Cánh tay bionic mở ra cuộc sống tốt đẹp hơn

Edmund Rath, 53 tuổi đến từ Áo muốn thực hiện được những công việc giản đơn bình thường như đánh răng hay cắt bánh mì. Hầu hết, tất cả mọi người đều có thể làm được những việc đó một cách dễ dàng nhưng với Rath thì khác. Ông đã mất đi cả cánh tay từ vai trở xuống trong tai nạn xe tải diễn ra vào năm ngoái và đã kết thúc sự nghiệp thợ xây của ông.

Ông Edmund Rath đang thực hiện động tác với cánh tay nhân tạo

Ông đã may mắn được các bác sĩ phẫu thuật người Áo chọn làm người đầu tiên trải qua một lần phẫu thuật duy nhất vào tháng 5 để lắp đặt cánh tay giả có thể khóa chắc vào cơ thể và điều khiển bằng các tín hiệu não gửi tới bàn tay bị mất.

Thủ tục tích hợp xương (gọi tắt là OI) bao gồm việc cấy một thanh kim loại vào phần xương còn lại trên cơ thể của cánh tay đã mất. Thanh có một đầu nối ngoài để kết nối cánh tay giả với phần xương cánh tay trên của ông.

Trong cuộc phẫu thuật được truyền hình trực tiếp tại một hội nghị công nghiệp ở Vienna, các bác sĩ đã kết nối các dây thần kinh từng được sử dụng để điều khiển bàn tay bị mất với cơ bắp của cánh tay trên - một thủ thuật mang tên gọi là Targeted Muscle Reinnervation. Giờ mỗi khi ông tưởng tượng cử động bàn tay của mình, các cơ bắp vai của ông sẽ co lại và được đọc bởi các điện cực của cánh tay giả để thực hiện hành vi dự định.

Thử thách của Rath là phải tăng sức mạnh bản thân và học các kỹ năng để có thể thực hiện các hoạt động bình thường một cách đơn giản nhất có thể. “Tôi không muốn thay đổi được thế giới, nhưng thực hiện được các việc nhỏ nhoi hằng ngày là mục tiêu của tôi và tôi muốn đạt được nó càng sớm càng tốt” - Rath trao đổi với truyền thông.

Trải nghiệm của ông có thể có ý nghĩa toàn cầu. Có hàng triệu người cụt tay đang sống trên toàn cầu. Bản thân đất Mỹ cũng đã có khoảng 2 triệu dân là người cụt tay. Con số này dự kiến sẽ tăng lên tỉ lệ thuận với sự gia tăng của các căn bệnh như tiểu đường.

Nhu cầu chi giả đặc biệt cao ở những cựu chiến binh Mỹ đã đánh mất một phần cơ thể của mình trong những trận chiến Trung Đông, theo Horst Aschoff - Chuyên gia về OI đến từ ĐH Y Hannover ở Đức cho biết. Công nghệ kết hợp chi giả với cơ thể người trong nhiều thế kỷ không thay đổi nhiều. Chúng được kết nối thẳng vào phần còn lại của chi bị cụt thông qua một ổ cắm tùy chỉnh, nhưng thường sẽ bị ướt mồ hôi, gây dị ứng trên da và hạn chế cử động, nên thường những người khuyết tật cuối cùng sẽ không đeo chúng lên. Thủ thuật OI được phát hiện lần đầu trong thập niên 50 bởi nhà nghiên cứu Per-Ingvar Branemark đến từ Thụy Điển và sử dụng cho việc cấy ghép trong nhà.

Ca cấy ghép bằng thủ thuật OI cho người cụt tay đầu tiên diễn ra tại Thụy Điển vào năm 1990. Phẫu thuật dạng này được tiến hành ở các nước phương Tây và thường thực hiện ở các chi dưới. Chuyên gia từ châu Âu, Úc và Mỹ đang dẫn đầu trong việc tìm kiếm một giải pháp. Rath cho biết, cuộc cấy ghép OI đã cho phép ông cử động cánh tay của mình một cách tự do hơn so với chuyển động hạn chế mà ổ cắm trên đoạn cụt cho phép.

Tuy nhiên, để học cách sử dụng cánh tay máy của ông được cung cấp bởi nhà sản xuất bộ phận giả Ottobock cần có sự luyện tập hàng ngày. “Bạn cần tập trung cao độ để có thể điều khiển cánh tay một cánh chính xác và việc đó thật là tốn nhiều năng lượng mà” - ông trao đổi tại Trung tâm nghiên cứu của Ottobock ở Vienna.

Phải mất 6 tuần để các dây thần kinh được cấy ghép mọc sâu vào trong cơ bắp của ông và ông hiện giờ có thể kiểm soát được 6 chức năng cánh tay máy, như mở và đóng bàn tay. Một trong các tính năng của thủ thuật OI là người sử dụng có thể cảm thấy một chút rung động cơ học xảy ra trong xương của họ - hiện tượng còn được gọi tên là osseoperception (cảm nhận từ xương), nhưng cho đến thời điểm hiện tại, vẫn không có sản phẩm thương mại nào có thể phục hồi lại cảm giác bị mất.

Theo Reuters, Japantoday

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/canh-tay-bionic-mo-ra-cuoc-song-tot-dep-hon-3962628-b.html