Cánh tay nối dài của ngành Y tế

Hình ảnh cô đỡ thôn bản băng rừng, vượt suối tìm đến chị em đang mang bầu, chuẩn bị sinh nở để tư vấn cách chăm sóc sức khỏe của bản thân, theo dõi sự phát triển của thai nhi và trở thành bà đỡ khi người dân không có điều kiện tiếp cận với dịch vụ y tế.

Sự đồng hành không mệt mỏi của các cô đỡ đã góp phần không nhỏ vào việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và bà mẹ tại vùng khó trong cả nước.

Thay đổi thói quen của người dân

Sinh tại nhà, sinh trên ruộng hay trong rừng và trên đường đi là hình ảnh không quá hiếm với sản phụ khu vực miền núi, vùng khó khăn. Mới đây, 3 cô giáo Trường Tiểu học Phà Đánh (Kỳ Sơn, Nghệ An) trên đường đi dạy học về đã trở thành bà đỡ bất đắc dĩ cho sản phụ có dấu hiệu sinh khi đang trên đường đến bệnh viện.

Cho dù không được đào tạo chuyên ngành nhưng các cô đã đỡ đẻ thành công cho sản phụ và cùng người nhà vào bản xin quần áo, chăn ấm để đảm bảo sức khỏe cho hai mẹ con trên đường đến cơ sở y tế.

Đẻ tại nhà, đẻ trên đường đi và thậm chí đẻ một mình là hình ảnh quen thuộc với người dân miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Có nhiều nguyên nhân liên quan đến tình trạng trên, có thể do quan niệm, hủ tục, do nhận thức và việc không có nhiều cơ hội được tiếp cận với dịch vụ y tế cơ sở.

Theo chia sẻ của cô đỡ Y Ngọc (Đắk Sao, Tu Mơ Rông, Kon Tum), phụ nữ ở quê cô cũng vậy. Việc có thai, sinh đẻ với người dân dễ như trở bàn tay. Có bầu dù lớn, dù bé, họ vẫn lên rẫy làm bình thường. Họ cũng hiếm khi đi khám sức khỏe lúc ốm đau nên việc phụ nữ trong suốt hành trình mang thai không biết đến đo huyết áp, đếm nhịp tim thai nhi… là điều bình thường.

Do không được tư vấn từ nhân viên y tế nên phụ nữ người dân tộc có thể đẻ ở bất kỳ đâu. Đẻ tại nhà, đẻ trên rẫy với sự giúp sức của người thân chứ ít khi nhờ người ngoài vì xấu hổ. Vượt cạn đã vậy, việc nuôi con cũng theo kiểu truyền miệng. Thế hệ trước làm thế nào, thế hệ sau làm vậy nên có những cái không đúng, không khoa học. Đây có lẽ là lý do chính khiến trẻ miền núi luôn còi cọc, chậm phát triển hơn miền xuôi.

Cánh tay nối dài của ngành Y

Cô đỡ thôn bản là những người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Họ được tham gia khóa đào tạo về y tế kéo dài 9 tháng để cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn cho phụ nữ đang mang thai tại các vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn.

Cô đỡ thôn bản có cùng văn hóa, phong tục tập quán, vì vậy họ dễ dàng tiếp cận và sử dụng ngôn ngữ của dân tộc mình để tuyên truyền vận động và cung cấp dịch vụ làm mẹ an toàn ngay tại thôn bản.

Từ khi Bộ Y tế triển khai chương trình cô đỡ thôn bản đến nay đã có gần 3 ngàn cô hoạt động tại hơn 8 ngàn thôn bản khó khăn. Sự xuất hiện của đội ngũ trên tại nơi khó khăn nhất đã góp phần đáng kể vào việc giảm tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh và phụ nữ.

Số liệu của Bộ Y tế cho thấy, tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 51 vào năm 1990 xuống còn 24 vào năm 2013, và giảm tử vong bà mẹ từ 140 vào năm 1990 xuống chỉ còn 49 (trong 100.000 ca sinh sống) vào năm 2013. Xu hướng giảm này tiếp tục được duy trì vào những năm 2013 - 2015, 2015 - 2017.

Nói về tầm quan trọng của cô đỡ thôn bản, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến chia sẻ: Cô đỡ thôn bản không đơn thuần là đỡ đẻ mà phạm vi hoạt động của họ ngày càng mở rộng. Có thể ví công việc của họ như một trạm y tế thu nhỏ; bởi ngoài đỡ đẻ, cô đỡ còn tư vấn cách chăm sóc trẻ và bà mẹ, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, tiêm chủng đồng thời phát hiện nguy cơ ở thai phụ và tư vấn chuyển tuyến để hạn chế tử vong không đáng có…

Nhìn vào công việc của cô đỡ thôn bản mới thấy họ chính là cánh tay nối dài của ngành Y tế tới vùng sâu vùng xa, là cầu nối giữa cơ sở y tế với người dân… Sự tồn tại của họ quan trọng với cộng đồng là vậy, nhưng đến nay chưa có chính sách hỗ trợ rõ ràng với đội ngũ này.

Hiện tùy theo điều kiện, mỗi địa phương có cách hỗ trợ khác nhau, nơi nhiều nơi ít nên việc duy trì, nhân rộng mô hình trên đang gặp nhiều khó khăn. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến người dân từng địa phương và xa hơn là toàn xã hội.

Dù có nhiều cố gắng, nhưng sự chênh lệch vùng miền về tình trạng sức khỏe của bà mẹ, trẻ em, tỷ lệ tử vong sơ sinh, tử vong trẻ dưới 5 tuổi và tử vong bà mẹ vẫn có sự chênh lệch lớn giữa vùng khó khăn và thuận lợi. Trung bình, tỷ lệ tử vong trẻ em ở khu vực miền núi cao hơn 3 - 4 lần so với đồng bằng và thành thị. Điều đáng nói, có nhiều nguyên nhân gây tử vong có thể dự phòng nhờ sự xuất hiện của cô đỡ thôn bản.

Ánh Hồng

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/canh-tay-noi-dai-cua-nganh-y-te-3917265-b.html