Cạnh tranh trong ngành chế tạo rất khốc liệt

Các doanh nghiệp khi được hỏi đều nhấn mạnh rằng cạnh tranh trong ngành chế biến, chế tạo là khốc liệt, thể hiện qua tỷ lệ thành lập và phá sản cao và điều này làm cho cơ cấu doanh nghiệp trở nên năng động hơn.

Thật vậy, theo khảo sát về trình độ công nghệ và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp của Nhóm nghiên cứu kinh tế (DERG), Đại học Copenhaghen và Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương CIEM, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì hơn 30% doanh nghiệp có trên 10 đối thủ cạnh tranh về sản phẩm, bất kể họ đang tập trung vào thị trường trong nước hay quốc tế.

Đáng chú ý là các công ty tập trung vào thị trường quốc tế lại cho rằng họ không có áp lực cạnh tranh đáng kể với 19% doanh nghiệp. Và điều này cho thấy có nhiều khả năng các nhà xuất khẩu Việt Nam đang hoạt động trên các thị trường thích hợp.

Mặc dù vậy, theo ý kiến của chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan thì nhận xét này mang tính chủ quan nhiều và nhầm lẫn trong diễn đạt bởi 19% nói không có đối thủ cạnh tranh nhưng 81% doanh nghiệp vẫn phải cạnh tranh khốc liệt, chứng tỏ đại đa số vẫn thấy áp lực cạnh tranh.

Cũng cần phải nói rằng cạnh tranh trong ngành chế biến, chế tạo tại Việt Nam giúp đảm bảo chất lượng sản phẩm cho người tiêu dùng, kết luận này đúng với cả các ngành có sản phẩm tương đối đồng nhất.

Tiếp đến là vấn đề giá cả, với khoảng 35% doanh nghiệp cho rằng giá của sản phẩm là hình thức quan trọng nhất trong cạnh tranh. Cụ thể, các công ty xuất bản và in ấn, cao su và các sản phẩm nhựa, kim loại cơ bản có nhiều khả năng phải đối mặt với cạnh tranh về giá.

Cũng theo khảo sát thì ngành sản xuất cao su Việt Nam hiện có tiềm năng lớn ở lĩnh vực chế biến cao su thiên nhiên bởi đây là hoạt động có tính phức tạp, tuy nhiên, việc bị cạnh tranh về giá với các nước trong khu vực cũng là điều mà các doanh nghiệp cao su trong nước đang gặp phải.

Thực tế, theo tin mới nhất từ Trung tâm Thông tin CN&TM, Bộ Công Thương, giá cao su thiên nhiên xuất khẩu qua cửa khẩu Móng Cái tiếp tục sụt giảm, hôm 15/11 chỉ còn 22.200 – 22.300 NDT/tấn, giảm 800 NDT so với cuối tuần trước. Giao dịch vô cùng yếu ớt vì các doanh nghiệp của ta đều không mặn mà với mức giá như hiện nay.

Cùng với đó, một động thái mới từ Thái Lan - nước sản xuất và xuất khẩu cao su lớn nhất thế giới, có ý định chi 10 tỷ baht để xây dựng kho dự trữ 100.000 tấn cao su nhằm vực giá khỏi mức thấp 18 tháng hiện nay. Chính phủ nước này cũng đã khuyến khích nông dân ngưng cạo mủ từ nay đến cuối năm để làm giảm nguồn cung và đẩy tăng giá…

Chính điều này sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá khốc liệt cũng như có thể khiến doanh nghiệp Việt Nam mất cơ hội nâng giá nếu thiếu đi những tầm nhìn chiến lược cho ngành cao su trong những tháng cuối năm và năm 2012.

(T.Hương)

Nguồn eFinance: http://www.taichinhdientu.vn/home/canh-tranh-trong-nganh-che-tao-rat-khoc-liet/201111/118413.dfis