Cảnh tượng choáng ngợp ở con phố độc nhất vô nhị Hà Nội

Những chiếc sào tre, thang tre cao vút được bày kín vỉa hè, che khuất cả tường nhà đã tạo nên khung cảnh 'độc nhất vô nhị' cho phố Hàng Vải. Cảnh tượng 'rừng tre' giữa phố gây ấn tượng mạnh cho những ai lần đầu bước chân qua đây.

Phố Hàng Vải là con phố khoảng 230 mét, kéo dài từ phố Thuốc Bắc đến phố Phùng Hưng ở phía Tây khu phố cổ Hà Nội.

Đây nguyên là địa phận của thôn Đông Thành (đoạn phía Đông từ phố Thuốc Bắc đến phố Hàng Gà) và thôn Tân Khai (đoạn còn lại). Cả hai thôn này đều thuộc tổng Tiền Túc (sau đổi là tổng Thuận Mỹ), huyện Thọ Xương cũ.

Ngày xưa phố Hàng Vải gồm hai đoạn. Đoạn phía đông có tên Hàng Vải Thâm, là nơi bán vải, phần lớn là vải nhuộm nâu và nhuộm thâm. Đoạn phía Tây thì có một số nhà bán cuốc nên có tên là phố Hàng Cuốc. Sau đó hai phố được nhập lại thành phố Hàng Vải.

Đến thời Pháp thuộc, người Pháp gọi phố Hàng Vải là “rue des Etoffes” – dịch trực tiếp từ tên gọi “Hàng Vải”. Năm 1945 phố lấy lại tên tiếng Việt là phố Hàng Vải.

Ngày nay, phố Hàng Vải vẫn còn lưu giữ hai ngôi đình của hai thôn cũ. Đầu tiên là đình Đông Thành (nhà số 9), còn gọi là đình Hàng Vải. Ngôi đình này thờ Huyền Thiên Trấn Vũ.

Ngôi đình còn lại là đình Tân Khai (số 44 Hàng Vải/ 16D Hàng Gà, chung cổng với chùa Thái Cam). Nơi đây thờ thần Bạch Mã, Tô Lịch và Thiết Lâm.

Theo đổi thay của thời cuộc, mặt hàng vải dần biến mất khỏi phố Hàng Vải và ngày nay không còn dấu tích gì ngoài tên phố. Từ thập niên 1990, nhiều hộ trên phố chuyển sang chuyên kinh doanh mặt hàng tre.

Các sản phẩm từ tre được bày bán trên phố rất phong phú, phổ biến nhất là sào tre đủ các kích cỡ, dùng làm vật liệu kiến trúc...

...Đến vật dụng sinh hoạt hàng ngày như thang tre...

...Ống điếu đủ loại...

...Và các đồ nội thất như bàn ghế, được gia công tại chỗ.

Những chiếc sào tre, thang tre cao vút được bày kín vỉa hè, che khuất cả tường nhà đã tạo nên khung cảnh “độc nhất vô nhị” cho phố Hàng Vải.

Cảnh tượng “rừng tre” giữa phố gây ấn tượng mạnh cho những ai lần đầu bước chân qua đây.

Vì sự phổ biến của mặt hàng tre mà không ít người nhầm lẫn phố Hàng Vải với phố Hàng Tre, con phố nằm phía bên kia phố cổ, cách đó gần 2 km.

Ngoài đồ tre, phố Hàng Vải còn có nhiều cửa hàng Đông y. Các cửa hàng này tập trung ở đầu phía đông của phố nơi tiếp giáp ngã tư Thuốc Bắc - Lãn Ông.

Nhiều ngôi nhà có kiến trúc cổ trên phố còn được bảo tồn khá tốt.

Một số hình ảnh khác về phố Hàng Vải.

Mời quý độc giả xem video: Nghe ca khúc Việt Nam quê hương tôi.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/canh-tuong-choang-ngop-o-con-pho-doc-nhat-vo-nhi-ha-noi-1306608.html