Cảnh trái ngược ở TP.HCM, Hà Nội trong ngày đầu làm việc sau Tết

Trong khi những quán cơm trưa ở TP.HCM vẫn đóng cửa, neo khách, nhiều hàng ăn tại Hà Nội đã lấy lại không khí đông vui, nhộn nhịp sau Tết Nguyên đán.

Ra khỏi văn phòng vào giờ nghỉ, Nguyễn My, làm việc ở một công ty nước ngoài gần tòa nhà Bitexco (phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM), đảo quanh các điểm ăn uống quen thuộc.

Nhiều hàng quán còn đóng cửa, My không có nhiều lựa chọn dành cho bữa trưa. Thời gian ít ỏi, cô chọn món bún chả cua ở quán lạ để nhanh chóng quay lại công việc.

“Tôi không thường xuyên ăn món này nhưng không có nhiều sự lựa chọn. Khác với nhiều văn phòng trong nước, công ty tôi không đón xuân lâu, mọi người bắt nhịp ngay khi vào làm”, My cho hay.

Ngày 27/1, dân văn phòng ở thành phố lớn bắt đầu trở lại nơi làm việc. Tuy nhiên, khác với không khí tấp nập như nhiều người hình dung, đường phố và các hàng quán ở khu quận 1 (TP.HCM) vẫn khá vắng vẻ.

Đặc biệt, nhiều tiệm cơm trưa văn phòng chỉ có lác đác vài vị khách vì lượng lớn người đi làm vẫn chưa quay lại sau kỳ nghỉ Tết.

Còn ở Hà Nội, các cửa hàng ở khu trung tâm quận Hoàn Kiếm rục rịch mở hàng, đón tiếp cả những người vẫn đi chơi xuân lẫn những hội, nhóm công sở gặp mặt sau Tết.

Nhân viên ở các tòa cao ốc Sunwah và Bitexco kiếm nơi ăn uống vào giờ nghỉ trưa.

Dân văn phòng chưa trở lại

Chủ tiệm phở Cao Vân (trên đường Mạc Đĩnh Chi, quận 1, TP.HCM) cho biết hôm nay khách đến quán đa số là gia đình, người lớn tuổi dậy sớm đi tập thể dục, ăn sáng, dân văn phòng chỉ chiếm số lượng nhỏ.

Khác với khung cảnh thường ngày, nơi này kém tấp nập hơn khi gần đến giờ trưa. Qua 11h, trong quán chỉ có lác đác vài vị khách quen.

“Nhiều người lên công ty cúng tân niên, ăn tiệc khai xuân rồi về chứ chưa đi làm hẳn. Mong mùng 9 (tức thứ hai, ngày 30/1) nhịp buôn bán sẽ trở lại như cũ”, chủ tiệm chia sẻ.

Các địa điểm ăn uống phổ biến với giới công sở tại TP.HCM chỉ có khách gia đình, ít dân văn phòng.

Tương tự, không khí yên ắng cũng diễn ra ở con hẻm 53 Nguyễn Huệ (quận 1, TP.HCM). Với mức giá dao động 30.000 đồng-65.000 đồng, đây là chỗ ăn uống nổi tiếng với dân văn phòng làm việc ở các tòa nhà gần phố đi bộ, cung đường Hồ Tùng Mậu, Huỳnh Thúc Kháng.

“Nay có món gà quay, bún gạo xào, cơm bò, sườn, xá xíu… Bên em đặt mấy phần, giao qua địa chỉ cũ đúng không?”, chị Hương, chủ một quán cơm trưa, vừa ghi món ra giấy, vừa lấy thông tin của khách qua điện thoại.

Những ngày bình thường, quán cơm chưa rộng đến 30 m2 của chị luôn kín bàn từ 11h trở đi. Nhưng hôm nay, qua 12h, hai dãy bàn dọc lối đi mới tạm lấp đủ.

