Cảnh sát kỵ binh Nga hoạt động như thế nào?

Cảnh sát kỵ binh có dễ dàng hoạt động trong mùa đông giá rét không? Công việc của họ được các chiến sĩ Tiểu đoàn kỵ binh số 1 của Moscow chia sẻ qua bài viết sau.

Ngoài trời nhiệt độ xuống -13 độ C, một người phụ nữ lớn tuổi cầm ô vừa bước đi trong một vườn hoa nhỏ, vừa nhìn xuống đôi chân của mình. Bà ngẩng đầu lên và thấy một cô gái trong trang phục cảnh sát dắt theo một chú ngựa trắng.

“Cô vuốt nó đi, nó không cắn đâu!”, Elena Agarkova, Thượng sĩ cảnh sát thuộc Trung đội 1 Tiểu đoàn kỵ binh số 1, nói với người phụ nữ bằng nụ cười rạng rỡ.

“Không đâu cháu, cô chỉ sợ chút thôi”, bà đáp lại, nhưng vẫn đưa tay ra vuốt lên trán chú ngựa.

Theo Elena Agarkova, trong lúc tuần tra, những người cao tuổi, những gia đình có trẻ em đi cùng hoặc du khách nước ngoài rất vui mừng khi nhìn thấy ngựa, họ xin vuốt ve hoặc chụp ảnh cùng nó.

Điều kiện gia nhập cảnh sát kỵ binh

Trung đoàn tác chiến số 1 Cảnh sát kỵ binh, nơi Elena và chú ngựa Diktator của cô phục vụ, được thành lập trực thuộc Bộ Nội vụ Liên Xô vào năm 1980. Nhiệm vụ của đơn vị này là đảm bảo an ninh trật tự tại các sự kiện công cộng, như mít tinh, hòa nhạc, lễ hội, các trận bóng đá…

Tổng cộng có khoảng 250 con ngựa phục vụ tại Trung đoàn này. Chúng được lựa chọn từ những trang trại tốt nhất của Nga. Một chú ngựa có tên là Golden Ray đã được Tổng thống Nga Vladimir Putin tặng cho Trung đoàn tác chiến số 1 vào năm 2018.

Thường thì những con ngựa 3-4 tuổi và có lưng cứng cáp hơn thì mới được vào chọn vào Trung đoàn. Những con sinh cùng năm được đặt tên theo cùng một chữ cái trong bảng chữ cái như Courier, Cowboy...

Người phụ nữ qua đường và Thượng sĩ Elena Agarkova bên chú ngựa Diktator. Ảnh: Anton Belitsky.

Trong vòng vài tháng, những con ngựa được huấn luyện để thực hiện các nhiệm vụ của cảnh sát kỵ binh. Theo đó, những nhân viên được đào tạo đặc biệt sẽ huấn luyện chúng đeo yên ngựa, vượt chướng ngại vật, không sợ đám đông tụ tập trên đường và âm thanh lạ.

Khóa huấn luyện kỵ binh kéo dài từ 9 tháng đến một năm. Đối với nam giới, bắt buộc phải có kinh nghiệm phục vụ trong quân đội. Đầu tiên, học viên sẽ được khám sức khỏe và kiểm tra tâm lý. Đội ngũ bác sĩ là những người quyết định sẽ có bao nhiêu kỵ binh cần được huấn luyện cùng với ngựa. Thông thường, thời gian huấn luyện này là 3 hoặc 6 tháng. Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước khởi đầu.

Ban đầu, các kỵ binh được học cưỡi ngựa, đóng yên và đinh móng cho ngựa (lắp các gai chống trượt đặc biệt vào móng ngựa), cũng như học cách tiếp xúc với nó. Quá trình huấn luyện diễn ra trên những con ngựa có tính cách khác nhau, từ hung dữ đến điềm tĩnh nhất để có thể hòa hợp với tất cả trong số chúng. Tuy nhiên không phải ai cũng có thể chịu đựng được điều kiện huấn luyện như vậy.

“Mỗi học viên được cấp một con ngựa, trong đó có nhiệm vụ phải chăm sóc và dọn dẹp cho nó. Có lần, một cô gái bị dị ứng với lông ngựa, nên chúng tôi không thể tuyển cô ấy”, Thiếu tá cảnh sát Vyacheslav Frantsuzov, Đại đội phó thuộc Trung đoàn đặc biệt, cho biết.

Tiếp đó, các kỵ binh chuyển sang Trung tâm huấn luyện, nơi họ được đào tạo nghiệp vụ và kiến thức pháp luật, cũng như được huấn luyện chiến đấu. Cuối cùng, họ phải vượt qua kỳ thi và được tiếp nhận vào phục vụ.

Một ngày hoạt động của cảnh sát kỵ binh

Thượng sĩ Elena Agarkova đã phục vụ cảnh sát kỵ binh được 4 năm. Cô từng học trường cao đẳng cảnh sát, từ nhỏ đã tham gia môn thể thao cưỡi ngựa cùng với người chị sinh đôi của mình, người cũng làm việc tại Trung đoàn kỵ binh.

