh, trông chừng và theo dõi trẻ.

Khi đi tắm biển hay sông, người biết bơi hay không cũng chỉ nên tắm gần bờ, đặc biệt là ở biển, vì dù biết bơi cũng rất khó để bơi do sóng biển đánh liên tục. Chấp hành tốt các quy định về an toàn khi tham gia các phương tiện giao thông đường thủy như mặc áo phao.

Khu vực hồ, đầm Sóc Sơn hàng năm thường xảy ra các vụ đuối nước do trẻ em bơi lội không có người lớn quan sát và việc tuyên truyền, khuyến cáo phòng ngừa là biện pháp hạn chế tai nạn, thương vong

Khi phát hiện người đuối nước cần bình tĩnh xử lý, hô hoán, kêu gọi mọi người đến ứng cứu, giúp đỡ ngay từ khi nhìn thấy nạn nhân (nhanh chóng tìm bất kỳ vật dụng nào để có thể cứu gián tiếp như: cây sào, phao, áo, quần, dây nịt…cho những người bị đuối nước bám vào các vật dụng này để người trên bờ kéo dần vào.

Tuyệt đối không được nhảy theo cứu nạn nhân nếu mình không biết bơi và không biết cách cứu đuối nước, đồng thời gọi điện thoại báo ngay cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo số máy 114.

Khi gặp nạn nhân bị đuối nước, phải nhanh chóng đưa người gặp nạn lên bờ và cần bình tĩnh đánh giá tình trạng của người bị nạn.

Trường hợp nạn nhân bất tỉnh, ngừng tim, ngừng thở, cần áp dụng ngay các biện pháp cấp cứu ngừng tuần hoàn, kiên trì đến khi người bệnh có nhịp tim trở lại thì nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Trong trường hợp người bị đuối nước khi được đưa lên bờ vẫn tỉnh táo, tự thở được, cần lau khô, ủ ấm, đưa họ đến cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/canh-sat-huong-dan-phong-chong-duoi-nuoc-dip-nghi-le-du-lich-post538405.antd