Cảnh Trần - Chàng trai xứ Mường mê hát Opera từng đi bán vé bể bơi

Trần Quang Cảnh (nghệ danh Cảnh Trần), chàng trai xứ Mường từng đi bán vé bể bơi để theo đuổi ước mơ trở thành một ca sĩ Opera.

Tại Cuộc thi hát Thính phòng - Nhạc kịch - Hợp xướng toàn quốc năm 2023, Trần Quang Cảnh (nghệ danh Cảnh Trần) đã đạt giải nhất bảng A. Hành trình chinh phục giấc mơ trở thành một ca sĩ Opera của chàng trai xứ Mường này cũng đầy rẫy gian nan.

Chuyến xe bus và điểm dừng định mệnh

Tôi gặp Cảnh Trần ngay sau khi đạt giải cao nhất của cuộc thi. Chàng trai 23 tuổi quê ở huyện Lương Sơn (Hòa Bình) khóa rụt rè khi nói về hành trình đến với đam mê của mình. Cảnh nhớ dấu mốc gắn với ca hát là khi học xong cấp III. Lúc đó, Cảnh chưa biết mình sẽ đi con đường nào, chỉ biết mình rất thích hát.

“Vậy nên tôi đánh liều bắt xe bus ra Hà Nội. Thậm chí tôi còn không biết đi chuyến nào, về đâu, sẽ đến đâu. Tôi cứ lên đại một chuyến. Tình cờ thế nào, chuyến đó vô tình dừng lại ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, khi tàu điện trên cao chưa xây xong”- Cảnh Trần kể.

Một điểm dừng như là định mệnh ấy càng tiếp thêm động lực cho niềm đam mê với âm nhạc của Cảnh. Lúc chưa thi, Cảnh làm nhân viên bán vé của bể bơi, lịch làm việc từ 5 giờ sáng đến 21 giờ hàng ngày.

Trần Quang Cảnh (nghệ danh Cảnh Trần) thể hiện ca khúc 'Côn Đảo' của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Ảnh: VIẾT THỊNH.

“Nghĩ lại lúc đó thấy mình thật giỏi. Ngày nào cũng vậy. Khi đi học, 5 giờ tôi dậy, tranh thủ học lúc trưa, rồi lại đi làm. Những ngày trời mưa lạnh, xe bus chạy qua mà không kịp đón, tôi có lúc đã muốn buông xuôi”- Cảnh tâm sự.

NSND Quốc Hưng nói, lúc mới vào trường Cảnh như một trang giấy trắng. “Cảnh có tố chất tốt, quan trọng có đam mê, bám thầy dai như đỉa. Ở các buổi học, em đều đến rất sớm; cả những buổi không học em cũng đến, để nếu có ai nghỉ là em sẵn sàng nhảy lên thế chỗ trống ngay. Giọng hát của em rất đẹp, rất tình”.

Truyền đam mê âm nhạc thính phòng cổ điển đến với khán giả trẻ

Trước khi tham gia và giành giải Nhất bảng A (từ 18 đến 23 tuổi), Cảnh Trần đã cọ xát để học hỏi kinh nghiệm tại một số cuộc thi ca hát như: Sao Mai 2022, Giọng hát hay Hà Nội 2022, Thanh âm Hà Nội 2022.

Tuy nhiên, trong suốt hành trình theo đuổi đam mê âm nhạc của mình, Cảnh Trần chưa bao giờ nguôi mục đích lớn nhất là thử sức mình tại Cuộc thi Hát Thính phòng - Nhạc kịch – Hợp xướng toàn quốc. Bởi đây là một cuộc thi quy mô rất lớn, được giới chuyên môn quan tâm và đánh giá cao. Hơn nữa, cuộc thi mang đến những tinh hoa giá trị nhất của nền âm nhạc thính phòng của Việt Nam.

Tôi theo dõi lâu rồi, Cảnh luôn được điểm cao trong các kỳ thi, hầu như cao nhất trong khoa. Giải thưởng với em là xứng đáng. Sự cố gắng của em qua các tác phẩm 2 vòng bảng A, đều đạt tiêu chuẩn cao nhất mà ban giám khảo yêu cầu"- NSND Quang Thọ.

Trong cuộc thi này, Cảnh đã ấp ủ ngay từ những ngày đầu bước vào Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam. Hồi cuộc thi tổ chức năm 2019, Cảnh Trần tham dự với tư cách là một khán giả và xem các anh chị đồng nghiệp đi thi không thiếu một buổi nào. Lúc đó, Cảnh có suy nghĩ là đến một lúc nào đó mình cũng sẽ được đứng trên sân khấu của cuộc thi này và làm thí sinh giống các anh chị.

Cảnh Trần chia sẻ thêm, những tác phẩm khó nhất trong bài thi của mình là những tác phẩm được viết bằng tiếng Đức, tiếng Anh và cả tác phẩm viết bằng tiếng Việt mình. Trong đó, Litanei của Schubert dù là tác phẩm ngắn nhưng phải cần nội lực, cột hơi phải ổn định và phải rất khỏe thì mới thể hiện tốt độ legato của tác phẩm.

Chàng trai xứ Mường mong muốn được truyền niềm đam mê âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc thính phòng cổ điển đến với đông đảo khán giả trẻ. Ảnh: HÒA NGUYỄN.

Bản thân Cảnh phải dành nhiều thời gian để luyện tập cho việc phát âm tiếng Đức sao cho thật chuẩn, đặt vị trí âm thanh đúng chỗ thì tác phẩm mới hiện ra đúng tâm hồn của tác giả.

Tác phẩm The trumpet shall sound của G. Handel được viết bằng tiếng Anh, nó rất khó về kĩ thuật chạy nốt, âm vực cũng khá rộng và đặc biệt hơn bản thân mình phải mở vị trí âm thanh để khán giả nghe rõ được những phụ âm của tiếng Anh vì hát cổ điển rất khó đặt vị trí cho tiếng Anh.

Với tác phẩm Côn Đảo của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, khi hát cổ điển thính phòng điều cần chú ý nhất là mình phải hát được rõ lời, rõ từng câu chữ để khán giả nghe không cảm giác cứng và hiểu mình muốn truyền tải nội dung cảm xúc ra sao. Đây cũng là một thử thách lớn đối với bản thân Cảnh.

Bước ra khỏi cuộc thi, điều đầu tiên Cảnh Trần phải làm là tiếp tục công việc học hành của mình, không ngừng trau dồi thêm kinh nghiệm cũng như hoàn thiện mình hơn về mặt chuyên môn và từng bước đường làm nghề một cách chuyên nghiệp.

Tiếp theo nữa, Cảnh Trần cũng mong muốn có được cơ hội cọ sát trên sân khấu thật nhiều, được lan truyền đam mê âm nhạc, đặc biệt là âm nhạc thính phòng cổ điển đến với đông đảo khán giả trẻ.

Ca sĩ Cảnh Trần thể hiện tác phẩm 'Côn Đảo' của nhạc sĩ Đỗ Nhuận. Clip: VIẾT THỊNH

VIẾT THỊNH

Nguồn PLO: https://plo.vn/canh-tran-chang-trai-xu-muong-me-hat-opera-tung-di-ban-ve-be-boi-post765105.html