“Hai chị em tôi đến đây trong một chuyến tham quan, và mọi thứ thật trùng hợp. Đây vừa là việc học hành, vừa là công việc yêu thích của chúng tôi. Vì vậy, hiển nhiên là chúng tôi đã lựa chọn công việc này”, Elena nhớ lại.

Phục vụ cùng Elena Agarkova tại Tiểu đoàn kỵ binh số là chồng cô, Mikhail Agarkov, Thượng sĩ cảnh sát thuộc Trung đội số 2. Từ nhỏ anh đã khát khao được làm việc ở Bộ Nội vụ hoặc phục vụ trong quân đội.

“Trước khi nhập ngũ, tôi cũng quan tâm đến môn thể thao cưỡi ngựa, kết hợp giữa môn này với môn kia. Tôi không thích làm việc ngồi một chỗ trong văn phòng”, Mikhail Agarkov nói.

“Chú ngựa Diktator của tôi cần thường xuyên tiếp xúc với mọi người, nó rất hòa đồng và hiếu động, không thể đứng yên một chỗ. Nếu bạn đi ngang qua mà không vuốt ve nó, thì nó sẽ cụp tai lại”, Thượng sĩ Elena Agarkova nói về chú ngựa của mình.

Trong khi đó, Thượng sĩ Mikhail Agarkov mô tả chú ngựa Erevan của mình chỉ bằng một từ là “Lười biếng”. Anh nói đùa rằng, tất cả các con ngựa đều giống chủ nhân của chúng, còn người chủ thậm chí còn phải nắm bắt được tâm trạng của ngựa. Chính vì vậy, cần phải đến nơi làm việc với tinh thần vui vẻ và làm cho chúng thích thú bằng những món ăn ngon.

Trong một ngày mùa đông bình thường, ca trực của cảnh sát kỵ binh bắt đầu vào lúc 8 giờ 45 phút sáng. Họ đến Trung đoàn và họp giao ban. Tại đây, họ được truyền đạt về thời gian biểu hàng ngày, và nếu cần thiết thì họ được hướng dẫn xác định vị trí những tên tội phạm. Người lính kỵ binh chuẩn bị ngựa của mình, tiếp nhận tất cả các thiết bị cần thiết như còng tay, bộ đàm, dùi cui, máy tính bảng đã cài đặt dữ liệu và giấy tờ công vụ. Ngựa được đưa lên phương tiện vận chuyển đặc biệt là một chiếc xe ngựa có thể chứa 6 con và đi làm việc. Thông thường, chúng được đưa đến một khu rừng công viên, sau đó trở về Trung đoàn, báo cáo kết quả công việc và về chuồng trại.

Khi phục vụ tại các sự kiện công cộng như hòa nhạc, mít tinh hoặc các trận đấu bóng đá, thì thời điểm bắt đầu ca làm việc được dịch chuyển. Đôi khi, cảnh sát kỵ binh làm việc tại những sự kiện này bằng đi bộ mà không có ngựa.

Ngựa được huấn luyện để phục vụ cảnh sát kỵ binh. Ảnh: Anton Belitsky.

Tránh bị lạnh cóng trên lưng ngựa

Cảnh sát kỵ binh làm việc trong điều kiện nhiệt độ thời tiết giảm xuống -25 độ C. Bắt đầu từ -100C họ làm việc theo ca. Trong khi một số hoạt động trong 2 tiếng đồng hồ, thì những người khác sưởi ấm trong xe công vụ.

“Chúng tôi mặc quần áo giữ nhiệt, áo len lông cừu, thậm chí còn sử dụng đáy lót giày và găng tay được sưởi ấm. Trên lưng ngựa, chúng tôi mặc mang những đôi ủng ủ ấm đặc biệt, nhưng chúng liên tục chuyển động, trong khi chúng tôi thì ngồi. Mặt nạ cũng giúp bảo vệ da mặt tránh bị lạnh cóng và nứt nẻ”, Thượng sĩ Elena Agarkova chia sẻ những về những cách tránh bị lạnh cóng khi làm việc trong thời tiết giá rét.

Cả hai vợ chồng Thượng sĩ Elena Agarkova cũng dành toàn bộ thời gian bên những chú ngựa của mình. Họ luyện tập những thao thác cưỡi ngựa phức tạp và tham gia các cuộc thi vượt chướng ngại vật trên lưng ngựa, cũng như tham gia những câu lạc bộ cưỡi ngựa khác.

“Thật khó để mặc bộ áo giáp và đứng trong 6 tiếng đồng hồ, bởi cơ thể sẽ khó chịu nổi, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh giá khiến thần kinh căng thẳng. Nhưng quan trọng nhất là chúng tôi không phải ngồi một chỗ với đống giấy tờ, mà thường xuyên tham gia các hoạt động và phát triển kỹ năng cưỡi ngựa của mình, nhất là chúng tôi coi ngựa như những người thân”, Thượng sĩ Elena Agarkova chia sẻ.

QUỐC KHÁNH (theo Russia Beyond)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-te/quan-su-the-gioi/canh-sat-ky-binh-nga-hoat-dong-nhu-the-nao-684529