'Cánh tay nối dài' chăm sóc sức khỏe cho nhân dân biên giới (bài 2)

Trên các tuyến biên giới, còn rất nhiều cán bộ quân y Biên phòng như bác sĩ Đức, bác sĩ Linh... ngày đêm bám địa bàn lặng thầm chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần tô thắm tình đoàn kết quân dân nơi biên giới.

Bài 2: Địa chỉ tin cậy của người dân vùng khó khăn

Xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia, hơn 20 năm về trước, Bộ Tư lệnh BĐBP đã có chủ trương đầu tư, xây dựng hệ thống phòng khám quân dân y kết hợp ở địa bàn biên giới khó khăn, cách trở. Cùng với trang thiết bị y tế, những cán bộ quân y “vừa hồng, vừa chuyên” tại các cơ sở y tế của BĐBP đã có nhiều đóng góp quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc thiểu số ở địa bàn vùng sâu, vùng xa.

Bác sĩ, Thiếu tá Lê Anh Đức (thứ 2, từ trái sang) đến khám bệnh và tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương phòng, chống dịch bệnh. Ảnh: Viết Lam

“Cánh tay nối dài” của ngành y tế địa phương

BĐBP là lực lượng nòng cốt, chuyên trách quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia, chủ trì đảm bảo an ninh trật tự tại khu vực biên giới. Phần lớn các đồn, tổ, trạm Biên phòng đều ở những địa bàn cách trở về giao thông, điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt, nơi có phần lớn dân cư là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống. Trong điều kiện đó, vấn đề chăm sóc sức khỏe cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên địa bàn luôn được các đơn vị BĐBP đặc biệt quan tâm.

Cùng với đội ngũ quân y tại các đồn Biên phòng, hơn 20 năm về trước, BĐBP đã đầu tư xây dựng các cơ sở quân dân y kết hợp ở những khu vực biên giới đặc biệt khó khăn. Các phòng khám, trạm quân dân y sát cánh với ngành y tế địa phương thực hiện chức năng khám, chữa bệnh và tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước, hỗ trợ BĐBP bảo vệ biên giới.

Tính đến nay, trên các tuyến biên giới đã có 102 phòng khám quân dân y kết hợp của lực lượng BĐBP đang hoạt động thường xuyên, hiệu quả. Theo ước tính mỗi năm, các phòng khám quân dân y kết hợp của lực lượng BĐBP trên các tuyến biên giới đã khám, chữa bệnh cho trên 150 nghìn lượt người, cấp thuốc miễn phí với số tiền trị giá hàng tỷ đồng. Ngoài ra, BĐBP đã phối hợp với ngành y tế triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế trên địa bàn biên giới, tham gia tích cực, hiệu quả trong phòng, chống dịch bệnh như: Sốt rét, sốt xuất huyết, tả, thương hàn, lỵ, tiêu chảy, cúm, viêm đường hô hấp và các dịch bệnh mới nổi như: Ebola, Mers-CoV, Covid-19, đậu mùa khỉ...

Đặc biệt, hình ảnh người “thầy thuốc quân hàm xanh” còn được ghi nhận trong việc tham gia khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân biên giới các nước Lào, Campuchia.

Hiện nay, BĐBP các tỉnh như: Hà Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Trị... đang duy trì số lượng phòng khám quân dân y kết hợp khá lớn và phát huy hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Lâm Chi, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Trị cho biết: “Các cơ sở quân dân y kết hợp của các đơn vị Quân đội trên địa bàn, trong đó có 7 phòng khám của BĐBP đang phối hợp chặt chẽ với ngành y tế cơ sở thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc sức khỏe cho nhân dân biên giới, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống ở những bản làng khó khăn. Đội ngũ y, bác sĩ mang quân hàm xanh còn tham gia hiệu quả trong công tác cứu hộ, cứu nạn, phòng, chống thiên tai, phòng, chống dịch và triển khai hoạt động tiêm chủng”.

Tô thắm tình đoàn kết quân dân

Bằng tinh thần trách nhiệm của người lính, trình độ chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đội ngũ y, bác sĩ tại các phòng khám quân dân y kết hợp của BĐBP đã góp sức tích cực trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân biên giới. Nhiều cán bộ quân y BĐBP trên các tuyến biên giới được đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn luôn tin yêu, kính trọng. Quá trình tác nghiệp ở địa bàn biên giới tỉnh Nghệ An, chúng tôi được nhiều người dân nhắc đến bác sĩ, Thiếu tá Lê Anh Đức, cán bộ quân y Đồn Biên phòng Tri Lễ, BĐBP Nghệ An (tăng cường thực hiện nhiệm vụ tại Trạm Y tế xã Tri Lễ, huyện Quế Phong).

