Cạnh tranh từ thay đổi tư duy sáng tạo

Thay đổi tư duy đổi mới sáng tạo để khởi nghiệp thành công, cũng như duy trì được lợi thế cạnh tranh… đã được các diễn giả tập trung làm rõ tại Tọa đàm 'Đổi mới sáng tạo: Lợi thế cạnh tranh mới của các doanh nghiệp', do Trung tâm Hỗ trợ DNNVV Hà Nội phối hợp Quỹ Khởi nghiệp Doanh nghiệp Khoa học và công nghệ Việt Nam (SVF) tổ chức ngày 29/11.

Khẳng định ý nghĩa của buổi tọa đàm, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Sở KH&ĐT) Lê Văn Quân cho biết, nhằm thúc đẩy hoạt động của các đơn vị trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đây là sự kiện nằm trong chuỗi hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo một cách toàn diện và hiệu quả.

Để đạt mục tiêu tạo dựng phát triển, hoàn thiện hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn xứng tầm quy mô và mang đậm bản sắc riêng có của Thủ đô, Thành phố mong muốn được thiết lập và tăng cường các mối quan hệ, hợp tác với các vườn ươm doanh nghiệp, các tổ chức tăng tốc kinh doanh, các Quỹ đầu tư, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong nước và quốc tế để tạo thành mạng lưới liên kết chặt chẽ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo và hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp Thủ đô ngày càng phát triển.

Các diễn giả chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Tạo môi trường sáng tạo

Tại buổi tọa đàm các diễn giả tập trung chia sẻ về vấn đề tư duy đổi mới sáng tạo để khởi nghiệp thành công. Theo Phó Chủ tịch SVF, Tổng Giám đốc ABBank Phạm Duy Hiếu, lãnh đạo DN chỉ thúc đẩy, còn tư duy đổi mới sáng tạo phải xuất phát từ tất cả các thành viên. Do đó, người lãnh đạo phải tạo được môi trường cho mỗi cá nhân của cả tập thể đó sáng tạo. “Đổi mới sáng tạo liên quan tới vấn đề con người chứ không liên quan tới vấn đề tiền bạc. Nó có thể đến từ những thứ rất nhỏ, có những thứ cần đến tiền có những thứ không”, vị này nói.

Đơn cử, hiện trên thế giới, tiền điện tử, fintex, AI... đã thay đổi lớn cho cả ngành. Xu hướng của ngành ngân hàng như vậy, DN cũng đang phát triển mạnh hướng đổi mới sáng tạo này. Nghĩa là, những bài học về tư duy mở mang lại nhiều sự hợp tác mới. Đầu tư đổi mới sáng tạo đi thẳng vào những vấn đề con người, cách thức kích hoạt sự sáng tạo của con người.

Họ không chọn đi con đường cũ, định kiến mà đi con đường mới, tạo ra sản phẩm và mô hình mẫu. Ngay ABBank kết nối đổi mới sáng tạo đã chuyển từ tư duy đóng sang hướng mở.

Trước đây, phải nghiên cứu và phát triển, còn ngày nay sử dụng kết quả nghiên cứu cả bên trong và bên ngoài, tức nhân viên, cộng tác viên, chuyên gia... đây là xu hướng mới thay vì mở trung tâm nghiên cứu với nhiều chi phí. ABBank liên kết, đấu nối với 4 viện hàn lâm khoa học khác nhau, đây là một kho tàng, tránh để nghiên cứu trong ngăn kéo. Cùng với đó, trước kia bạn dẫn đầu trong sáng tạo thì nay bạn hãy hợp tác với những người sáng tạo. Ông Hiếu cũng dẫn chứng, khi facebook được chia sẻ tại trường đại học nó chưa có giá trị, đến nay đã trở thành DN hàng trăm tỷ đô.

Biến ý tưởng thành “hóa đơn”

Phó Tổng Giám đốc Owen Fashion (Phu Thai Group) & Đồng sáng lập StrategyM Consulting Đoàn Đức Thuận, sáng tạo xuất phát từ nỗi đau của khách hàng, sau đó là sự tương tác giữa các thành viên để khắc phục tạo giá trị mới. Đổi mới sáng tạo gói gọn trong 3 từ “Mới - Giải quyết vấn đề - Mang lại giá trị”. Tuy nhiên, ông Thuận cũng lưu ý, có sự khác biệt rất rõ giữa sáng tạo và đổi mới sáng tạo. Có rất nhiều sáng tạo không biên giới, nhưng rất ít đổi mới sáng tạo trong rất nhiều sự sáng tạo đó. Tạo ra giá trị đổi mới sáng tạo là biến ý tưởng sáng tạo thành “hóa đơn”.

Bàn thêm về vấn đề này, ông Hiếu chỉ ra, “không phải vốn lớn, không phải bề dày, không phải cá to”, mà doanh nghiệp nhỏ và vừa hãy tìm ra những phương thức kích hoạt sự sáng tạo của cả đội ngũ, hòa chung sự sáng tạo đó với hệ sinh thái khởi nghiệp ở bên ngoài. Sự sáng tạo không chỉ riêng bản thân, nếu mang tư duy mở thì những nguồn lực của đổi mới sáng tạo đến từ bên ngoài, với những điểm nối mới sẽ tạo ra sự thành công và phát triển.

Chủ tịch Vinalink Tuấn Hà lại ví von, nếu chúng ta có khoảng thời gian nghỉ cho chính mình, phương pháp thiền mỗi lần 1 phút vậy ngày có 20 phút thiền. Còn phương pháp sáng tạo của người lãnh đạo phải dẫn dắt, đưa ra chủ đề cho sản phẩm (ID) và đề nghị các bộ phận phải đưa ra sáng tạo trong sản phẩm đó, sản phẩm ra đời là kết quả chung tập hợp tất cả của các nhân viên.

“Chúng tôi có một cuốn sổ để ghi lại những sáng tạo của các nhân viên, cuốn sổ đó hiện tương đương với một thạc sỹ học 2 năm. Mỗi người trong 1 lĩnh vực sẽ tạo ra một hệ thống cho công việc của mình, nhân viên có desline, là cách chúng tôi tạo ra sáng tạo”, vị này dẫn dụ.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/canh-tranh-tu-thay-doi-tu-duy-sang-tao-330924.html