“Chắc thứ 2 họ mới đi làm lại, sáng giờ tôi chưa thấy khách công ty ra đây. Cũng có vài người bận quá nên gọi tôi giao tới chứ không ra ăn. Bình thường, trưa tầm 12h là dân văn phòng ùa ra, tôi với nhân viên làm không kịp”, chị Hương nói.

Nhờ thực đơn đa dạng, giá cả phải chăng, chất lượng tạm ổn nên quán chị Hương có rất nhiều “khách ruột”. Một trong số đó là chị Ánh Ngọc (sinh năm 1989), làm việc ở Kho bạc Nhà nước TP.HCM.

Ánh Ngọc chọn tiệm cơm quen thuộc trong khi Nguyễn My thử thưởng thức món mới trong ngày đầu đi làm.

Ngày đầu trở lại cơ quan, chị Ngọc chia sẻ đã chọn bộ áo dài xanh để "hợp mệnh" với mong muốn “lấy hên”, cầu cho công việc suôn sẻ cả năm. Tranh thủ giờ nghỉ, chị ghé qua quán quen để thưởng thức món cơm gà yêu thích.

“Nơi tôi làm cũng tổ chức họp mặt, chúc Tết và lì xì cho các nhân viên sau những ngày nghỉ Tết. Tuần sau chắc văn phòng sẽ đông hơn”, chị chia sẻ.

Nguyên Long, Giám đốc của Ann Quán (trên đường Ngô Đức Kế, quận 1, TP.HCM), cho hay trong mùng 6, nhà hàng chỉ duy trì 1/3 nhân viên ở tất cả vị trí.

Nguyên Long đã chuẩn bị xong các khâu về nhân sự, nguyên liệu để chào đón khách trở lại sau Tết.

Lượng đặt bàn cũng tương đối nhưng chủ yếu tập trung vào buổi chiều. Ngoài cơm trưa, nơi này còn phục vụ cà phê, alacarte và các món nhậu bữa tối. Giá trung bình cho một khách dao động từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng.

“Theo tôi quan sát, dân văn phòng chưa quay trở lại nhiều, chỉ có một số ít lên chúc Tết sếp, dự tiệc tân niên. Bình thường quán tôi có khoảng 60-70 nhân sự nhưng hôm nay đi làm tầm 30%. Chắc thứ 2 nhân viên mới lên đủ và khách cũng đông hơn”, Long nói.

Hà Nội khai xuân hàng quán

Tại Hà Nội, thời tiết vẫn ở ngưỡng rét đậm trong ngày đầu đầu học sinh, dân công sở đi làm trở lại.

Theo ghi nhận của Zing, không khí các hàng ăn, quán cà phê ở các tuyến phố như Lý Thường Kiệt, Bà Triệu, Hai Bà Trưng, Trần Hưng Đạo - nơi tập trung đông trường học, trụ sở văn phòng - đã nhộn nhịp, tấp nập trở lại.

Anh Hải Nguyễn, CEO chuỗi cà phê Coffilia trên phố Lý Thường Kiệt, chia sẻ quán hoạt động xuyên Tết vừa qua, do đó nhân viên không gặp nhiều khó khăn khi bắt nhịp lại lịch làm việc cũ.

Nếu trong những ngày nghỉ lễ, khách hàng đa phần bao gồm các nhóm bạn trẻ, gia đình đến tụ tập, thì vào ngày khai xuân, quán lại đón đông dân văn phòng đến trò chuyện, lì xì và chụp ảnh kỷ niệm. Ngoài ra, khách ghé quán cũng sớm hơn, thay vì tập trung từ cuối buổi sáng trở đi như tuần vừa qua.

Từ mùng 6 Tết, menu đồ uống với đầy đủ món cũng được áp dụng trở lại. “Trong các ngày 30 Tết đến mùng 3, quán đóng cửa sớm để các bạn nhân viên cũng có thời gian đón Tết. Còn từ mùng 4 trở đi, giờ hoạt động kéo dài đến tối”, anh Hải chia sẻ.

