Cáo buộc liên quan đến Minh Phú không ảnh hưởng đến doanh nghiệp xuất khẩu tôm

Thông tin Tập đoàn thủy sản Minh Phú bị nghi ngờ mua tôm từ Ấn Độ, tái chế, bán vào Hoa Kỳ khiến nhiều nhà đầu tư quan tâm lo lắng doanh nghiệp tôm bán hàng vào Hoa Kỳ có bị ảnh hưởng hay không.

Sản phẩm tôm của Việt Nam được ưa chuộng tại Hoa Kỳ. Ảnh: T.H

Sản phẩm tôm của Việt Nam được ưa chuộng tại Hoa Kỳ. Ảnh: T.H

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty CP thực phẩm Sao Ta- doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn cho biết, nhiều cổ đông đã hỏi tôi về thông tin một doanh nghiệp tôm lớn Việt Nam có thể bị cơ quan chức năng Hoa Kỳ đưa vào diện điều tra, nghi ngờ mua tôm từ Ấn Độ, tái chế, bán vào Hoa Kỳ. Nếu như vậy sẽ vi phạm những quy định về luật của Hoa Kỳ.

Giải đáp thắc mắc trên, ông Hồ Quốc Lực cho biết, thông tin trên có thể còn diễn biến thêm hay không, chưa có căn cứ, chưa biết được, nhưng không ảnh hưởng kết quả cuối cùng thuế chống bán phá giá POR13, bởi doanh nghiệp tôm bị đồn đoán trên không dính dáng đến vụ kiện chống bán phá giá tôm từ Hoa Kỳ. Hai sự kiện này không là một.

Công ty CP thực phẩm Sao Ta là bị đơn bắt buộc trong POR13. Sổ sách Công ty CP thực phẩm Sao Ta đã được nhân viên Bộ Thương mại Hoa kỳ thẩm tra là trung thực. Mặt khác về mặt đạo đức kinh doanh, quan điểm Công ty CP thực phẩm Sao Ta là tôn trọng pháp luật, cố gắng không vì lợi ích riêng mà làm phương hại tới cộng đồng.

Ngoài ra, ông Hồ Quốc Lực, cũng thông tin, trong thời gian dài vừa qua, Việt Nam có nhập khẩu tôm từ một số nước như Ecuador, Ấn Độ, nhưng đa phần lượng tôm này mượn Việt Nam trung chuyển để điểm tới cuối cùng là Trung Quốc.

Để hạn chế tình trạng trên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong rất nhiều năm phản ảnh tình hình này lên Chính phủ và Bộ ngành liên quan nhằm tránh tai tiếng cho ngành tôm Việt. Đến thời điểm này, đã giảm thiểu tối đa chuyện nhập khẩu tôm nêu trên qua các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn.

Riêng đối với tập đoàn thủy sản Minh Phú, việc nhập khẩu tôm dùng làm nguyên liệu chế biến cũng không nhiều. Theo thống kê sơ bộ, lượng tôm nhập khẩu từ Ấn Độ chỉ chiếm một tỷ trọng nhỏ (khoảng 10%) trong tổng lượng tôm đầu vào sản xuất của Minh Phú. Không chỉ trong lĩnh vực chế biến thủy sản, mà trong rất nhiều lĩnh vực khác, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào để bổ sung cho sự thiếu hụt nguyên liệu trong nước.

Được biết, ngày 5/6/2019, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú nhận được thông tin về việc Ngài Darin LaHood, Nghị sỹ Hoa Kỳ đã gửi thư yêu cầu Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ (CBP) tiến hành điều tra lẩn tránh thuế chống bán phá giá đối với Tập đoàn Minh phú. Yêu cầu này được đưa ra dựa trên thông tin từ một thư điện tử tới Nghị sĩ LaHood, cáo buộc về việc Tập đoàn Thủy sản Minh Phú có khả năng đã nhập khẩu tôm đông lạnh từ Ấn Độ, chế biến ở mức tối thiểu và xuất sang thị trường Hoa Kỳ với xuất xứ tôm Việt Nam.

Tuy nhiên, Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho rằng, tới thời điểm này, Minh Phú vẫn chưa chính thức nhận được bất kỳ thông tin hay yêu cầu nào từ CBP hay bất kỳ cơ quan nào của Chính phủ Hoa Kỳ liên quan đến cáo buộc và yêu cầu nói trên. Hoạt động xuất khẩu tôm vào Hoa Kỳ của Minh Phú vẫn tiến hành thông quan bình thường, không bị ảnh hưởng.

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/cao-buoc-lien-quan-den-minh-phu-khong-anh-huong-den-doanh-nghiep-xuat-khau-tom-106277.html