Cao Bằng muốn đầu tư sân bay: Căn cứ nào?

Việc đầu tư sân bay phải dựa trên những tiêu chí kinh tế, kỹ thuật... rất khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của cá nhân nào.

Việc UBND tỉnh Cao Bằng đề nghị Thủ tướng, Bộ GTVT đưa sân bay Cao Bằng vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang nhận được sự quan tâm của dư luận.

Theo TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cho biết, việc phát triển hệ thống giao thông quốc gia nói chung phải được tính toán một cách tổng thể, đảm bảo hài hòa, rộng khắp diện tích đất nước cần, từ đường sắt, đường bộ đến đường hàng không, đường biển, đường sông, có như vậy nền kinh tế mới phát triển được.

Riêng đối với sân bay, để khẳng định có cần thiết phải xây dựng một sân bay hay không, phải căn cứ vào hàng chục tiêu chí, từ các vấn đề về dân số, kinh tế, nhu cầu đi lại, du lịch đến thương mại, văn hóa, thể dục thể thao... từ đó chấm điểm, cộng lại rồi quy ra toàn bộ đất nước Việt Nam có bao nhiêu điểm như vậy, tỉnh nào cần có sân bay, tỉnh nào không, rồi mới quy hoạch được.

Thậm chí, phải thông kê các con số từ 5-10 năm trước đó thì dự báo về sân bay mới đảm bảo chính xác.

Cao Bằng đưa ra lý do địa phương này là tỉnh có duy nhất giao thông đường bộ để xin làm sân bay

Cao Bằng đưa ra lý do địa phương này là tỉnh có duy nhất giao thông đường bộ để xin làm sân bay

"Các chỉ tiêu trên rất khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn của cá nhân nào, lãnh đạo nào. Thực tế ở Việt Nam cũng cho thấy, khi phát triển lên, tỉnh nọ thấy tỉnh kia có sân bay thì cũng muốn tỉnh mình có, không căn cứ vào các tiêu chí khoa học.

Nhưng rõ ràng, để có hiệu quả về mặt kinh tế- xã hội thì phải căn cứ các chỉ số kinh tế, kỹ thuật... nói trên rồi mới xác định có bổ sung một sân bay vào vào quy hoạch hay không", TS Trần Quang Châu nói và cho rằng, Cao Bằng muốn xây dựng sân bay cũng phải trả lời được tất cả những vấn đề trên.

Bên cạnh đó, Chủ tịch Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không Việt Nam cũng cho rằng, sắp tới đây, cao tốc Bắc-Nam và nhiều tuyến đường cao tốc khác sẽ cạnh tranh với đường hàng không bởi đi cao tốc thuận lợi, rẻ hơn, thậm chí nhiều khi thời gian đi cao tốc cũng ngang với đi máy bay (nếu tính cả thời gian ra sân bay, làm thủ tục, thời gian bay và thời gian từ sân bay trở về).

Vì lẽ đó, cơ quan quản lý nhà nước về vĩ mô phải hết sức khách quan, bản thân các địa phương khi đề xuất cũng phải tính toán đến vấn đề này.

Theo TS Trần Quang Châu, quy hoạch cảng hàng không, sân bay phải căn cứ vào chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, các ngành khác, địa phương và xu thế phát triển hàng không dân dụng quốc tế. Khi tình hình kinh tế-xã hội thay đổi thì quy hoạch cũng có thể được thay đổi, điều chỉnh.

Từ năm 1992-1997, Việt Nam đã lập quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc, đến năm 2005 lại rà soát, cập nhật và đến năm 2013 quy hoạch lại được điều chỉnh một lần nữa.

Cho tới nay, tình hình kinh tế-xã hội đã phát triển khác những năm trước nên Nhà nước đang chuẩn bị lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Do vậy, Cao Bằng có nhu cầu làm sân bay thì cứ đề nghị, Ban Quy hoạch sẽ nghiên cứu, đánh giá, tính điểm các tiêu chí, nếu thấy phù hợp thì đưa vào quy hoạch, không phải địa phương nào xin thì cũng cho khiến lạm phát sân bay.

Liên quan đến đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng, Bộ GTVT cũng đã có phản hồi. Theo đó, cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực giao thông cho biết, triển khai thực hiện Luật Quy hoạch, hiện nay Cục Hàng không Việt Nam đang tổ chức đấu thầu lựa chọn tư vấn lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo nhiệm vụ quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 336/QĐ-TTg ngày 4/3/2020, Tư vấn có nhiệm vụ nghiên cứu bổ sung cảng hàng không, sân bay mới.

Do vậy, Bộ GTVT ghi nhận đề xuất của UBND tỉnh Cao Bằng và trong quá trình lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

“Bộ GTVT sẽ chỉ đạo Tư vấn nghiên cứu, đánh giá, đề xuất phát triển một số cảng hàng không mới cho phù hợp”, lãnh đạo Bộ GTVT khẳng định.

Trước đó, trong công văn gửi Bộ GTVT, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng cho biết, việc đầu tư xây dựng sân bay Cao Bằng là một điểm nhấn quan trọng, bước đột phá trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông của tỉnh, có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển KT- XH, giữ vững trật tự an ninh biên giới.

Trong thời gian vừa qua, tỉnh này đã nhiều lần đề xuất dự án đầu tư sân bay Cao Bằng với các bộ, ngành Trung ương với vị trí lựa chọn cách TP Cao Bằng 13 km về phía Đông Nam. Đây là sân bay nội địa dùng chung giữa dân dụng và quốc phòng.

Trong Quy hoạch phát triển GTVT hàng không giai đoạn 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 1/2009, sân bay Cao Bằng đã từng được đưa vào danh mục ưu tiên đầu tư trong giai đoạn 2020 và xây dựng thành cảng hàng không giai đoạn 2030.

Tuy nhiên, tại Quyết định số 236/QĐ – TTg ngày 23/2/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch phát triển GTVT hàng không, đã không có danh mục đầu tư sân bay Cao Bằng trong quy hoạch. Do đó, tỉnh Cao Bằng chưa có cơ sở lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án và triển khai các bước tiếp theo.

Thành Luân

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/cao-bang-muon-dau-tu-san-bay-can-cu-nao-3401693/