“Quán mới khai trương chưa lâu, tôi khá hài lòng khi toàn thể team cố gắng giữ mọi thứ vận hành suôn sẻ trong dịp lễ. Không có nhiều thời gian nghỉ ngơi, chúng tôi lại bận rộn với các kế hoạch ngay sau Tết để quán kinh doanh tốt hơn”, anh Hải nói thêm.

Anh Hải chia sẻ sau 7 ngày nghỉ lễ, cửa hàng cà phê tiếp tục duy trì lượng khách ổn định. Ảnh: Coffilia.

“Nay quán em mở lại rồi ạ”, “Cho 3 suất chả miếng, 6 nem, thêm rau sống” – từ đầu giờ trưa, anh Linh, quản lý tại cửa hàng bún chả, nem cua bể trên phố Mai Hắc Đế (quận Hai Bà Trưng) vừa bận rộn trả lời điện thoại, vừa bận sắp xếp khách đến ăn.

“Đa phần mọi người đều đã chán thịt gà, bánh chưng sau tuần qua nên bún chả được nhiều người chọn để giải ngấy, dễ tiêu”, anh chia sẻ.

Theo truyền thống, vào ngày mùng 6 Tết, cửa hàng mở hàng khai xuân. Từ sáng sớm, nhân viên bắt đầu quay về nhịp làm việc bình thường, tất bật chuẩn bị các nguyên liệu cần thiết.

“Ngày đầu mở hàng, quán chủ trương bán vừa đủ, hết hàng sẽ dừng để lấy may đầu năm; ngoài ra, nay là sát ngày cuối tuần, nhiều bên vẫn đang nghỉ Tết. Lượng nguyên liệu nhập vào cũng ít hơn ngày thường. Các hôm sau sẽ dựa vào tình hình để cân đối lại”, anh Linh cho biết.

Theo anh Linh, trong buổi đầu bán lại, lượng đơn đặt trên ứng dụng giao đồ ăn chưa thể đông bằng ngày thường, nhưng đơn đặt với số lượng hàng nhiều lại chiếm ưu thế, vì các phòng ban cũng thường tổ chức liên hoan ăn uống sau Tết.

Ngày đầu mở hàng, nhân viên quán bún chả bận rộn từ sáng, khách kéo đến đông như thường lệ.

Nếu khung 10-11h30 có đông người gọi đến mang về, shipper tới lấy món, từ 12h đến 14h lại có đông khách qua ăn trực tiếp, các bàn ăn kín chỗ.

Khoảng 10 người làm hoạt động không ngơi tay, người chan mắm, người quạt chả, người bưng bê, nhận order và thu tiền. Vì lượng khách đổ dồn vào trưa, quán phải gói sẵn hàng chục túi bao gồm bún, chả, rau và gia vị để sẵn cho người mua về.

Gọi một suất đầy đủ, Linh Đỗ (25 tuổi, quận Hai Bà Trưng) cho hay sang tuần cô mới phải đi làm, nhưng muốn “đổi vị” sau nhiều hôm “ăn uống quần quật” với các món truyền thống, đồng thời tiện ra ngoài tranh thủ gặp mặt bạn bè.

Theo quan sát của Linh, quán đông khách hơn cô nghĩ vào ngày đầu mở lại, vì có khá nhiều nhân viên công sở giống cô hiện vẫn được nghỉ nốt tuần này.

“Tôi thấy đồ ăn vẫn đảm bảo chất lượng, thời gian chờ đợi mất khoảng 5 phút. Bát bún chả bưng ra vẫn còn nóng hổi ở cả nước mắm và thịt chả, hợp ăn vào tiết trời lạnh rét này”, cô cho biết.

Phương Thảo - Trà My

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/canh-trai-nguoc-o-tphcm-ha-noi-trong-ngay-dau-lam-viec-sau-tet-post1396798.html