Cạnh tranh đón sóng FDI rời khỏi Trung Quốc

Để theo kịp xu hướng các công ty sản xuất lớn ở Trung Quốc lên kịch bản sẵn sàng rời thị trường này để né đòn chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, VN phải cạnh tranh quyết liệt với các nước trong khu vực.

Nhiều tập đoàn quốc tế đang tìm cách chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc - Ảnh: Bloomberg

Nhiều nhà đầu tư lên kế hoạch rời Trung Quốc

Chỉ riêng trong 9 tháng của năm nay, dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực chế biến chế tạo của VN tăng đến 19% so cùng kỳ. Dẫn con số này, Hãng tin Bloomberg ngày 22.10 cho rằng đã và đang có làn sóng đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào các quốc gia khu vực Đông Nam Á.

Trong đó, VN là một trong những điểm đến tích cực.

Cũng theo ghi nhận của Bloomberg, Đông Nam Á đang là đích nhắm của các nhà đầu tư đang tìm cách di dời sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh bị áp thuế.

Khảo sát của Bloomberg cũng cho thấy 1/3 trong số hơn 430 doanh nghiệp Mỹ ở Trung Quốc cho biết đang xem xét chuyển nhà máy ra khỏi đại lục, nhằm giảm thiểu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại, đặc biệt né “thòng lọng” 25% thuế sẽ được áp lên hơn 530 tỉ USD hàng hóa từ Trung Quốc vào Mỹ sẽ được áp vào đầu năm sau. Cụ thể, Merry Electronics chuyên làm tai nghe cho các hãng như Bose chuyển một phần sản xuất sang Thái Lan, Delta Electronics chuyên cung ứng linh kiện năng lượng cho Apple có kế hoạch chi 2,1 tỉ USD mua lại chi nhánh Thái Lan để mở rộng sản xuất. Đại diện các hãng Logitech, Avery Dennison, Philips, Pentair, Skechers USA, Lennox International… cũng cho rằng, căng thẳng thương mại leo thang đang khiến tiến trình dịch chuyển khỏi Trung Quốc tăng tốc hơn để sớm tìm kiếm nguồn cung mới, tìm kiếm nơi tốt nhất về chất lượng và giá cả.

Trước đó, trong tháng 9, thông tin trên một số kênh truyền thông quốc tế, nhà cung ứng chuyên sản xuất tai nghe không dây AirPods cho Apple là GoerTek cũng cho biết sẽ có quyết định chuyển dây chuyền sản xuất tai nghe cho sản phẩm của Apple sang VN. GoerTek là hãng sản xuất tai nghe Trung Quốc đầu tiên trong số các nhà cung ứng trang thiết bị hàng đầu của Apple xác nhận kế hoạch “lánh nạn” cuộc chiến thương mại. Song song đó, một số nhà cung ứng bộ sạc và bộ kết nối điện thoại di động thông minh cũng cho biết đang xem xét đưa dây chuyển sản xuất trở lại Đài Loan hay quốc gia Đông Nam Á nào đó.

VN có nhiều lợi thế

Các chuyên gia cho rằng, khu vực Đông Nam Á sẽ hưởng lợi từ cuộc di dời này nếu có xảy ra. TS Nguyễn Xuân Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, nhận định đây là cơ hội và cũng là thách thức lớn cho VN bởi sẽ có nhiều đối thủ cạnh tranh mạnh hơn. VN nên nhanh chóng có kế hoạch mời gọi đặc biệt tập trung vào những dự án công nghệ cao cụ thể, từ chối các dự án công nghệ thấp…

“Thực tế lâu nay công tác chuẩn bị của chúng ta để đón những làn sóng đầu tư nước ngoài tương tự thế này làm chưa được tốt lắm. Chúng ta hay có những bước đi chậm hơn các nước trong khu vực, nên đôi khi “miếng ngon” các nước đón hết. Công tác chuẩn bị đón làn sóng FDI này rất quan trọng và cần thiết”, TS Cường nói.

Cẩn trọng hơn, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, cho rằng dấu hiệu cho thấy có làn sóng “thoát Trung” từ các nhà đầu tư lớn thế giới hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Song việc các nhà sản xuất lớn tìm cách “né” thuế của Mỹ đánh vào hàng nhập từ Trung Quốc là có thật.

Ông Hiếu kiến nghị Bộ Công thương và Bộ KH-ĐT nên tiếp xúc ngay với các công ty đó, bởi thông tin đã nêu rõ trên các hãng tin quốc tế. Đặt vấn đề với các nhà đầu tư này và đề nghị một chính sách ưu đãi đầu tư tương đương những gì họ đang hưởng tại Trung Quốc. Kỹ năng lao động của người Việt không bằng Trung Quốc nhưng lợi thế của chúng ta là lao động trẻ và mặt bằng lương cũng thấp hơn Trung Quốc. “Ngoài ra, khi nêu lợi thế, cần chú trọng về tỷ giá tiền đồng giảm giá thấp hơn rất nhiều so với nhân dân tệ. VN chỉ 3% nhưng nhân dân tệ đến 8%. Nhà đầu tư vào sản xuất tại VN lợi thế hơn hẳn Trung Quốc”, ông Hiếu nhấn mạnh.

Vào cuối tháng 8, có ít nhất 4 công ty của Nhật, nhà máy đóng tại Trung Quốc, xuất khẩu đi Mỹ đã lên kế hoạch di dời nhà máy khỏi Trung Quốc. Hai trong số đó có kế hoạch chuyển nhà máy về lại Nhật là Asahi Kasei và Mitsubishi Electric; Komatsu có kế hoạch chuyển nhà máy từ Trung Quốc đến Mỹ, Nhật và Mexico; Iris Ohyama chuyên làm nhựa dự kiến chuyển phần sản xuất máy lọc không khí, quạt điện và các đồ gia dụng đang phụ thuộc vào thị trường Mỹ tới một nhà máy tại Hàn Quốc.

Nguyên Nga

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/canh-tranh-don-song-fdi-roi-khoi-trung-quoc-1017462.html