Cạnh tranh chưa sòng phẳng, khó vươn ra thị trường quốc tế

Là một trong những ngành góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế và hỗ trợ các ngành sản xuất khác. Tuy nhiên sản xuất giấy vẫn đang gặp nhiều khó khăn, nhất là sản xuất giấy tái chế. Để phát triển bền vững ngành giấy cần có sự nghiên cứu, đánh giá đầy đủ của các cơ quan chức năng nhà quản lý, nhà sản xuất và các chuyên gia để đưa ra kiến nghị với Chính phủ nhằm tạo hành lang pháp lý tốt nhất.

Ngành giấy đang đứng trước cơ hội và thách thức. Ảnh: MH

Cơ hội tốt cho các nhà sản xuất trong nước

Theo dự kiến, trong thời gian tới nhu cầu về giấy của VN sẽ tăng trưởng từ 8-10%/năm, dự kiến đóng góp khoảng 1,5% giá trị GDP với kim ngạch xuất khẩu khoảng trên 1 tỉ USD. Nhưng trên thực tế do nhu cầu, mỗi năm VN vẫn phải nhập khẩu gần 2 triệu tấn giấy. Tính riêng với sản xuất bao bì, nhu cầu sử dụng cho sản phẩm tiêu thụ trong nước và xuất khẩu có mức tăng trưởng lớn, do đó việc tăng năng lực sản xuất đối với giấy bao bì là một tiềm năng lớn. Việc sử dụng giấy tái chế vào SX bao bì đã mang lại nhiều lợi ích vì ngoài việc bảo vệ môi trường còn tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, mang lại nhiều lợi ích cho DN và xã hội.

Chủ tịch Hiệp hội Giấy và Bột giấy VN - ông Nguyễn Việt Đức - cho rằng thách thức lớn nhất của các DN SXKD giấy của VN là DN nhỏ và siêu nhỏ, cạnh tranh trong nước chưa sòng phẳng, do đó rất khó khăn khi cạnh tranh quốc tế. Cùng với đó, sự nhìn nhận về chính sách phát triển của ngành giấy cũng hạn chế, bởi vậy cần phải làm thế nào để thay đổi cách nhìn về ngành này. Ông Phan Chí Dũng - nguyên Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương) - cho rằng hiện 70% sản lượng giấy của VN sản xuất từ nguyên liệu là giấy phế liệu. Trong đó chỉ gần 40% được thu gom trong nước còn lại là nhập khẩu. Đối với các DN tái chế chuyên nghiệp, có năng lực đang rất cần nguồn nguyên liệu và việc nhập khẩu là giải pháp bắt buộc. Nhưng hiện nay, việc sử dụng giấy tái chế đang gặp nhiều khó khăn, nhu cầu sử dụng tăng nhanh trong những năm gần đây. Trong khi đó, Trung Quốc là thị trường lớn của thế giới với lượng nhập khẩu trên 60% giấy phế liệu trên toàn cầu, nhưng từ năm 2017 nước này đã siết chặt việc nhập nguyên liệu giấy phế liệu.

Sự thay đổi này đã tác động mạnh đến ngành giấy VN, đây là cơ hội tốt cho các nhà sản xuất trong nước với nguồn đầu vào dồi dào, giá rẻ thúc đẩy phát triển SXKD. Tuy nhiên, nếu các biện pháp quản lý chưa đồng bộ sẽ gia tăng nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, một thách thức cần phải có những giải pháp, chính sách thúc đẩy tạo điều kiện cho sản xuất trong nước phát triển và bảo vệ môi trường, khuyến khích SXKD phát triển bền vững.

Không thể đánh đổi môi trường

Theo ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế Phòng Thương mại và Công nghiệp VN (VCCI) - Chính sách tốt phải có sự nghiên cứu nghiêm túc và đầy đủ của cơ quan quản lý Nhà nước và DN. Trong khi đó, ngành giấy hiện đang có đóng góp hết sức quan trọng vào nền kinh tế của đất nước, tạo việc làm trực tiếp cho hàng chục nghìn lao động và gián tiếp mang lại nguồn sống cho hàng chục vạn lao động. Tuy chỉ là ngành công nghiệp phụ trợ nhưng nó có đóng góp quan trọng vào tất cả các ngành kinh tế khác. “Bất kể một chính sách nào liên quan đến ngành giấy cũng cần phải cân nhắc kỹ vì nó không chỉ ảnh hưởng đến môi trường cuộc sống và khoảng 300 DN đang SXKD giấy mà nó còn ảnh hưởng đến hàng chục nghìn việc làm và thu nhập của một ngành tiềm năng. Đồng thời nó cũng ảnh hưởng đến độ tin cậy và môi trường kinh doanh của VN” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Việc siết chặt quản lý nhập khẩu giấy phế liệu là cần thiết, tránh việc một số DN lợi dụng kẽ hở để nhập khẩu “rác” vào VN. Cũng theo ông Đậu Anh Tuấn, bất kỳ DN nào khi sử dụng giấy phế liệu nếu không có biện pháp quản lý tốt sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Do đó, cần phải tham khảo chính sách nhập khẩu giấy phế liệu của các nước trong khu vực và đối chiếu với tình hình phát triển KTXH tại VN để đưa ra những chính sách phù hợp với thông lệ quốc tế, không thể đánh đổi môi trường lấy kinh tế được.

Đặng Tiến

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thi-truong/canh-tranh-chua-song-phang-kho-vuon-ra-thi-truong-quoc-te-636529.ldo