Cao Bằng: Văn hóa đặt tên cho con của người Nùng

Ông bà, cha mẹ nào cũng mong muốn con mình sinh ra có một tên gọi hay, hoàn chỉnh, hàm ý phong phú, ngụ ý sâu sắc, do vậy mỗi dân tộc đều đặt tên cho con theo quan điểm của dân tộc mình là đẹp nhất, phù hợp với nét đẹp văn hóa của dân tộc mình.

Bà cháu dân tộc Nùng An. Ảnh: Phương Mai

Đối với dân tộc Nùng nói chung và Nùng Giang nói riêng cũng không ngoài chung ý tưởng đó. Chúng tôi không đi sâu vào việc đặt một cái tên nói chung và tên người nói riêng bắt nguồn từ đâu, có từ khi nào, nhưng qua tìm hiểu một số sách cổ và báo chí, việc đặt tên có từ xa xưa bắt nguồn từ các nhà vua lập ra các sổ điền, sổ đinh và sổ bộ. Riêng sổ bộ mỗi gia đình lập ra một sổ riêng để ghi họ tên, ghi chú những việc như thọ mai, sinh tử… Sự hình thành của mỗi họ tên luôn song hành với tiến trình hình thành lịch sử của dân tộc, phải chăng việc đặt tên cho con người có từ thuở đó!

Đối với dân tộc Việt nói chung, đặc biệt dân tộc Nùng Giang nói riêng đang sinh sống ở vùng thôn quê thường tổ chức ăn mừng sinh nhật đầy tháng cho con thì đó cũng là lúc mà ông bà nội ngoại, họ hàng, người thân trong gia đình mới chính thức đặt tên cho con cháu và tên đó chính thức trong giấy khai sinh tại chính quyền địa phương nơi quản lý hộ tịch, hộ khẩu (sinh con tại bệnh viện, giấy chứng sinh chỉ là thủ tục, giấy tờ đối với bệnh viện).

Việc đặt tên cho con liên quan đến quan niệm con không được trùng tên với các cụ, con cháu trong họ hàng, dòng tộc. Để xác định được tên các cụ, con cháu trong họ hàng, người Nùng tổ chức ăn mừng đầy tháng con cháu trong gia đình, mời thầy Tào - người biết chữ Hán - Nho lên bát tự (khẩn pét dử) vào sổ bát tự gia đình mà không bao giờ mời bà bụt về làm, vì không biết chữ Hán - Nho và sách để lên bát tự. Bởi thầy Tào là người biết chữ Hán, chữ Nho đọc được tên ông bà, các thành viên trong gia đình qua các đời đã đặt để tránh trùng lặp, mắc tội phạm húy.

Đây là điểm khác biệt giữa người Nùng và người Tày trong văn hóa đặt tên cho con. Nội dung trong bát tự (8 chữ) gồm tên bố, mẹ sinh ra con tên là gì, ghi can - chi ngày, tháng, năm sinh. Đơn cử bố Dàng Thèn Páo (dịch ra ngôn ngữ Việt gọi là Dương Thiên Bảo), mẹ Kíang Pình Ngán (dịch ra gọi là Giang Bình An), sinh con trai Dàng Cò Tờ (dịch ra gọi là Dương Quốc Đức), sinh Canh Dần năm (sinh năm 1950), Kỷ Mão tháng (tháng 2), Đinh Tỵ ngày (ngày 6), Giáp Tý giờ (1 giờ sáng)…

Do vậy nhiều người không phải dân địa phương khi đến nhà tại sao thấy gia đình lại gọi tên khác mà tên ở ngoài xã hội lại gọi khác. Sổ bát tự ghi đầy đủ họ tên, ngày tháng, năm sinh của dòng họ qua các đời như là gia phả của dòng họ.

Điểm khác của sổ bát tự chỉ có con út trong dòng họ mới được ghi chung cùng sổ bát tự gốc, còn con cả, con thứ khi lập gia đình phải mời thầy Tào lập lại sổ và chỉ ghi từ đời ông bà, bố mẹ, con và được lặp đi lặp lại theo chu kỳ về sau. Do vậy muốn biết được gia phả dòng họ phải tìm đến các đời con út hoặc con trai độc trong một đời nào đó nắm giữ mới tìm ra được mình là đời thứ bao nhiêu của dòng họ.

Nhưng khó khăn nhất trong bát tự là ghi bằng chữ Hán - Nho mà con cháu phần lớn không được học chữ Hán - Nho nên không đọc được. Như vậy việc đặt tên cho con của người Nùng cũng chỉ theo tôn ti trật tự ba đời, không để trùng tên trong một chi nhánh của dòng họ. Việc đặt tên cho một con của người Nùng thường mang hai tên song song, một tên được ghi trong bát tự, đọc theo âm Hán địa phương thường dùng trong gia đình.

Cái tên này mỗi khi làm lễ cúng, đến khi quy tiên, bài vị trong thờ cúng cũng phải ghi họ tên, ngày tháng, năm cả ngày sinh và ngày mất đến khi cất tang đem lên bàn thờ tổ tiên mới hết tên của một đời người. Còn tên dịch ra theo tiếng Việt được ghi trong giấy khai sinh và các loại giấy tờ khác trong giao dịch theo pháp luật là tên thường gọi hằng ngày.

Tuy nhiên một số tên vẫn đề nguyên từ âm Hán của địa phương chuyển sang âm tiếng Việt. Còn những tên chưa được dịch ra tiếng Việt làm cho người đọc khó phát âm, thậm chí nhiều người còn cho rằng ông bà, bố mẹ đặt cho con tên xấu.

Khổng Tử nói “mỹ tại kỳ trung”, cái tên chỉ là những bộ quần áo của con người, là cái vỏ của cuộc đời chứ không phải là cái làm nên phẩm chất hay tài năng của con người. Dù tên xấu hay đẹp thì người được đặt tên cũng phải mang theo nó đến hết cuộc đời.

Chu Văn

Nguồn Văn Hiến: http://vanhien.vn/news/cao-bang-van-hoa-dat-ten-cho-con-cua-nguoi-nung-79433