Bác sĩ, Thiếu tá Hoàng Ngọc Linh khám bệnh, cấp thuốc cho nhân dân trên địa bàn. Ảnh: Ngọc Lân

Qua tìm hiểu được biết, Thiếu tá Lê Anh Đức có trên 25 năm phục vụ trong Quân đội. Trước khi về công tác tại địa bàn Tri Lễ, anh đã có nhiều năm thực hiện nhiệm vụ ở các xã thuộc diện khó khăn nhất phía Tây tỉnh Nghệ An như: Keng Đu, Na Ngoi (huyện Kỳ Sơn), Tam Hợp (huyện Tương Dương)... Ở bất kỳ nơi đâu, bác sĩ Đức cũng luôn nỗ lực nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi để nâng cao trình độ chuyên môn, tự học ngôn ngữ của đồng bào để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và đồng đội được tốt hơn. Không chỉ phục vụ tại cơ sở y tế, bác sĩ Đức còn đến các bản làng, tới từng nhà dân khám bệnh, cấp thuốc, vận động bà con ăn uống, sinh hoạt bảo đảm giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để phòng tránh dịch bệnh, đồng thời tuyên truyền về nếp sống văn hóa, văn minh. Những năm gần đây, anh còn được biết đến là người sáng chế ra bài thuốc giải độc cho các nạn nhân do ăn phải lá ngón, giúp cứu sống hàng trăm người trong lúc nghĩ quẩn tìm đến loại độc dược này để kết thúc cuộc sống.

Trong đội ngũ quân y của BĐBP, bác sĩ, Thiếu tá Hoàng Ngọc Linh, phụ trách Phòng khám quân dân y kết hợp Ia Rvê, Đồn Biên phòng Ia Rvê, BĐBP Đắk Lắk được mệnh danh là người có “bàn tay vàng”. Anh được đào tạo chuyên ngành bác sĩ đa khoa, nhưng trong điều kiện công tác ở địa bàn mà ngành y tế cơ sở còn thiếu thốn, bác sĩ quân y đã quyết tâm học thêm Đông y để có khả năng giúp được nhiều người dân mắc bệnh hiểm nghèo. Anh đã trích lương để mua sách y khoa, y dược tự học tập, nghiên cứu và quyết tâm chữa bệnh bằng Đông - Tây y kết hợp.

Rồi trong một lần nghỉ phép về quê vợ ở Cao Bằng, anh bén duyên với thầy thuốc gia truyền người dân tộc Cao Lan và bày tỏ tâm nguyện được học nghề để chữa bệnh miễn phí cho nhân dân. Thấu hiểu thiện tâm của bác sĩ mang quân hàm xanh, thầy thuốc người dân tộc Cao Lan đã “phá rào” để truyền dạy cho anh môn trường châm (châm kim dài xuyên nhiều kinh lạc, nhiều huyệt đạo, khác với châm cứu bằng kim ngắn vào 1 kinh, 1 huyệt). Phương pháp này có tác dụng điều trị một số bệnh khó như: Rối loạn tiền đình và một số bệnh lý về xương khớp, bị di chứng sau tai biến...

Những tháng ngày bác sĩ Linh miệt mài vừa học, vừa làm việc, bản thân anh đã cứu chữa được hàng trăm trường hợp bị đau lưng, bệnh lý xương khớp do lao động nặng nhọc. Nhiều người dân trên địa bàn bị liệt nửa người sau tai biến đã phục hồi đi lại được. Nhiều bà con còn được bác sĩ Linh sử dụng cây thuốc nam tại chỗ, chữa khỏi nhiều loại bệnh khác nhau.

Trên các tuyến biên giới, còn rất nhiều cán bộ quân y Biên phòng như bác sĩ Đức, bác sĩ Linh... ngày đêm bám địa bàn lặng thầm chăm sóc sức khỏe cho đồng bào các dân tộc thiểu số, góp phần tô thắm tình đoàn kết quân dân nơi biên giới.

Bài 3: Phát huy hiệu quả phòng khám quân dân y kết hợp

Viết Lam - Ngọc Lân - Anh Dũng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/canh-tay-noi-dai-cham-soc-suc-khoe-cho-nhan-dan-bien-gioi-bai-2-post470666.html