Cảnh sát ôm tiểu liên bảo vệ phiên tòa xử phúc thẩm vụ khủng số sân bay Tân Sơn Nhất

Ngay từ khi bắt đầu, toàn bộ khuôn viên và phòng xử bị cách ly hoàn toàn và được cảnh sát cơ động bảo vệ. Các chiến sĩ cảnh sát được trang bị nhiều loại vũ khí nóng như súng ngắn, súng tiểu liên, dùi cui điện...

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Các bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm.

Sáng 4/6 ,TAND cấp cao tại TP.HCM đã mở phiên tòa phúc thẩm xét xử các bị cáo trong vụ khủng bố sân bay Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình).

Vụ án có 16 bị cáo bị truy tố tội “Khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân”, “Tàng trữ trái phép vũ khí quân dụng”, “Không tố giác tội phạm”…

Do tính chất nghiêm trọng của vụ án nên an ninh phiên tòa này được thắt chặt.

Ngay từ khi bắt đầu, toàn bộ khuôn viên và phòng xử bị cách ly hoàn toàn và được cảnh sát cơ động bảo vệ. Các chiến sĩ cảnh sát được trang bị nhiều loại vũ khí nóng như súng ngắn, súng tiểu liên, dùi cui điện...

Ngoài ra, xe cứu hỏa và cứu thương cũng được điều đến túc trực suốt thời gian xét xử.

Những người tham gia phiên tòa đều phải đi quan cổng kiểm tra an ninh, thiết bị mang theo được kiểm tra kỹ càng.

Trước đó, trong phiên tòa sơ thẩm vào tháng 12/2017, các bị cáo lĩnh mức án như sau:

Đặng Hoàng Thiện 16 năm tù và phạt quản chế 5 năm;

Thái Hàn Phong 14 năm tù, phạt quản chế 5 năm;

Ngô Thụy Tường Vy 11 năm tù, phạt quản chế 3 năm; Nguyễn Đức Sinh: 10 năm tù, phạt quản chế 3 năm;

Nguyễn Thị Chung 12 năm tù, phạt quản chế 5 năm.

Các bị cáo khác gồm: Nguyễn Ngọc Tiền 11 năm tù, Vũ Mộng Phong 8 năm tù, Bùi Công Thành 8 năm tù, Đoàn Văn Thế 7 năm tù, Hùng Văn Vương 6 năm tù, Trần Văm No 6 năm tù, Lê Hùng Cường 5 năm tù, Trần Quốc Lượng 5 năm tù, Trương Tấn Phát 5 năm tù, Hoàng Văn Dương 4 năm tù; các bị cáo này đều bị phạt quản chế 3 năm.

Riêng Lê Thị Thu Phương nhận mức án 18 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Không tố giác tội phạm".

Sau phiên sở thẩm có 14/16 bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt.

Theo cáo trạng, từ cuối năm 2016, Đào Minh Quân, Phạm Lisa và một số đối tượng phản động trong và ngoài nước đã lôi kéo nhiều người trong nước thành lập các “nhóm hành động”.

Các nhóm được đặt tên rất “kêu” như “Phượng Hoàng”, “Mãng Xà”, “Biệt động quân”, “Vệ binh quốc gia”, “Biệt đội Black Tiger”, “Đại Việt” để thực hiện ý đồ khủng bố, ám sát cán bộ, phá hoại các mục tiêu, công trình trọng điểm trong nước.

Ngày 22/4/2017, Đặng Hoàng Thiện và Ngô Thị Tường Vy cùng Trương Tấn Phát sử dụng 2 thùng các tông là 2 bom xăng tự chế đi vào đặt trong sân bay Tân Sơn Nhất. Trong đó, Đặng Hoàng Thiện là người chủ mưu, lên kế hoạch, phân công các đối tượng.

Tuy nhiên, kế hoạch không thành công do 2 quả bom bị trục trặc kỹ thuật. Vụ việc được Cơ quan an ninh phát hiện ngay sau đó và nhanh chóng xử lý, hành khách và hoạt động của sân bay không bị ảnh hưởng.

Ngoài sự việc trên, các bị cáo còn thực hiện hành vi đốt kho tạm giữ xe vi phạm của Công an thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, phá hủy 320 chiếc xe, gây tổng thiệt hại gần 1,3 tỷ đồng.

Các đối tượng cũng có nhiều hành vi mua bán trái phép vũ khí quân dụng, chế tạo các loại bom xăng, bom khói nhằm thực hiện các hành vi khủng bố nơi công cộng, khu vực quan trọng khác.

Nguyễn Cường

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/canh-sat-om-tieu-lien-bao-ve-phien-toa-xu-phuc-tham-vu-khung-so-san-bay-tan-son-nhat-post264374.info