Cao Bằng: Độc đáo chợ phiên 'Co Sầu'

Đã thành thông lệ, cứ vào dịp cuối năm (âm lịch), bà con dân tộc vùng núi cao Trùng Khánh (Cao Bằng) lại cùng nhau tụ họp tại phiên chợ cuối cùng trong năm mang tên 'Co Sầu'.

Không biết tự lúc nào, cũng không có ghi chép nào cụ thể, chợ phiên “Co Sầu” (Trùng Khánh) diễn vào những ngày cuối năm (âm lịch) là nơi tụ họp, giao lưu, buôn bán trao đổi hàng hóa của bà con dân tộc Tày, Nùng và một số các dân tộc ít người khác của huyện miền núi nơi biên cương Trùng Khánh (Cao Bằng).

Dưới cái tiết trời se lạnh đặc trưng của những ngày đầu xuân, phiên chợ tết “Co Sầu” luôn sôi động, tấp nập dòng người ngược xuôi.

"Co Sầu" là phiên chợ đặc biệt của người dân huyện Trùng Khánh, Cao Bằng vào dịp cuối năm. Ảnh: N.Đạt

Ngay từ khi trời còn chưa sáng, từng gánh hàng, chuyến xe với đầy đủ các vật dụng, hàng hóa tấp nập ra vào chợ. Ai ai cũng khẩn trương chuẩn bị, bày trí gian hàng của mình sao cho đẹp nhất, bắt mắt nhất.

Những con gà trống thiến béo ngậy là đặc sản không thể thiếu tại chợ phiên. Ảnh: N.Đạt

Không như những phiên chợ bình thường với những vật dụng sinh hoạt hàng ngày, chợ phiên “Co Sầu” có đầy đủ những mặt hàng đặc trưng của ngày tết. Từ bánh kẹo, hoa quả cho đến cả những cây quất, cành đào đều được đưa ra bày bán.

Chia sẻ với PV, anh Vy Văn Cảnh (21 tuổi, quê Bắc Giang, trú tại Trùng Khánh, Cao Bằng) vui vẻ chia sẻ: “Gia đình mình chuyển lên Trùng Khánh sinh sống từ cách đây hơn 10 năm. Ngày trước, chợ phiên tết đơn giản là những món đồ, những mặt hàng mang đậm bản sắc dân tộc của đồng bào nơi đây như: bánh khảo, lá dong, khẩu ri, mía… nhưng giờ đây càng ngày càng nhiều mặt hàng từ khắp các nơi đổ về phục vụ bà con mua sắm Tết”.

Bánh khảo Thông Huề, Khẩu Ri là những món ăn không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên dịp lễ tết của bà con huyện Trùng Khánh. Ảnh: N.Đạt

Người Nùng ở xã Phúc Sen (huyện Quảng Uyên, Cao Bằng) nổi tiếng với những mặt hàng thủ công như dao, kéo, cuốc, hương, giấy bản (giấy rơm – thường được bà con dùng làm vàng mã để hóa vàng trong những ngày lễ tết) cũng lặn lội đường xá xa xôi đến đây giao lưu, buôn bán.

Anh Hoàng Văn Tâm (37 tuổi, ở xã Phúc Sen, Quảng Uyên) cho biết: Mặc dù nhà cách đây hơn 30 cây số, nhưng năm nào cũng như vậy, anh đều không thể bỏ lỡ dịp này để mang những sản phẩm tốt nhất của mình đến bày bán, đồng thời mua những vật dụng gia đình còn thiếu. Để có một chỗ ngồi ở chợ, bà con ở đây phải đi sớm, dùng vải, bạt, đòn gánh… “đặt chỗ” từ 1-2 hôm trước. Như một phép lịch sự, nếu đã có người đặt chỗ trước thì cũng không ai tranh giành.

Nhiều bạn trẻ háo hức đi chợ phiên "Co Sầu" để sắm những món đồ ưng ý cho gia đình dịp tết. Ảnh: N.Đạt

Trước đây, đa phần các mặt hàng đều do bà con tự cung tự cấp. Giờ đường đi thuận tiện nên mọi người cũng mở rộng, giao lưu buôn bán. Từ đó có nhiều mặt hàng hơn, việc mua sắm tết cũng thoải mái, có nhiều lựa chọn hơn.

Nguyễn Đạt

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/cao-bang-doc-dao-cho-phien-co-sau-20190202211426363.htm