CAO BẰNG: TRANG BỊ KỸ NĂNG VẬN ĐỘNG BẦU CỬ CHO ỨNG CỬ VIÊN LÀ NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Cao Bằng cho biết, công tác chuẩn bị bầu cử trên địa bàn tỉnh Cao Bằng đang được tích cực triển khai. Đồng thời chú trọng trang bị kỹ năng vận động bầu cử cho ứng cử viên là người dân tộc thiểu số, nhằm phát huy vai trò và sự đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số vào sự phát triển KT-XH của đất nước.

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Cao Bằng.

Phóng viên: Xin ông cho biết đến nay việc thành lập các đơn vị bầu cử của tỉnh đã đảm bảo phù hợp ra sao so với tình hình thực tế ở địa phương?

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Cao Bằng: Thực hiện Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân và căn cứ vào số dân do cơ quan Thống kê cung cấp, Ủy ban bầu cử tỉnh Cao Bằng trình Hội đồng bầu cử Quốc gia ấn định 02 đơn vị bầu cử Quốc hội khóa XV trên địa bàn tỉnh Cao Bằng, đồng thời, Ủy ban bầu cử tỉnh đã ban hành Nghị quyết ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử. Theo đó số lượng đơn vị bầu cử được ấn định là 15 đơn vị bầu cử.

Đến ngày 04/3/2021, Ủy ban bầu cử các huyện, thành phố và các xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh đều đã ban hành Nghị quyết ấn định và công bố số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử.Việc thành lập các đơn vị bầu cử trên địa bàn tỉnh đã đảm bảo quy định của pháp luật, số lượng đại biểu đại diện cho dân số ở mỗi đơn vị phù hợp với các quy định và hướng dẫn của Trung ương và tình hình thực tế của địa phương.

Phóng viên: Để đạt mục tiêu tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số trúng cử cao nhất và có thể đạt được tỷ lệ 18% đại biểu người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử tỉnh đã quan tâm đến việc trang bị những kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên là người dân tộc thiểu số như thế nào?

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử tỉnh Cao Bằng: Để có thể đạt được tỉ lệ 18% đại biểu người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban bầu cử tỉnh luôn quan tâm và tạo điều kiện cho việc trang bị những kỹ năng vận động tranh cử đối với ứng cử viên là người dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cụ thể, đã thông tin đối với các ứng cử viên lần đầu ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số để tham dự các lớp tập huấn tại Hà Nội, Đà Nẵng theo kế hoạch của Hội đồng Dân tộc, đồng thời hỗ trợ phương tiện đi lại đối với ứng cử viên tham dự lớp tập huấn tại Hà Nội theo Kế hoạch số 1449/KH-HĐDT14 ngày 25/02/2021 của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội về việc tổ chức hội nghị tập huấn "Kỹ năng vận động tranh cử cho ứng cử viên đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là người dân tộc thiểu số". Các ứng cử viên được truyền đạt, nắm bắt các nội dung về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, HĐND và của ĐBQH, đại biểu HĐND được quy định trong Hiến pháp và pháp luật hiện nay; Kỹ năng vận động tranh cử, tiếp xúc cử tri, xây dựng hình ảnh trước công chúng; Những vấn đề cần quan tâm trong quá trình xây dựng chương trình hành động; Kỹ năng tiếp xúc báo chí…

Với sự chuẩn bị tốt những kỹ năng trên, tôi tin tưởng tỉnh Cao Bằng sẽ đạt được tỉ lệ 18% đại biểu người dân tộc thiểu số trúng cử đại biểu Quốc hội.

Lãnh đạo Ủy ban bầu cử tỉnh Cao Bằng kiểm tra công tác bầu cử tại các địa phương.

Phóng viên: Không chỉ đảm bảo tỷ lệ đại biểu người dân tộc thiểu số mà quan trọng hơn là phải đảm bảo chất lượng đại biểu - những người sẽ đại diện cho ý chí, nguyện vọng của cử tri địa phương. Theo ông, để đạt được mục tiêu kép này những ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND tỉnh cần chuẩn bị gì?

Ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Uỷ ban bầu cử tỉnh Cao Bằng: Như chúng ta đã biết, ngoài những tiêu chuẩn chung theo quy định pháp luật thì ứng cử viên ĐBQH và đại Biểu HĐND tỉnh phải có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng; có năng lực phân tích, hoạch định chính sách, xây dựng pháp luật, có chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn phù hợp với vị trí dự kiến; thể hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, không vi phạm quy định về những điều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức không được làm.

Bên cạnh đó người ứng cử đã được bồi dưỡng 03 kỹ năng cơ bản: Kỹ năng vận động tranh cử, tiếp xúc cử tri, xây dựng hình ảnh trước công chúng; kỹ năng xây dựng và trình bày chương trình hành động; kỹ năng tiếp xúc báo chí, trả lời phỏng vấn và trình bày chương trình hành động trên truyền hình.

Ngoài các yêu cầu trên, người ứng cử phải thường xuyên tự trau dồi và rèn luyện để bản thân ngày càng xứng đáng là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của cử tri.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Theo hoidongbaucu.quochoi.vn

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-doan-dai-bieu-quoc-hoi.aspx?itemid=55545